Lược sử Việt Nam giúp cho bạn đọc có cái nhìn bao quát nhất về những chặng đường mà đất nước Việt Nam đã trải hơn 4000 năm qua…
Lược sử nước nhà để cho bạn đọc có cái nhìn bao quát nhất về những chặng đường mà đất nước Việt Nam đã trải qua.
Vào thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ VI trước Công Nguyên, các bộ lạc sinh sống tại vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã, miền bắc Việt Nam ngày nay thống nhất lập nên nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên của người Việt. Kinh đô đóng tại Phú Thọ ngày nay. Vua nước Văn Lang, tất cả 18 đời, đều xưng là Hùng Vương.
Đến thế kỷ thứ II trước CN, sau cuộc kháng chiến chống lại quân Tần Thủy Hoàng (218-208), nhà nước phong kiến Trung Quốc ở phương Bắc, Thục Phán lên làm vua nước Văn Lang xưng là An Dương Vương và đổi tên nước thành Âu Lạc, xây thành ốc ở Cổ Loa (Đông Anh – Hà Nội) làm kinh đô.
Năm 179 trước CN, nước Âu Lạc bị nước Nam Việt của Triệu Đà xâm lược. (Triệu Đà là tướng quân của nhà Tần. Sau khi Tần Thủy Hoàng chết, ông ta nhân cơ hội chiếm phần đất do mình được giao cai quản ở phía nam nước Tần lập nên nước Nam Việt. Còn nhà Tần thì bị nhà Hán thay thế.) Nước Âu Lạc bị đô hộ mở đầu cho thời kỳ lịch sử đen tối, đau thương, đầy uất hận dài đằng đẵng hơn 1000 năm của dân tộc Việt Nam. Nước Âu Lạc bị sáp nhập thành các quận, huyện của các nhà nước phong kiến phương Bắc (qua các triều đại Triệu, Hán, Ngô, Ngụy, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường của Trung Quốc). Trong thời gian này, tuy bị cai trị, bóc lột tàn nhẫn, hà khắc nhưng nhân dân ta không những không bị khuất phục mà còn liên tục vùng lên đấu tranh nhằm giành lại độc lập tự chủ, chống bị Hán hóa.
Sau CN, năm 40, Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Mê Linh. Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi. Nhưng chỉ 3 năm sau. Đất nước lại bị rơi vào tay nhà Hán.
Nhiều cuộc khởi nghĩa lại dậy lên sau đó.
Năm 248, khởi nghĩa Bà Triệu chống quân Ngô thất bại.
Năm 542, Lý Bí khởi nghĩa thành công, giành lại đượcc độc lập từ tay nhà Lương, xưng là Lý Nam Đế, lập ra nước Vạn Xuân với mong muốn đất nước mãi mãi trường tồn.
Năm 545, nhà Lương đem quân sang xâm lược nước Vạn Xuân, Lý Nam Đế thua trận liên tục phải rút về động Khuất Lão. Tại đây ông bị bệnh chết. Triệu Quang Phục lên thay. Triệu Quang Phục lui quân về đầm Dạ Trạch thực hiện chiến tranh du kích. Cuối cùng năm 550, Triệu Quang Phục mới giành được thắng lợi, khôi phục nước Vạn Xuân, tự xưng là Triệu Việt Vương. Đến năm 571, Triệu Quang Phục bị Lý Phật Tử cướp ngôi.
Năm 602-603, Lý Phật Tử không chống được cuộc xâm lược của giặc, nước ta lại rơi vào tay nhà Tùy, rồi nhà Đường.
Năm 722, Mai Thúc Loan phất cờ khởi nghĩa nhưng thất bại.
Năm 905, Khúc Thừa Dụ khởi nghĩa giành được chính quyền. Nhà Đường công nhận chính quyền tự chủ của ông.
Năm 930, quân Nam Hán sang xâm lược nước ta. Người đứng đầu nước ta lúc đó là Khúc Thừa Mỹ không chống lại được, bị bắt sang Nam Hán. Các tướng lĩnh của họ Khúc tổ chức nhiều cuộc kháng chiến.
Năm 931, cuộc kháng chiến do Dương Đình Nghệ lãnh đạo thành công. Ông được tôn làm Tiết Độ Sứ.
Năm 937, Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ cướp quyền lãnh đạo. Ngô Quyền là con rể Dương Đình Nghệ khởi binh trừng phạt. Kiều Công Tiễn cầu cứu nước Nam Hán và dĩ nhiên vua Nam Hán vui vẻ nhận lời.
Năm 938, quân Nam Hán do thái tử Hoằng Tháo kéo sang nước ta theo đường thủy định phối hợp với Kiều Công Tiễn đánh bại Ngô Quyền. Nhưng Hoằng Tháo chưa đến nơi thì Ngô Quyền đã diệt được Kiều Công Tiễn và bố trí trận địa chờ sẵn. Khi quân Nam Hán lọt vào trận địa mai phục của Ngô Quyền ở cửa sông Bạch Đằng thì bị đánh cho tan tác. Hoằng Tháo chết trận, quân Nam Hán tháo chạy về nước. Vua Nam Hán bỏ mộng xâm lược.
Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, dựng kinh đô tại Cổ Loa. Mở ra thời kỳ độc lập tự chủ hoàn toàn cho nước ta sau hơn 1000 năm bị đô hộ bởi phong kiến phương bắc.
