Binh thư Yếu lược – Trần Hưng Đạo

Binh thư Yếu lược, một kiệt tác Binh thư vô cùng có giá trị của Việt Nam do Trần Hưng Đạo viết nên. Đây chính là một bản thiên anh hùng ca dành cho hậu thế  muôn đời sau của dân tộc Việt Nam …


GIỚI THIỆU
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Quốc Tuấn có soạn một bộ sách quân sự là Binh gia diệu lý yếu lược1 để giáo dục các tướng sĩ phép dùng binh. Lịch triều hiến chương loại chí (phần Văn tịch chí) cho biết Trần Quốc Tuấn đã soạn sách Binh gia yếu lược và sách Vạn kiếp binh thư2
Nhiều người cho rằng Binh gia diệu lý yếu lược hay Binh gia yếu lược chỉ là một, cũng như Vạn kiếp tôn bí truyền thư hay Vạn kiếp binh thư chỉ là một. Nhiều người lại cho rằng Binh gia yếu lược và Binh thư yếu lược cũng chỉ là một. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí cho biết Binh gia yếu lược và Vạn kiếp binh thư đã thất lạc từ lâu. 

Ở Thư viện khoa học xã hội hiện nay có một bộ sách chữ Hán chép tay mang ký hiệu 476 đề là Binh thư yếu lược. Trang đầu bộ sách này ghi rõ rằng: “Binh thư yếu lược bốn quyển do Trần Hưng Đạo vương soạn, vương húy là Quốc Tuấn”.

Binh thư yếu lược mang ký hiệu 476 gồm bốn quyển. Quyển I gồm có chín chương là: 1. Thiên tướng, 2. Tuyển mộ, 3. Tuyển tướng, 4. Tướng đạo, 5. Giản luyện, 6. Quân lễ, 7. Mạc hạ, 8. Binh cụ, 9. Hiệu lệnh. Quyển II có mười một chương là: 1. Hành quân, 2. Hướng đạo, 3. Đồn trú, 4. Tuần canh, 5. Quân tư, 6. Hình thế, 7. Phòng bị, 8. Xem mưa gió, 9. Bình trưng, 10. Dụng gián, 11. Dụng trá. Quyển III có bảy chương là: 1. Liệu địch, 2. Dã chiến, 3. Quyết chiến, 4. Thiết kỳ, 5. Lâm chiến, 6. Sơn chiến, 7. Thủy chiến. Quyển IV cũng có bảy chương là: 1. Công thành, 2. Thủ thành, 3. Đột vây, 4. Cứu ứng. 5. Lui tránh, 6. Được thua, 7. Đầu hàng. 

Trong Binh thư yếu lược, thì quyển II, quyển III và quyển IV có nhiều đoạn rút ra từ Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ3, một nho sĩ có tài kinh bang tế thế đã giúp chúa Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Phật) xây dựng cơ đồ hồi nửa đầu thế kỷ XVII ở Đường trong. Những đoạn này, có đoạn ghi rõ là đã rút ra từ Hổ trướng khu cơ, có nhiều đoạn tuy lấy từ Hổ trướng khu cơ, song lại không có chú thích gì cả. Ở quyển IV (Binh thư yếu lược) có mục “Phép làm hỏa tiễn chứa thuốc độc”; ở Hổ trướng khu cơ cũng có mục “Phép làm hỏa tiễn chứa thuốc độc”. Nguyên văn chữ Hán ở Binh thư yếu lược cũng như Hổ trướng khu cơ đều là “Hỏa tiễn trữ độc pháp”. Liều lượng các vị thuốc dùng để chế hỏa tiễn ở Binh thư yếu lược và ở Hổ trướng khu cơ giống hệt nhau. Mở đầu mục “Phép làm hỏa tiễn chứa thuốc độc” trong Binh thư yếu lược, có đoạn văn như sau: “Phàm ít không địch được nhiều, yếu không địch được mạnh, đó là lẽ thường. Nhưng Binh pháp có nói: Người giỏi đánh làm thế địch không thể thắng để đợi thế địch mà mình có thể thắng. Cho nên cầm quân ba nghìn chống giặc năm đường, phỏng ở đồng ruộng đường dài, giặc đem cả nước sang đánh, thì lấy cái gì mà chống được? Nên dùng phép “hỏa tiễn chứa thuốc độc”. Đoạn văn này ở Hổ trướng khu cơ lại nhắc lại nguyên văn như thế, không sai và không thiếu một chữ nào. 

Trong Binh thư yếu lược có mục “Phép làm súng gỗ”, trong Hổ trướng khu cơ cũng có mục “Phép làm súng gỗ”. Trong Binh thư yếu lược có mục “Phép đốt đuốc trước gió”, trong Hổ trướng khu cơ cũng có mục “Phép đốt đuốc trước gió”, lời văn hai bên giống hệt như nhau. Về “Bí pháp làm quả nổ”, “Bí pháp làm quả mù”, “Phép chế hỏa đồng”, “Phép chế hỏa tiễn” (tên lửa), Binh thư yếu lược và Hổ trướng khu cơ cũng rất giống nhau. Nếu kể hết những đoạn, những mục giống nhau ở Binh thư yếu lược và Hổ trướng khu cơ thì nhiều lắm. Chúng tôi chỉ đưa ra một số điểm giống nhau giữa hai bộ sách để các bạn thấy rằng giữa hai bộ sách có nhiều vấn đề cần giải quyết. 

