Đào Duy Từ – Mưu Thần Giỏi Nhất Lịch Sử Việt Nam…

Đào Duy Từ – Mưu Thần Giỏi Nhất Lịch Sử Việt Nam, Được Ví Ngang Với Gia Cát Lượng Của Trung Quốc. Nhà Nguyễn (1802 – 1945) truyền được 13 đời vua, tổng cộng 143 năm cũng nhờ có sự đóng góp không nhỏ của Đào Duy Từ của buổi đầu dựng triều đại … 

TIỂU SỬ ĐÀO DUY TỪ
Đào Duy Từ sinh vào khoảng năm 1572 ở xã Hoa-trai, huyện Ngọc-sơn (nay là huyện Tĩnh-gia) tỉnh Thanh-hóa, cha là Đào Tá Hán, mẹ là người họ Nguyễn. Ông thông minh, và học rộng biết nhiều. Ông đi thi hương ở Thanh-hóa. Hiến ty cho Đào Duy Từ là con nhà phường chèo, gạch bỏ tên không cho vào thi. Ông buồn bực quay về, căm giận chế độ vô lý của họ Trịnh lúc bấy giờ. Một hôm ông nói với bạn rằng: “Tôi nghe chúa Nguyễn hùng cứ đất Thuận-quảng, làm nhiều việc ân đức, lại có lòng yêu kẻ sĩ, trọng người hiền… Nếu ta theo vào giúp thì chẳng khác gì Trương Lương về Hán, Ngũ Viên sang Ngô, có thể làm tỏ rạng thanh danh, ta không đến nỗi phải nát cùng cây cỏ, uổng phí một đời…”. Rồi mùa đông năm Ất sủu (1627), Duy Từ trốn được vào xứ Đường trong. Đầu tiên ông ở huyện Vũ-xương hơn một tháng để nghe ngóng tình hình. Sau biết khám lý Hoài-nhân là Trần Đức Hòa là người có mưu trí được chúa Nguyễn Phúc Nguyên tin dùng, Duy Từ vào Hoài-nhân. Ông đi ở chăn trâu cho một phú ông ở xã Tùng-châu. Phú ông thấy Duy Từ học rộng tài cao, biết ông không phải là người thường, liền đem nói với Trần Đức Hòa. Đức Hòa cho gọi Duy Từ đến hỏi chuyện. Thấy Duy Từ không gì là không thông hiểu, Đức Hòa giữ ông lại rồi gả con gái cho. Duy Từ đem bài “Ngọa long cương” của ông đưa cho Đức Hòa xem,. Đức Hòa xem bài “Ngọa long cương” và nói: “Đào Duy Từ là Ngọa-long1 đời này chăng?”. 

Một hôm, Trần Đức Hòa đem bài “Ngọa long cương” cho Nguyễn Phúc Nguyên xem, và nói: “Bài này là do thầy đồ của nhà tôi là Đào Duy Từ làm”. Đọc bài “Ngọa long cương” Nguyễn Phúc Nguyên biết Đào Duy Từ là người có chí lớn, liền cho gọi Duy Từ đến. Mấy hôm sau, Đào Duy Từ và Trần Đức Hòa cùng vào ra mắt Nguyễn Phúc Nguyên. Lúc ấy Phúc Nguyên đang mặc áo trắng, đứng ở của nách. Thấy thế, Duy Từ dừng lại, không vào. Phúc Nguyên hiểu ý, trở vào, mặc áo đội mũ chỉnh tề rồi ra đón Duy Từ vào nói chuyện. Duy Từ cao đàm hùng luận, tỏ ra rất am hiểu việc đời. Phúc Nguyên mừng lắm, hỏi: “Sao khanh đến muộn thế?”. Liền ngay đó Phúc Nguyên trao cho Duy Từ chức Nha úy nội tán, tước Lộc khê hầu, trông coi việc quân cơ ở trong và ở ngoài, tham lý quốc chính. 

Từ đấy Duy Từ nói gì chúa Nguyễn cũng nghe. Ông bày mưu vạch kế giúp chúa Nguyễn làm nên nhiều việc lớn. Chúa Nguyễn thường nói với mọi người: “Đào Duy Từ thật là Tử Phòng (Trương Lương) và Khổng Minh (Gia Cát Lượng) ngày nay”. 

Tháng ba năm Canh ngọ (1630), Duy Từ khuyên chúa Nguyễn đắp lũy Trường-dục từ núi Trường-dục đến phá Hạc-hải nhằm ngăn chặn quân Trịnh ngược dòng sông Nhật-lệ vào đánh xứ Đường trong. Năm Tân mùi (1631), theo lời Đào Duy Từ, chúa Nguyễn lại cho đắp một cái lũy nữa kiên cố hơn, dài 18 ki-lô-mét bắt đầu từ núi Đâu-mâu qua cửa biển Nhật-lệ, rồi men theo sông Lệ-kỳ và sông Nhật-lệ tiến lên phía đông bắc đến làng Đông-hải. 

Nhờ có hai cái lũy trên, chúa Nguyễn đã ngăn chặn được các cuộc tiến công của quân Trịnh trong một thời kỳ dài. 

Tháng chín năm Canh ngọ (1630), theo đề nghị của Đào Duy Từ, Nguyễn Phúc Nguyên cho mở cuộc tấn công vào châu Nam Bố-chánh, và chiếm được châu này. 

Tháng mười năm Giáp Tuất(1634), Duy Từ bị bệnh nặng rồi mất, thọ 63 tuổi. 

Đào Duy Từ chỉ làm quan với chúa Nguyễn có tám năm. Nhưng trong tám năm đó, ông đã xây dựng cho họ Nguyễn một cơ sở xã hội vững chắc, và một quân đội hùng mạnh. Nguyễn Hữu Tiến, một viên tướng có tài của chúa Nguyễn, là con rể Đào Duy Từ do Đào Duy Từ tiến cử lên chúa Nguyễn. 

Hổ trướng khu cơ là tác phẩm do Đào Duy Từ soạn ra để dạy các tướng sĩ của xứ Đường trong. Đó là tác phẩm quân sự đuy nhất của Việt-nam còn nguyên vẹn cho đến ngày nay. 

Xứ Đường trong sở dĩ có quân hùng tướng mạnh, một phần là do công lao của Đào Duy Từ. Đào Duy Từ, vì vậy, được coi là Đệ nhất khai quốc công thần của họ Nguyễn và được thờ ở nhà Thái miếu.


Đào Duy Từ là nhà quân sự, nhà thơ và nhà văn hóa, danh thần thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, ông chỉ làm quan với Chúa Nguyễn có tám năm, nhưng trong tám năm đó, ông đã xây dựng cho họ Nguyễn một cơ sở xã hội vững chắc, và một quân đội hùng mạnh.

Mốc cơ nghiệp của họ Nguyễn phải kể từ đầu thế kỷ 17 khi các chúa Nguyễn hùng cứ ở đất Thuận Quảng. Và người mở mang cơ nghiệp ấy cho các vua chúa Nguyễn là một bộ óc vĩ đại xuất thân từ tầng lớp bình dân: Đào Duy Từ.

Trần Minh Cường – Sưu tầm

Trả lời