Hào khí Đông A (Video)

Hào khí Đông A mãi vang vọng đến muôn đời sau, như một minh chứng hùng hồn thể hiện tinh thần yêu nước bất khuất và chí khí kiêu hùng đáng tự hào của những con người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng cao quý, nhất là những người con dân đất Việt mang danh họ Trần …

LỜI BÀI HÁT : “HÀO KHÍ ĐÔNG A”
Hào khí Đông A niềm tự hào của dân tộc ta 
Thế kỷ 13 ba lần chiến thắng Nguyên Mông 
Hào khí non sông rạng danh con Lạc cháu Hồng 
Đến ngàn năm sau vẫn vang bài hát tự hào 

Vó ngựa Nguyên Mông hung tàn giày xéo bốn phương 
Máu chảy đầu rơi bao dân tộc lầm than mất nước 
Đại việt từ xưa chưa từng cúi đầu khuất phục 
Trước họa ngoại xâm quyết không lùi bước đầu hàng 

Đánh! Đánh! Đánh! Diên Hồng vang tiếng Đánh! 
Sát Thát sát khí căm giận ngút trời 
Hịch tướng sỹ vang vang truyền sông núi 
Lời Hưng Đạo Đại vương hồn nước vọng về. 

Sóng sóng sóng Bạch Đằng Giang cuộn sóng 
Sáng phấp phới ánh tinh kỳ trên sông 
Đoạt sóng Chương Dương bắt quân Hồ Hàm Tử 
Làm quân thù hồn kinh trước làn sóng Lạc Hồng. 

Đánh! Đánh! Đánh! Cả toàn dân cùng đánh 
Nước nguy biến đâu kể gì gái trai. 
Lòng yêu nước dâng lên như muôn ngọn sóng thần 
Quét sạch bọn ngoại xâm yên bờ cõi sơn hà 
Chiến công tạc sử xanh cả thế giới nghiêng mình. 

Hào khí Đông A bùng lên từ thế trận lòng dân 
Trăm họ đồng tâm muôn người cùng một ý chí 
Gốc vững nơi dân muôn đời cơ đồ bất diệt 
Đất Việt hùng anh giang sơn bền vững âu vàng 
Đất Việt hùng anh giang sơn bền vững ngàn năm.

Tác giả: Đình Dương

HOÀN CẢNH RA ĐỜI TINH THẦN ” HÀO KHÍ ĐÔNG A”

Những trang sử vàng Việt Nam đã từng ghi nhận không biết bao nhiêu cuộc chiến đấu chống quân xâm lược, bảo vệ quốc gia của dân tộc Việt Nam. Đó là những cuộc kháng chiến anh dũng, kiên cường, thể hiện tinh thần yêu nước và là kết tinh chí khí anh hùng đáng tự hào của những con người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng cao quý. 

Trong số những cuộc đấu tranh đầy dũng khí ấy, không thể không kể tới nét son oanh liệt trong lịch sử đã phản ánh một hào khí ngất trời của triều đại nhà Trần mà sử sách vẫn gọi là “hào khí Đông A” vào thế kỉ XIII.

Trong những năm tháng cuối cùng của nhà Lý, Lý Huệ Tông do không có con trai nên lập Lý Chiêu Hoàng lên làm thái tử, truyền ngôi hoàng đế. Nhưng chỉ ngồi trên ngai vàng được 2 năm rồi nhường ngôi lại cho họ Trần. Đó là, ngày 12 tháng chạp năm Ất Dậu tức ngày 11/1/1226, được Trần Thủ Độ sắp xếp, nhà Trần thay nhà Lý nắm giữ chính quyền mà không hề xảy ra một cuộc tranh giành đẫm máu nào, đây cũng có thể coi là sự chuyển giao chính quyền hoà bình nhất trong lịch sử.

Trần Cảnh, sau này là Trần Thái Tông, dưới sự sắp xếp của thái sư Trần Thủ Độ đã trở thành hoàng đế đầu tiên của nhà Trần, mở ra 1 thời kỳ mới trong lịch sử Đại Việt. Có thể nói, đây là 1 trong những triều đại lớn mạnh, phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Trong 175 năm trị vì, nhà Trần có rất nhiều thành công về văn hóa, tôn giáo cũng như quân sự nhưng điểm sáng nhất chính là việc lãnh đạo nhân dân đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông đến 3 lần (năm 1258, 1285, 1288). Và cũng chính từ đây, câu nói “hào khí Đông A” ra đời.