Năm 944, Ngô Quyền mất. Tình hình đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn, tranh dành quyền lực giữa các phe phái tướng lĩnh và con của Ngô Quyền (Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn).
Năm 965, vị vua cuối cùng của triều Ngô là Ngô Xương Văn chết, các tướng lĩnh địa phương thi nhau cát cứ. Đất nước bị chia cắt thành 12 sứ quân.
Năm 967, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất được 12 sứ quân. Do ông đánh đâu thắng đấy nên đuợc dân chúng tôn là Vạn Thắng Vương. Năm 968, Vạn Thắng Vương lên ngôi Hòang Đế xưng là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, kinh đô đóng tại Hoa Lư.
Năm 979, Đỗ Thích ám hại Đinh Tiên Hoàng cùng con là Đinh Liễn. Triều thần bắt giết Đỗ Thích, lập Đinh Toàn, 5 tuổi, lên làm vua. Thái hậu Dương Vân Nga nhiếp chính, quyền phụ chính được giao cho Lê Hoàn. Lúc này, nhà Tống thấy tình hình nước ta rối ren, vua còn nhỏ tuổi như vậy thì cho đó là cơ hội trời cho để thôn tính, bèn giao Hồ Nhân Bảo xua quân xâm lược. Được tin, Thái Hậu Dương Vân Nga cùng triều thần nhất trí nhường ngôi báu cho Lê Hòan để ông có được tòan quyền mà dốc sức chống Tống.
Năm 980, Lê Hoàn lên ngôi xưng là Đại Hành Hoàng Đế (Lê Đại Hành). Ông gấp rút tổ chức lại bộ máy hành chính, chỉnh đốn quân đội chuẩn bị nghênh chiến.
Năm 981, quân Tống ồ ạt tấn công Đại Cồ Việt theo cả hai đường thủy, bộ. Nhờ chuẩn bị tốt, và tài mưu lược. Lê Hoàn đánh bại quân Tống, giữ yên bờ cõi.
Năm 1005, Lê Hoàn chết, các con của ông tranh nhau giành ngôi báu. Lê Long Đĩnh thắng lên làm vua (Lê Ngọa Triều). Ông vua này rất thích bạo lực, sa đọa và trụy lạc nên không đựơc lòng dân chúng.
Năm 1009, Lê Long Đĩnh chết. Được sự ủng hộ của nhiều người, Lý Công Uẩn tự xưng vua (Lý Thái Tổ) lập ra triều đại nhà Lý kéo dài 216 năm với 9 đời vua (Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hòang).
Năm 1010, Lý Thái Tổ dời kinh đô về thành Đại La. Sau đổi tên thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay).
Năm 1072, Lý Nhân Tông lên ngôi khi mới 6 tuổi. Nhà Tống bên Trung Quốc cho là cơ hội tốt chuẩn bị lương thảo có ý xâm lược nước ta. Vì vua còn nhỏ nên quan phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt nắm trọn binh quyền.
Năm 1075, Lý Thường Kiệt chủ trương “đánh phủ đầu” quân Tống để tự vệ trước bèn tập trung 10 vạn quân thủy bộ chia làm hai đường đánh sang đất Tống với mục đích phá hủy các kho dữ trữ lương thảo hậu cần nằm ở Ung Châu và Khâm Châu, Liêm Châu mà nhà Tống đang chuẩn bị để phục vụ cho cuộc xâm lược nước ta. Quân Thủy đánh Khâm Châu, quận bộ đánh Ung Châu. Bị bất ngờ nên quân Tống thua liên tiếp. Nửa tháng sau chính quyền Tống ở trung ương mới biết được tin. Vua Tống lập tức chuẩn bị đại binh dự định đánh thẳng vào nước ta để giải vây. Năm 1076, tháng 3, sau sáu tháng tiến công, quân ta đã đạt được mục đích và rút về nước cũng là đề phòng bị đánh úp. Khi đó, đại binh quân Tống còn chưa kịp lên đường. Năm 1076, tháng 8, sau khi củng cố lực lượng, nhà Tống đem 30 vạn quân chia hai đường thủy, bộ bắt đầu xâm lược nước ta và cũng là để trả thù cho sự kiện ở trên. Lý Thường Kiệt chọn địa điếm quyết chiến tại sông Như Nguyệt, xây dựng phòng tuyến phòng thủ tại bờ nam chờ giặc. Năm 1077, tháng 1, quân Tống đến phòng tuyến Như Nguyệt và bị chặn đứng ở đó. Thế trận giằng co kéo dài, binh Tống ngày một hao tổn do thiếu lương thực vũ khí vì bị quân ta đánh du kích. cuối cùng quân Tống phải chấp nhận giảng hòa rút quân về Triều Lý bắt tay xây dựng đất nước và bước vào thời kỳ hưng thịnh.
Từ 1138, triều Lý có dấu hiệu suy yếu do các vua đều lên ngôi khi còn nhỏ tuổi, bị chết yểu,… quyền hành rơi vào tay ngọai tộc vốn lắm kẻ gian tham, bất tài, hại dân. Vào cuối triều nhà Lý, các quý tộc quan lại họ Trần nổi lên là một thế lực lớn có công giúp nhà Lý bình định thiên hạ.
