Tiểu thuyết lịch Sử: Hồ Quý Ly – Nguyễn Xuân Khánh

Trong lịch sử Việt Nam, Hồ Quý Ly được bàn đến nhiều lần với những cách nhìn khác nhau, từ những việc ông đã tiến hành trong giai đoạn Trần  – Hồ, những cải cách mang tính đột phá được sử cũ chép lại, những việc ông đã tiến hành trong thời gian tham dự triều chính cũng như lúc ở ngôi Vua…

Trước hết, hãy nhìn lại bối cảnh Đại Việt vào thời cuối nhà Trần. Lúc này Đại Việt đang bước vào thời kỳ suy vong. Vương triều Trần với vị vua là Trần Nghệ Tông đã không còn “Vương uy trên ngai vàng” để trị vì xã tắc. Trong triều chính, quan lại đua nhau vơ vét của chúng dân, giữa lúc đời sống của bách tính thì bần hàn cơ cực.

Do có hai cô ruột là Đôn Từ và Minh Từ cùng là Hoàng hậu của Vua Trần Nghệ Tông, cùng sinh hạ hai vua là Trần Minh Tông và Trần Thuận Tông, nên Hồ Quý Ly được nhập cung từ năm 1370.

Năm 1380, với nhiều công trạng dẹp giặc Chiêm Thành, Hồ Quý Ly đã được Nhà vua phong nhiều tước vị, đặc biệt là được Trần Nghệ Tông tặng lá cờ thêu tám chữ: “Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức”. Cùng thời điểm ấy, em trai ông là Hồ Quý Tỳ cũng được Vua phong đến chức là Tả Tướng quốc. Sau đó, Hồ Quý Ly lại kết hôn cùng Công chúa Huy Ninh, trở thành Phò mã đương triều.

Bức tranh chân dung Hoàng đế Hồ Quý Ly.

Nếu có ý đồ “soán ngôi”, thì lúc này thời cơ rất thuận lợi, nhưng trên thực tế, Hồ Quý Ly vẫn tiếp tục phò tá nhà Trần, với hàng loạt cải cách của ông nhằm xây dựng nước nhà hưng thịnh, như: định lại quan chế hình luật; định lại các châu, các lộ; cải cách chế độ thi cử, chọn hiền tài; đúc súng thần công; tăng cường võ bị; đóng chiến thuyền; mở đường thiên lý Bắc Nam; dùng chữ Nôm thay cho chữ Hán; lập sổ hộ tịch để quản lý hộ khẩu; đổi tiền đồng thành tiền giấy… Tất cả những cải cách nói trên đã mang lại cho Đại Việt những thay đổi lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng.

Vào cuối thế kỷ thứ 14, Triều Trần đã đứng trên bờ vực thẳm của sự tan rã. Nhiều lần, Chiêm Thành đánh ra tận Kinh đô Thăng Long, Vua tôi lên thuyền chạy trốn. Nhà Minh thường xuyên nhòm ngó phên dậu nước ta, sử dụng nhiều chiêu thức, vừa răn đe, vừa khiêu khích, vừa mua chuộc nhằm biến Đại Việt thành một châu, quận của chúng.

Đứng trước họa ngoại xâm với một vương triều đang tiến đến thời kỳ thoái trào; trước hết, Hồ Quý Ly đã nỗ lực tạo nên một hệ thống tri thức rộng khắp, củng cố hệ thống hành chính đã bị bại hoại, tan rã bởi tình trạng cát cứ. Nguyễn Trãi, người đặt nền móng cho sự phát triển tri thức trong những năm sau, cũng chính là một trong những học trò được đào luyện và thi đỗ “Thái học sinh” trong thời kỳ này. Sau đó là các bước củng cố quân đội, tăng cường võ bị và phát động chiến tranh chống nhà Minh (dưới thời Vua Lê Thái Tổ).

Để chủ động điều hành đất nước chống giặc ngoại xâm, không thể trông chờ vào Vương triều mục nát. Hồ Quý Ly đã nắm lấy vận mệnh đất nước bằng việc đăng quang lên ngôi Hoàng đế vào tháng 3 năm Canh Thìn (1400), lấy Quốc hiệu Đại Ngu, Niên hiệu Thánh Nguyên.

Vương triều Hồ thất thủ trước nhà Minh để giang sơn rơi vào tay giặc. Hồ Quý Ly, Hoàng đế Hồ Hán Thương, Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng, Hồ Trệt, Hồ Uôn, Thái tử Nhuế (con trai Hồ Hán Thương), Hữu Tướng quốc Hồ Quý Tỳ, Hồ Nguyên Cửu (con Hồ Quý Tỳ) cùng hoàng tộc bị nhà Minh bắt về bắc quốc và bỏ xác tại đất khách, quê người.

Để có cái nhìn công bằng về vị Hoàng đế mà với lịch sử còn nhiều đàm luận, chúng ta nên đặt Hồ Quý Ly là một nhân vật phức tạp, ra đời trong bối cảnh lịch sử phức tạp mà nhìn nhận đánh giá.

Hồ Quý Ly là một nhân vật anh hùng, chứ không phải là nhà đạo đức, do đó khi nhìn về nhân vật anh hùng, ta nên lấy các tiêu chí anh hùng để làm thước đo, chứ không nên mang các chuẩn mực đạo đức để so sánh.

Chất anh hùng thể hiện ở sự nghiệp, ở phẩm chất chính trị và quyền lực, tính quyết đoán, độc quyền, độc tài để thực hiện ý đồ, lý tưởng của bậc anh hùng.