Năm 1282 quân Nguyên đòi mượn đường đánh Chiêm Thành,nhưng thực ra định xâm lược nước ta. Trước tình hình ấy, vua Trần mở hội nghị Bình Than bàn kết hoạch đánh giặc. Sau đó, Phạm Ngũ Lão và một số vị tướng được cử lên biên ải phía Bắc để trấn giữ đất nước. Hoàn cảnh lịch sử chắc chắn đã ảnh hưởng nhiều dến hào khí trong bải thơ.

Hào khí dân tộc thể hiện qua tư thế,hành động của người trai Đại Việt :

Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,

Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu.

(Múa giáo non sông trải mấy thu

Ba quân hùng khí ắt sao Ngưu)

Khát vọng lập công giúp nước, tinh thần trách nhiệm đối với dân tộc :

Nam nhi vị liễu công danh trái.

Tu thính nhân gian nghe thuyết Vũ Hầu.

(Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu)

Trên thực tế, chúng ta có thể hiểu “hào khí Đông A” chính là hào khí nhà Trần. Nhưng có câu nói đó là xuất phát từ 2 lý do. Đầu tiên, theo lối chiết tự, chữ Trần được ghép từ chữ Đông và chữ A nên có thể đọc là Đông A! Nhưng để hiểu được cụ thể, chúng ta phải kể đến lý do thứ 2.

Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu cũng như khách quan lịch sử, nhà Trần là triều đại phong kiến đầu tiên của lịch sử Việt Nam có thể tạo được sự đồng tâm, nhất chí tối cao từ trên xuống dưới, từ quân đến dân, từ già đến trẻ hay từ trai đến gái.

Lần đầu tiên, tất cả con dân Đại Việt đồng lòng vì nghĩa lớn, với tinh thần quyết tử để chống giặc ngoại xâm! Lúc bấy giờ đứng trước kẻ địch cường mãnh nhất thế giới, nhưng Đại Việt vẫn thể hiện được tinh thần tự lập tự cường, lòng yêu nước vô hạn.

Trong Hịch tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn có viết:

“Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xẻ thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng”.

Câu nói đó cho ta thấy sự phẫn nộ, căm tức quân giặc cũng như ý chí quyết chiến quyết thắng không gì lay chuyển. Hay như câu trả lời cứng rắn của ông khi được vua Trần Thánh Tông hỏi trong cuộc kháng chiến lần 2: “Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”.

Và tinh thần ấy cũng là biểu trưng rõ nhất cho hào khí Đông A, hào khí lịch sử giúp cho quân dân nhà Trần có được 3 chiến thắng không tưởng trước quân Nguyên Mông. Không vậy mà trước khi mất, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có để lại quốc sách giữ nước cho vua Trần Anh Tông rằng:

“Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. (Nên) khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”.

Áng văn thể hiện tinh thần trung quân ái quốc, bất khuất của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo.

Năm 1284, nước ta đối mặt với sức ép không tưởng từ hơn 50 vạn quân Nguyên Mông, chúng vẫn muốn xâm lược nước ta 1 lần nữa. Đứng trước nguy cơ đó, Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các phụ lão trong cả nước về điện Diên Hồng để hỏi nên chủ hòa hay chủ chiến.

Kết quả thì mọi người có thể đã biết hết, theo Đại Việt Sử Ký toàn thư quyển 5, kỷ nhà Trần:“Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão điều nói “ĐÁNH”, muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng”.

Các bô lão đó chính là những người được trọng vọng, kính nể ở khắp nơi trong nước và chính họ cũng thể hiện ý kiến của nhân dân. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên từng viết: “Giặc Hồ vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy”.

Hào khí Đông A còn thể hiện không chỉ ở lĩnh vực chính trị, lịch sử mà cả trên các lĩnh vực văn hoá, học thuật… Hào khí Đông A sẽ âm vang mãi cho các thế hệ sau tiếp bước. Trong Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu có tư thế của một con người tráng chí bốn phương, tâm hồn phóng khoáng, rộng mở. Trong Cảm hoài của Đặng Dung có phong thía của đấng anh hùng thất bại mà vẫn ngạo nghễ trước cuộc đời…

Hào khí Đông A không chỉ là nét chữ, lỗi chiết tự mà còn là tinh thần bất khuất, dũng cảm, quyết chiến quyết thắng của trên dưới quân- thần- dân nhà Trần. Với họ, đầu có thể rơi, máu có thể chảy nhưng quyết không thể làm người mất nước, quyết không làm người nô lệ.

 

BAN TRUYỀN THÔNG
TRẦN MINH CƯỜNG

Trả lời