Năm 1225, Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng, 7 tuổi. Quyền bính nằm cả trong tay quan điện tiền Trần Thủ Độ. Năm 1226, dưới sức ép của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng mình là Trần Cảnh (Trần Thái Tông), cháu của Trần Thủ Độ, khi ấy cũng mới 8 tuổi. Quyền hành vẫn trong tay Trần Thủ Độ với địa vị Thái Sư. Trần Thủ Độ tìm mọi cách để “nhổ sạch rễ” họ nhà Lý, củng cố địa vị cho họ Trần. Nhà Lý kết thúc ở đây.
Những việc làm của Trần Thủ Độ gây nên một cuộc khủng hoảng chính trị, gây nhiều bất bình trong dân chúng. Thậm chí còn gây nên mâu thuẫn lớn giữa một số người trong họ Trần. Tuy nhiên, thế lực của Trần Thủ Độ quá lớn nên mọi việc cuối cùng cũng êm xuôi. Triều đại nhà Trần dần phát triển và kéo dài 175 năm qua 12 đời vua (Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Dương Nhật Lễ, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông, Trần Phế Đế, Trần Thuận Tông, Trần Thiếu Đế). Triều Trần hưng thịnh nhất sau khi 3 lần đánh tan quân xâm lược Mông Nguyên(Trung Quốc). Khi ấy Mông Cổ là một đại đế quốc lớn nhất thế giới trong lịch sử có lãnh thổ bao gồm khỏang 40 nước trải dài từ bờ Thái Bình Dương cho tới Trung Đông, Đông Âu và vẫn tiếp tục bành trướng. Uy danh của Thành Cát Tư Hãn cùng sức mạnh kỵ binh Mông Cổ đã biến đội quân này trở thành nỗi khiếp sợ của cả thế giới, đến nỗi sau này hậu thế vẫn lưu truyền câu nói: “vó ngựa Mông Nguyên đi tới đâu, cỏ xanh không mọc được tới đó.” Tuy vậy, cả 3 lần sang xâm lược Đại Việt vào các năm 1258, 1285, 1287 đều bị quân dân nhà Trần đánh cho đại bại.
Sau chiến thắng quân Mông Nguyên lần thứ 3, Đại Việt có được một thời gian dài ổn định và phát triển hưng thịnh. Nhưng từ đời vua Trần Dụ Tông trở đi thì nước Đại Việt đã có nhiều biểu hiện suy thoái. Vua quan bất tài, ăn chơi, sa đọa. Ngôi báu nhà Trần đã có lúc rơi vào tay ngọai tộc, giặc giã nỗi lên như nấm, các nước lân cận đều mang quân tràn sang cướp phá…Từ đời vua Trần Nghệ Tông trở đi, Hồ Quý Ly nổi lên là một nhà chính trị có tài và được trọng dụng. Nhờ đó nhân buổi rối ren, suy thoái của nhà Trần, Hồ Quý Ly đọat được ngôi báu.
Năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Thánh Nguyên, đổi tên nước Đại Việt thành Đại Ngu, và tiến hành nhiều cuộc cải cách lớn, trong đó có việc đổi tiền đồng sang tiền giấy “thông bảo hội sao”. Tuy nhiên không phải cuộc cải cách nào cũng được lòng dân chúng.
Năm 1406, nhà nước phong kiến bên Trung Quốc lúc này là nhà Minh cử các tướng Mộc Thạnh, Trương Phụ,… đem quân xâm lược nước Đại Ngu. Quân quan nhà Hồ chống cự quyết liệt nhưng vì Đại Ngu lúc đó chưa ổn định, nhà Hồ chưa được dân chúng ủng hộ,… nên cuối cùng quân Minh đập tan sức kháng cự của quân Hồ. Hồ Quý Ly cùng con trai và nhiều tướng bị bắt giải sang Trung Quốc. Nhà Minh nhập Đại Ngu thành quận Giao Chỉ của họ. Lúc đó nhân dân Đại Ngu mới bắt đầu khởi nghĩa ở nhiều nơi.
Năm 1407, Trần Ngỗi rồi Trần Quý Khoáng là quý tộc tôn thất nhà Trần, tiến hành khởi nghĩa chống quân Minh. Ban đầu cũng giành được một số thắng lợi đáng kể nhưng sau đó trong nội bộ mất đoàn kết nên nghĩa quân suy yếu và bị dập tắt vào năm 1412.
Năm 1418, sau khi quy tụ được nhiều hào kiệt khắp nơi trong nước, trong đó có Nguyễn Trãi, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa tại núi Lam (thuộc Thanh Hóa ngày nay). Ban đầu lực lượng nghĩa quân còn yếu, chừng vài nghìn người, nhưng cũng dùng mưu thắng được nhiều trận lớn gây thanh thế như ở Lạc Thủy, Mường Một… Quân Minh tăng cường đàn áp với sự giúp đỡ của nhiều kẻ bán nước, chỉ điểm nên có lúc chúng đẩy nghĩa quân lâm vào tình trạng hiểm nghèo. Ba lần nghĩa quân phải trốn lên núi Chí Linh, chịu cảnh đói khát, thiếu thốn trăm bề. Ở lần thứ hai rút lên núi Chí Linh, năm 1419, nhờ 500 quân cảm tử do Lê Lai dẫn đầu đánh xông ra, mạo danh Lê Lợi để cho giặc bắt giết nên nghĩa quân mới được bảo tòan xuống núi. Nghĩa quân Lê Lợi chiến đấu như vậy ròng rã mấy năm trời cho đến năm 1424 thì mới tạo nên chuyển biến có lợi cho mình.