Sự nghiệp anh hùng của Hồ Quý Ly thể hiện ở những cải cách kinh thiên động địa mà ông đã tiến hành trong thời kỳ phò tá nhà Trần cũng như thời kỳ ông ở ngôi Vương. Có những cải cách mà thời bấy giờ đối với nhân loại còn khá xa lạ, có những cải cách đến nay còn nguyên giá trị, hệ thống chữ Nôm, việc lựa chọn hiền tài, xây tòa Hoàng Thành bằng đá vẫn nguyên vẹn trước thời gian. Những quyết đoán độc quyền của ông còn truyền hậu thế.

Trong lịch sử có nhiều cuộc đổi ngôi, tranh quyền đoạt vị, song mỗi biến cố mang một tính chất khác nhau. Cướp ngôi vua khi vương triều và vị Hoàng đế đó đang thuận lòng dân, vương triều đang hưng thịnh đó rõ ràng là “loạn thần tặc tử”. Còn giành ngôi của vị vua bù nhìn và vương triều thối mục thì đó chính là cứu lấy vận mệnh giang sơn.

Xin được nhìn nhận Hoàng đế Hồ Quý Lý với góc nhìn như vậy.

Các sử gia phong kiến trung đại cố tình tạo dựng hình ảnh Hồ Quý Ly là “loạn thần soán ngôi” đến mức hình ảnh đó lưu truyền mãi mãi về sau. Ngay tại mảnh đất Hà Trung (Thanh Hóa) nơi ông sinh ra cho đến khắp nơi trên cả nước không có chỗ nào khói hương thờ phụng ông. Tại Bầu Đột (Quỳnh Lưu, Nghệ An) – nơi thờ Thủy tổ Hồ Hưng Dật;  Hồ Quý Ly cũng chỉ được thờ chung trong Nhà thờ Thủy tổ.

Đâu là sự thật? Xin được bàn góp đôi điều, bởi chúng ta và ngay cả những sử gia sau thời Hồ Quý Ly cũng chỉ chấp bút theo trí nhớ của tiền nhân mà không phải lời kể nào cũng sát với sự thật; bởi: “sự thật lịch sử là sự im lặng của người đã khuất”. Hoàng đế Hồ Quý Ly – Vương triều Hồ tuy chỉ tồn tại 7 năm trị vì (1400-1407) nhưng đã để lại cho chúng ta một cái gạch đầu dòng.

Tuy nhiên từ tính lôgic, từ sự sâu chuỗi các sự việc, các nhân vật lịch sử có mối quan hệ chúng ta có thể từng bước dò ra sự thật một cách thuyết phục.

Xin được nêu ra nhận định: Hồ Quý Lý là người “Vị Quốc vong thân”.

Việc ông lên ngôi Hoàng đế năm 1400 cũng là vì gánh vác việc giang sơn xã tắc.

Rất mong các học giả, các nhà sử gia, các nhà nghiên cứu lịch sử ngày nay hãy đánh giá công bằng Hồ Quý Ly – Vương triều Hồ về những đóng góp trong lịch sử dân tộc.

 




















Giới thiệu

Bằng nghệ thuật tái hiện khoáng đạt, nhà văn Xuân Khánh đã lật lại lịch sử thời kỳ cuối đời nhà Trần, góp thêm tiếng nói khám phá xã hội và con người Hồ Quý Ly – một nhân vật mà hơn 600 năm qua vẫn còn nhiều tranh cãi về ông.
Hơn thế, cuốn tiểu thuyết còn là bức tranh đẹp về Thăng Long ngàn năm văn hiến với những địa danh cổ nổi tiếng, những cảnh sinh hoạt thôn dã, những lễ hội dân gian, những phong tục tốt đẹp … được lưu truyền hay đã bị mai một theo năm tháng.

Tác giả
Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại làng Cổ Nhuế, Hà Nội. Ông đỗ tú tài Toán, học Đại học Y khoa Hà Nội cho đến hết năm 1952 thì ra vùng tự do tham gia bộ đội. Trong khoảng mười năm, ông ở một đơn vị pháo binh, rồi dạy văn hoá tại Trường Sĩ quan Lục quân trước khi chuyển về làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ 1966, ông là phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong trước khi về hưu non vào năm 1973. Hiện ông sống ở Hà Nội.
Nguyễn Xuân Khánh (sinh năm 1933) là tác giả của nhiều tiểu thuyết như Mẫu thượng ngàn (NXB Phụ Nữ – đạt Giải Thưởng Tiểu Thuyết Hội Nhà Văn Hà Nội 2006), Đội gạo lên chùa, Lửa đắng, Hồ Quý Ly (ra năm 2000, nối bản và tái bản 15 lần), Chuyện ngõ nghèo,… trong đó ông đã có một bộ 3 tiểu thuyết lớn đi sâu kiến giải về văn hóa dân tộc gồm “Hồ Quý Ly” (năm 2000), “Mẫu Thượng Ngàn” (2005), “Đội gạo lên chùa” (2011). Đấy đều là “trường thiên”, số lượng tới con số vạn chưa kể bị in lậu, viết tay hoàn toàn và do NXB Phụ nữ làm. Ở tuổi xấp xỉ bát thập, ông đã “lội” vào những lịch sử, văn hóa, phong tục, triết học… để “chế” thành tiểu thuyết, sức lao động như thế thật đáng kinh ngạc, cảm phục.

Tiểu thuyết của ông không ‘phản ánh lịch sử’ mà bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lịch sử và văn hóa, trong đó văn hóa là cốt lõi, để làm bật lên cái hằng số duy nhất là con người.

 

Tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễ Xuân Khánh không ‘phản ánh lịch sử’ mà bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lịch sử và văn hóa, trong đó văn hóa là cốt lõi, để làm bật lên cái hằng số duy nhất là con người…

 

Trả lời