Đầu năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn đã giành lại phần lớn đất nước, dồn quân Minh vào cố thủ trong 4 thành Đông Quan (Thăng Long), Chí Linh, Cổ Lộng, Tây Đô. Tướng quân Minh lúc đó là Vương Thông phải cho người về nước xin viện Binh. Tuy nhiên, cả hai cánh quân cứu viện, với số quân 15 vạn, do Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy đều bị quân Lê Lợi tiêu diệt ngay tại cửa ải. Liễu Thăng bị chém đầu tại trận ở ải Chi Lăng. Mộc Thạnh hay tin thì đang đêm mang quân chạy về nước nhưng cũng bị phục đánh tơi bời. Quân Lê Lợi giết được hàng nghìn lính, thu nhiều ngựa và vàng bạc, khí giới. Ngày 10/12/1427, túng quẫn vì bị vây mà không có viện binh, quân Minh đang cổ thủ trong các thành đều ra hàng. Lê Lợi tha cho 10 vạn giặc Minh và còn cấp đủ lương thực cho chúng, sửa cầu đường cho chúng rút về nước. Cả bọn đều bái lạy.
Đầu năm 1428, Lê Lợi làm lễ lên ngôi Hoàng Đế ở thành Đông Kinh (Thăng Long) khôi phục tên nước Đại Việt mở đầu triều đại nhà Lê. (Gọi là nhà hậu Lê để phân biệt với nhà tiền Lê của Lê Đại Hành trước kia).
Nhà hậu Lê phát triển ổn định và đạt nhiều thành tựu lớn trong xây dựng đất nước qua năm đời vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông. Đến đời vua Lê Uy Mục thì bắt đầu xuống dốc.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung ép Lê Cung Hoàng nhường ngôi vua cho mình. Trước đó, ông ta cậy có nhiều công nên lạm quyền, kết bè cánh và đã phế truất ngôi của Lê Chiêu Tông giao cho Lê Cung Hoàng. Nhà Mạc thành hình. Ở trong nước là thế nhưng khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung lại hèn kém trong ngọai giao với nhà Minh, nhún nhường nhận chức An Nam đô thống sứ do vua Minh “trao tặng” khiến nhân dân và nhiều quan lại phẫn nộ.
Năm 1530, Lê Ý ở Thanh Hóa nổi quân chống lại nhà Mạc.
Năm 1532, Nguyễn Kim Tôn con của Lê Chiêu Tông lên làm vua (Lê Trang Tông), đóng ở Thanh Hóa, nhiều quan lại của cũ của nhà Lê cũng theo về phò tá tạo nên một triều đình mới đối lập với nhà Mạc ở phía bắc. Đại Việt lúc đó vì thế có hai triều đình ở hai miền nam – bắc.
Sau khi Nguyễn Kim chết (1546), vua Lê phong con rể Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm lên thay. Trịnh Kiểm tiến hành lọai trừ phe cánh của Nguyễn Kim để tập trung quyền lực vào tay mình. Các con của Nguyễn Kim, Nguyễn Uông bị bắt giết, Nguyễn Hoàng lo sợ nên tìm cách lánh bằng cách xin trấn giữ ở vùng Thuận Hóa. Trịnh Kiểm thuận ý cho vào. Họ Nguyễn vào vùng đó ngấm ngầm có ý lập nên “vương quốc” riêng của mình chống lại họ Trịnh nhưng bên ngoài vẫn tỏ về thuần phục, giúp họ trịnh chống họ Mạc.
Năm 1570, Trịnh Kiểm chết. Trịnh Tùng thay.
Năm 1592, Trịnh Tùng đem quân đánh bại nhà Mạc ở Thăng Long, thống nhất đất nước, nhà Lê khôi phục, vua Lê bấy giờ là Lê Thế Tông. Tuy nhiên vua Lê chỉ là cái bóng. Họ Trịnh lập ra vương phủ riêng tồn tại bên cạnh triều đình vua Lê. Quyền lực nằm cả trong tay họ Trịnh.
Năm 1613, Nguyễn Hoàng ở phía Nam chết. Con là Nguyễn Phúc Nguyên vâng lời cha “dạy bảo nhân dân, luyện tập binh sĩ kháng cự lại họ Trịnh” để “xây dựng cơ nghiệp muôn đời”.
Năm 1627, lấy cớ Nguyễn Phúc Nguyên không chịu nộp thuế, họ Trịnh đem quân vào đánh. Cuộc chiến giữa hai họ bắt đầu từ đó. Đại Việt bị chia cắt thành hai “đàng” lấy sông Gianh làm ranh giới. Đàng Ngoài tính từ bờ bắc sông Gianh trở ra bắc, Đàng Trong từ bờ nam sông Gianh trở vào nam. Ranh giới này tồn tại suốt gần 300 năm cho đến khi Nguyễn Huệ thống nhất vào năm 1786.
Năm 1771, ở Đàng Trong, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo nông dân khởi nghĩa ở Tây Sơn. Lúc này ở cả hai Đàng chính quyền phong kiến đều đã rất bê tha, suy tàn. Trải qua mấy trăm năm chia cắt, chiến tranh triền miên giữa hai Đàng đã làm cho đất nước điêu tàn, kiệt quệ, nông dân vô cùng đói khổ. Vì thế vô vàn nông dân đã hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Với khẩu hiệu “ Lấy của nhà giàu chia cho người nghèo”, quân Tây Sơn tiến đến đâu thì dân nghèo ở đấy đều tham gia. Thanh thế của nghĩa quân Tây Sơn lớn lên nhanh chóng. Hầu như đánh đâu thắng đấy. Chẳng mấy chốc chiếm toàn bộ Quy Nhơn, Quảng Ngãi.
Năm 1777, Nguyễn Nhạc tự xưng là Tây Sơn vương, đóng ở thành Đồ Bàn (Bình Định), sai Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đánh thành Gia Định. Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ sau khi đánh lấy được thành, giết chết chúa Nguyễn Phúc Thuần, cắt người trấn thủ xong thì rút về Quy Nhơn. Nguyễn Ánh là cháu của Nguyễn Phúc Khoát (chúa Đàng Trong ngày xưa, trước Nguyễn Phúc Thuần) đem quân chiếm lại thành Gia Định.
Năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Thái Đức.
Năm 1783, quân Tây Sơn đánh chiếm lại thành Gia Định, Nguyễn Ánh thua chạy trốn sang Xiêm (Thái Lan) cầu cứu.
Năm 1784, quân Xiêm cử Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 2 vạn thủy quân, 300 chiến thuyền và Chiêu Thùy Biên đem 3 vạn quân bộ cùng Nguyễn Ánh tấn công Gia Định. Đến cuối năm đó thì chiếm được nửa đất Gia Định, Tây Sơn chỉ còn giữ hai thành Gia Định, Mỹ Tho.
Đầu năm 1785, Nguyễn Ánh và quân Xiêm từ Sa Đéc tiến đánh Mỹ Tho. Nguyễn Huệ cho quân mai phục, chặn đánh trên sông Mỹ Tho, đoạn ở Rạch Gầm- Xoài Mút. Quân Xiêm đại bại, chỉ còn vài ngàn bộ binh rút chạy về nước. Tây Sơn truy bắt Nguyễn Ánh nhưng không được. Nguyễn Huệ củng cố ba quân, cử tướng trấn giữ Gia Định rồi rút ra Tây Sơn cùng với Vũ Văn Nhậm và Nguyễn Hữu Chỉnh (một tướng Đàng Ngoài không phục Trịnh Khải, bỏ nhà Trịnh theo Tây Sơn) chiếm luôn thành Phú Xuân đang do Đàng Ngoài nắm giữ. Rồi nhân đà thắng lợi giành lại hết các vùng đất của Đàng Trong. Xong, lấy danh nghĩa giúp vua Lê diệt chúa Trịnh, tiến đánh luôn quân Trịnh ở Đàng Ngoài.
Năm 1786, Nguyễn Huệ chiếm được Thăng Long, lật đổ chúa Trịnh, trao lại quyền hành cho vua Lê Hiển Tông. Vua Lê thưởng công cho Nguyễn Huệ bằng cách phong Nguyễn Huệ là Uy Quốc Công, nhường đất Nghệ An cho Tây Sơn. Được vài hôm, Lê Hiển Tông vì bệnh nặng từ trước, qua đời. Vua kế vị là Lê Chiêu Thống. Sau đó, Nguyễn Huệ rút quân về phương Nam để Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại đất bắc. Ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ chia nhau cai quản từ Nghệ An trở vào. Nguyễn Huệ sau khi chinh phục miền bắc được Nguyễn Nhạc phong làm Bắc Bình Vương, làm chủ từ Nghệ An đến Phú Xuân. Nguyễn Lữ giữ vùng đất phía nam, Gia Định. Nguyễn Nhạc giữ vùng Quãng Ngãi đến Bình Thuận.
Sau khi Nguyễn Huệ rút đi, miền bắc trở nên rối loạn. Các thế lực của họ Trịnh ra sức khôi phục lại cơ đồ. Lê Chiêu Thống phải dựa vào sức cửa Nguyễn Hữu Chỉnh để chống đỡ. Chỉnh dẹp yên được họ Trịnh, cậy mình có công lớn nên sinh ra lộng quyền, chống lại Tây Sơn, đòi lại đất Nghệ An.
Năm 1787, Nguyễn Huệ sai Ngô Văn Sở, Vũ Văn Nhậm ra bắc đánh Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉnh cùng vua Lê bỏ chạy lên phía bắc. Dọc đường Chỉnh bị bắt giết, Lê Chiêu Thống thoát sang đất nhà Thanh cầu cứu. Diệt được Chỉnh, Vũ Văn Nhậm lại lộng quyền. Nguyễn Huệ đích thân ra bắc giết chết Nhậm, đưa Ngô Văn Sở lên thay, tuyển dụng người giỏi, hiền tài để trao quyền hành. Nhà Lê mất từ đây.
Năm 1788, vua Thanh là Càn Long cử Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Đống… đem 20 vạn quân cùng Lê Chiêu Thống tiến vào nước ta để “tiêu diệt Tây Sơn, dựng lại nhà Lê”. Ngô Văn Sở bỏ trống Thăng Long rút về xây phòng tuyến ở Tam Điệp một mặt báo tin cho Nguyễn Huệ. Tôn Sĩ Nghị vào Thăng Long quá dễ cho là Tây Sơn sợ mất mật nên trốn cả nên hống hách, coi thường Tây Sơn, cho quân cướp phá hết sức tàn bạo. Lê Chiêu Thống cũng thực hiện việc trả thù, báo oán cũng không kém phần tàn ác.
Nguyễn Huệ nhận được tin cấp báo, ngày 22/12/1788, lập đàn tế cáo trời đất lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung rồi hành quân thần tốc ra bắc. Qua vùng Nghệ An, Thanh Hóa đều tuyển thêm quân lính. Khi đến phòng tuyến Tam Điệp ngày 15/01/1779 đã có được đại quân hơn 10 vạn người.
Rạng sáng mùng 5 tết Kỷ Dậu, 30/01/1789, sau khi chuẩn bị kỹ càng, vua Quang Trung cho quân tấn cống thành Ngọc Hồi, cùng lúc đó cánh quân khác đánh vào đồn Khương Thượng ở Đống Đa, sát thành Thăng Long. Ở Ngọc Hồi, trước sức tấn công mãnh liệt, mưu trí của quân Tây Sơn, mặc dù chống trả kịch liệt nhưng quân Thanh cũng nhanh chóng để mất thành, chạy tán loạn, nhưng đều bị mai phục chết nhiều vô kể. Ở Đống Đa, quân Tây Sơn do Đô đốc Đông chỉ huy cũng giành thắng lợi lớn. Thây giặc Thanh chất cao như núi. Tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử kéo theo nhiều bộ hạ thân tín tự sát theo, tàn quân chạy hết về Thăng Long. Quân Tây Sơn đuổi theo truy sát vào tận Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị lúc đó còn đang mơ màng trong giấc mộng, giật mình tỉnh giấc thì thấy quanh mình lửa cháy khắp nơi, sáng rực trời. Không kịp đóng yên cương, nhảy lên ngựa chạy trốn. Quân lính tranh nhau cướp đường chạy theo tướng về hướng bắc. Chen lấn xô đẩy qua cầu phao sông Hồng. Cầu chịu không nổi, đứt. Hàng vạn lính bị cuốn trôi theo nước dòng sông. Số chạy thoát đều bị mai phục, chặn đánh tơi bời.
Trưa mùng 5, vua Quang Trung tiến vào Thăng Long giữa tiếng hò reo của ba quân và dân chúng. Chỉ trong vòng một tuần, Vua đã từ Phú Xuân hành quân thần tốc đánh tan 20 vạn quân Thanh hùng hậu. Vua tiến hành khôi phục đất nước với nhiều cải cách triệt để giúp đất nước phát triển nhanh chóng. Đến năm 1792, vua Quang Trung mất, con là Quang Toản lên thay.
Năm 1793, Nguyễn Ánh từ Gia Định đem quân đánh tới tận thành Quy Nhơn của Nguyễn Nhạc. (Nguyễn Ánh sau khi thất bại cùng với quân Xiêm, sống lưu vong nhiều năm, tới 1797 đã quay về chiêu mộ được nhiều binh lính, có cả người một số người Pháp do linh mục Bá Đa Lộc đưa tới, giúp sức, tái chiếm được thành Gia Định từ 1788 khi Quang Trung đang chuẩn bị đánh quân Thanh, Nguyễn Lữ chạy về Quy Nhơn).
Nguyễn Nhạc bị vây khốn phải cầu cứu Quang Toản. Quang Toản sai tướng đem quân giải vây xong thì có ý muốn chiếm luôn. Nguyễn Nhạc vì thế uất ức mà chết. Nguyễn Ánh rút nhưng từ đó thường đem quân đánh phá. Hai bên giành nhau thành Quy Nhơn mấy lần.
Sau khi Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc chết, nhà Tây Sơn do Quang Toản lãnh đạo. Nhưng vua còn non nớt nên bị Thái sư Bùi Đắc Tuyên lộng quyền gây nên nhiều mẫu thuẫn nội bộ. Các tướng tự đánh giết lẫn nhau. Triều đình suy yếu. Trong khi đó Nguyễn Ánh đựơc sự giúp sức của người Pháp ngày một mạnh lên.
Năm 1801, lợi dụng hai tướng Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng của Tây Sơn đang đánh để giành lại thành Quy Nhơn, Nguyễn Ánh đánh úp Phú Xuân, lấy được thành, vua Quang Toản chạy ra bắc. Hai tướng Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng sau khi chiếm đựơc Quy Nhơn, hay tin ấy quyết định bỏ thành, mượn đường Ai Lao tính ra bắc hội quân với Quang Toản. Dọc đường thì bị quân Nguyễn Ánh truy sát, bắt giết. Vua Quang Toản và các tướng còn lại cũng không chống được. Cuối cùng đều bị bắt giết. Nguyễn Ánh trả thù nhà Tây Sơn rất dã man. Nhà Nguyễn Tây Sơn hoàn toàn bị diệt.
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long, đặt tên nước là Việt Nam, mở ra triều đại nhà Nguyễn kéo dài cho tới năm 1945. Tuy nhiên từ 1858 đến 1945, Việt Nam bị thực dân Pháp Xâm lược. Thực dân Pháp ra sức bóc lột tài nguyên, nhân, vật lực của Việt Nam, dìm các cuộc khởi nghĩa của nông dân, một số danh sĩ yêu nước trong biển máu. Các vị vua cuối triều Nguyễn không có quyền quyết định các quốc sách. Họ chỉ là những vị vua bù nhìn, chỉ biết lo cho thân phận mình được yên ổn. Họ đã bất lực đầu hàng Pháp, không giúp gì được cho đất nước lại còn bóc lột dân chúng bằng lắm thứ tô thuế,… nặng nề để phục vụ cho cuộc sống xa hoa của họ. Duy chỉ có 3 vị vua có tấm lòng yêu nước sâu sắc, đứng lên chống lại thực dân Pháp, đó là Vua Hàm Nghi, Vua Thành Thái và Vua Duy Tân. Thế nhưng cả 3 vị Vua ấy đều bị thực dân Pháp đày sang Châu Phi, phải sống một cuộc sống vô cùng khổ cực.
Năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã lật đổ được chính quyền của Pháp, Nhật, lật đổ chế độ quân chủ phong kiến của nhà Nguyễn để lập nên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, một thể chế nhà nước mới mà tất cả nhân dân lao động được làm chủ đất nước, bình đẳng với nhau, không có ai bóc lột ai cả.
Tháng 8/1945, Pháp nổ súng tái chiếm Nam Kỳ mở đường xâm lược Việt Nam lần 2.
Tháng 12/1946, Pháp ra tối hậu thư đòi Chính phủ Việt Nam ở Hà Nội, phải giải tán quân đội, giao nộp vũ khí. Biết đã tới giới hạn cuối cùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cử một bộ phận quân đội ở lại cầm cự với Pháp tại Hà Nội, còn lại rút hết lên vùng rừng núi phía Bắc, lập căn cứ kháng chiến.
Không đựơc đáp ứng tối hậu thư, Pháp tấn công Hà Nôi, quân Việt Nam chặn quân Pháp ở đó hơn hai tháng, khi đại quân và tài sản đã di tản lên căn cứ kháng chiến an toàn thì rút đi. Pháp chiếm được Hà Nội và sau đó mở rộng ra khắp vùng đồng bằng bắc bộ. Tuy nhiên không tiêu diệt được chính phủ của Hồ Chí Minh.
Pháp tuy chiếm được Việt Nam nhưng phần lớn chỉ có đủ quân để giữ các vùng đô thị. Nhân dân Việt Nam tổ chức đánh du kích ở vùng nông thôn và rừng núi. Pháp càng đánh càng đuối sức trong khi quân Việt Nam càng đánh càng trưởng thành và lớn mạnh. Đến năm 1950 thì quân đội Việt Nam đã bắt đầu lấy lại thế chủ động có thể đánh những trận lớn trực diện. Và đến năm 1953 thì Pháp đã rơi vào tình thế bị động đối phó.
Năm 1954, với nỗ lực nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường, Pháp ra sức càn quét, tăng cường bắt lính để mở rộng nguỵ quân, xin thêm viện binh, viện trợ vũ khí. Xây dựng những cứ điểm phòng thủ ở miền bắc để thi hành kế hoạch Nava: phòng thủ ở miền bắc, bình định miền Nam, sau khi bình định miền Nam sẽ có thêm nhiều ngụy quân và thanh thế tiến ra miền bắc tiêu diệt quân bắc Việt. Và Điện Biên Phủ là một trong những cứ điểm lớn nhất, mạnh nhất, đông quân nhất và “không thể công phá” tại Đông Dương đã được xây dựng với sự giúp đỡ của người Mỹ. Pháp định dùng nó làm cái bẫy để nhử quân Việt Nam vào đánh để tiêu diệt. Thế nhưng…
Tháng 5/1954, cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn. Quân Việt Minh bắt sống toàn bộ 16 nghìn quân Pháp trong đó có cả sở chỉ huy. Cả thế giới chấn động. Thất bại này khiến Pháp phải ký hiệp định Giơ ne vơ chấm dứt xâm lược Việt Nam, chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Việt Nam.
Pháp rút, Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam dựng nên chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp những người chống đối. Đất nước Việt Nam lại bị chia cắt thành 2 miền nam – bắc.
Năm 1965 Mĩ trực tiếp tham chiến tại Việt Nam, gây ra một cuộc chiến tranh thảm khốc nhất trong thế kỷ XX. Cuộc chiến của nhân dân Việt Nam chống lại Mỹ, và tay sai kéo dài từ đó tới năm 1975. Trong suốt 20 năm đó, Mỹ và chính quyền do Mỹ dựng lên đã tìm đủ mọi cách, đủ mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất để chống lại nhân dân Việt Nam nhưng cuối cùng đều bị thất bại. Nước Việt Nam độc lập và thống nhất kể từ ngày 30/04/1975.
Năm 1976, đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhưng Việt Nam vẫn chưa được hưởng cuộc sống thanh bình thực sự.
Năm 1977, Cam-pu-chia, dưới sự cầm quyền của Khơ me đỏ, quân đội chính quy của Cam-pu-chia mở cuộc tiến công biên giới và tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam, giết người man rợ, gây ra rất nhiều tội ác. Trước đó, từ ngay sau ngày Việt Nam thống nhất (5/1975), Khơ me đỏ đã có nhiều hoạt động xâm nhập quấy rối giết hại dân thường.
Lúc này, giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng xảy ra mâu thuẫn. Trung Quốc trở nên thân Mỹ chống Liên Xô và Việt Nam. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã ủng hộ lực lượng Khơ me đỏ ở Cam-pu-chia bằng cách gia tăng chuyên gia và viện trợ quân sự sang Cam-pu-chia. Khơ me đỏ vì thế càng ngày càng mạnh tay với Việt Nam và với cả nhân dân Cam-pu-chia. Hàng trăm nghìn dân thường Việt Nam và hàng triệu người dân Cam-pu-chia đã bị Khơ me đỏ giết hại.
Đầu năm 1979, Việt Nam tổng phản công trên toàn tuyến biên giới với Cam-pu-chia, đẩy lui Khơ me đỏ về sâu trong lãnh thổ Cam-pu-chia. Việt Nam còn liên kết với quân cách mạng của Cam-pu-chia, tiến công giải phóng thủ đô Phnom penh cứu nhân dân Cam-pu-chia khỏi họa diệt chủng. Trung Quốc và Khơ me đỏ tố cáo Việt Nam xâm lược Cam-pu-chia. Đa phần quốc tế (trong đó có ASEAN) không ủng hộ Việt Nam, đòi Việt Nam rút quân về nước.
Trước sự tấn công mạnh mẽ của Việt Nam, Khơ me đỏ phải rút vào rừng rậm biên giới, lãnh thổ Thái Lan, nhờ sự giúp đỡ của Thái Lan và Trung Quốc mà cầm cự theo kiểu đánh du kích để không bị tiêu diệt.
Tháng 3 năm 1979, Trung Quốc huy động hàng chục sư đoàn bất ngờ tấn công trên toàn tuyến biên giới phía bắc Việt Nam với tuyên bố đầy tính giang hồ của Đặng Tiểu Bình là để “dạy cho Việt Nam một bài học” và tuyên truyền với nhân dân Trung Quốc là để “phản công quân Việt Nam xâm lược”. Nhưng mục đích chính là nhằm phân tán quân chủ lực của Việt Nam, giải vây cho Khơ me đỏ đang bị vây khốn tại Cam-pu-chia. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đóng quân và hy sinh xương máu của mình ở Cam-pu-chia để bảo vệ nhân dân Cam-pu-chia, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ của Cam-pu-chia cho đến tận năm 1989, khi nhân dân Cam-pu-chia đã đủ mạnh để tự bảo vệ và giữ gìn thành quả cách mạng của mình, Việt Nam mới rút quân về nước.
Quân Trung Quốc dùng chiến thuật biển người càn quét sâu vào lãnh thổ Việt Nam, đi tới đâu là giết sạch phá sạch tới đó. Quân đội Việt Nam với khoảng 5 sư đoàn và dân quân địa phương, bộ đội biên phòng mặc dù đã ngoan cường, anh dũng chiến đấu nhưng dần dần phải rút lui do quân Trung Quốc quá đông, một người lính Việt Nam phải chống lại từ 5 -7 tên Trung Quốc xâm lược. Tuy nhiên, đi nhiều thì chết nhiều, quân Trung Quốc chịu tổn thất quá lớn nên chỉ hai tuần giao tranh, khi gặp Quân đoàn 2 chủ lực của Việt Nam chặn đường thì buộc phải rút chạy về nước và tuyên bố chiến thắng (!). Kể từ đó Trung Quốc không dám tấn công bằng bộ binh sang lãnh thổ Việt Nam mà chủ yếu dùng pháo từ bên kia biên giới bắn sang quấy phá, làm tiêu hao sinh lực của Việt Nam. Hai bên cứ đấu pháo qua lại mãi tới giữa thập niên 1980.
Ngày 14 tháng 3 năm 1988, 9 tàu chiến hải quân Trung Quốc có trang bị pháo hạm và lính thủy đánh bộ bất ngờ tấn công 3 tàu vận tải chở công binh Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, khu vực đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma. Công binh Việt Nam đang tay không khuân gạch đá xây nhà thì bị tàu và lính Trung Quốc với hỏa lực mạnh tấn công. Trung Quốc dễ dàng bắn chìm 3 tàu vận tải và giết chết 64 chiến sĩ Việt Nam. Các chiến sỹ Việt Nam anh dũng, mưu trí chiến đấu giữ được Đảo Cô Lin và Len Đao. Đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng từ ngày đó. Cho đến nay, Trung Quốc đã chiếm đoạt của Việt Nam nhiều đảo tại quần đảo Trường Sa và toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (Hoàng Sa bị chiếm trọn từ 1974 với sự bật đèn xanh của Mỹ), bất chấp các công ước quốc tế, bỏ ngoài tai những lời phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Từ 1986, Việt Nam tiến hành đổi mới kinh tế, đổi mới đối ngoại với phương châm muốn làm bạn với tất cả các nước. Nhờ vậy, kinh tế – chính trị – xã hội của Việt Nam ngày càng ổn định và phát triển.
Năm 1991 Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ. Việt Nam chính thức im tiếng súng từ đây.
Năm 1995 Việt Nam và Mĩ bình thường hóa quan hệ. Việt Nam chính thức hội nhập sâu rộng với thế giới từ đây.
Hiện nay, Việt Nam đang được hưởng nền hòa bình sau những chặng đường dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên, những thế lực thù địch vẫn đang luôn tìm cách phá hoại sự ổn định chính trị, phá hoại kinh tế, chiếm đoạt lãnh thổ, lãnh hải…của Việt Nam.
Chúng ta hãy cùng chung tay bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và sự yên bình cho dân tộc Việt Nam nhé các member.