Binh thư yếu lược là sách được soạn ra từ thế kỷ XIII, còn Hổ trướng khu cơ được viết ra hồi nửa đầu thế kỷ XVII. Thời gian ra đời của hai bộ sách có một khoảng cách đến bốn trăm năm. Tại sao hai bộ sách có những đoạn, những mục giống nhau như lột? Hổ trướng khu cơ đã lấy nhiều đoạn, nhiều mục trong Binh thư yếu lược, hay ngược lại? Nếu chỉ căn cứ vào yếu tố thời gian thì chúng ta có thể suy luận rằng khi viết Hổ trướng khu cơ, Đào Duy Từ đã rút ra nhiều tài liệu từ Binh thư yếu lược của Trần Quốc Tuấn. Nhưng nếu căn cứ vào nội dung các đoạn, các mục vừa có ở Binh thư yếu lược vừa có ở Hổ trướng khu cơ, thì chúng ta phải kết luận rằng chính Binh thư yếu lược đã lấy nhiều đoạn, nhiều mục của Hổ trướng khu cơ. Tại sao lại như vậy? Mục “Phép chế quả nổ” trong Binh thư yếu lược cũng như trong Hổ trướng khu cơ đều nói phép làm quả nổ là của người phương Tây. Hồi thế kỷ XVI và thế kỷ XVII, theo chân các thương nhân phương Tây, phép làm quả nổ được đem vào Việt-nam, cụ thể là đem vào Đường. trong trước. Hồi thế kỷ XIII, trong hai lần chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân Mông-cổ chưa bao giờ Trần Quốc Tuấn dùng quả nổ đánh quân xâm lược. Hồi thế kỷ XIII chúng ta cũng chưa từng thấy quân đội nhà Trần sử dụng tên lửa (hỏa tiễn) hay tên lửa chứa thuốc độc; trong các trận đánh, chúng ta chỉ thấy quân đội nhà Trần dùng tên tẩm thuốc độc bắn quân Mông-cổ mà thôi. Như vậy rõ ràng là mục “Phép chế quả nổ”, mục “Phép làm hỏa tiễn chứa thuốc độc” cũng như ở nhiều mục, nhiều đoạn khác, đã được một nhân vật nào đó sống sau Đào Duy Từ rút ra từ Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ rồi đưa vào Binh thư yếu lược

Đọc Binh thư yếu lược, chúng ta thấy nhiều đoạn không phải là của Trần Quốc Tuấn viết ra từ thế kỷ XIII. Quyển 1 chương “Tuyển mộ”, mục “Trao quyền cho tướng” viết: “Các triều Đường,Tống, Minh bị thua cũng vì cớ đó, mà nhà Tống quá tệ, nhà Minh lại tệ hơn. Người bàn về việc nhà Tống thì cho rằng bàn bạc nhiều mà thành công ít; người bàn về việc nhà Minh thì cho rằng nhà Minh mất nước, không mất ở giặc cướp mà mất ở ngay từ trong cổng ngõ, không mất ở bờ cõi, mà mất ngay từ lời can của đài quan”. Nếu chỉ đọc đoạn trên, chúng ta có thể nghĩ rằng bộ Binh thư yếu lược còn lại cho chúng ta ngày nay đã được một người Việt-nam nào đó hồi thế kỷ XVII hay thế kỷ XVIII sửa chữa, bổ sung hay viết lại. Chúng ta cũng nghĩ như thế khi chúng ta đọc đoạn này của Binh thư yếu lược: “Xưa kia đời vua Thành tổ nhà Minh đánh Mán Miến-điện đem ba mươi vạn quân, hơn một trăm voi đến cướp Định-viễn. Vua Minh sai Mộc Thạnh và Anh Mã-thành đi đánh, bắt được voi đem về”. Nhưng đen những câu sau đây, thì chúng ta lại nghĩ rằng Binh thư yếu lược đã được bổ sung hay viết lại hồi đầu thế kỷ XIX tức thời Nguyễn sơ: “Năm Kỷ dậu người Thanh sai Tổng đốc Lưỡng Quảng sang nước ta đánh giặc để khôi phục thành nhà Lê. Quân Ngụy Tây bày voi xông trước. Người Thanh làm cản gỗ chống ngựa1 để cản lại, đào hố để sập voi. Chước đó rất mầu, song lại thất thủ, vì trong cái mầu có cái chưa mầu”. Những câu sau đây cũng làm cho chúng ta nghĩ như thế: “Như xưa, Tây-sơn Nguyễn Huệ chống nhau với Thạc quận công ở bến Thúy-ái, ra quân theo đường tắt mà vào kinh thành nhà Lê. Chúa Trịnh vừa về miền Tây, thì trong phủ đã dựng cờ Tây-sơn rồi. Năm Kỷ dậu ngày mồng 5 tháng giêng, Nguyễn Huệ chia quân làm ba đạo cùng với quân Bắc tiếp chiến, mà thủy binh tiến đậu ở sông Nhị hà, đó là mưu chẹt đường về của quân Bắc”. 

Những tài liệu kể trên cho phép chúng ta bước đầu kết luận rằng: Binh thư yếu lược của Trần Quốc Tuấn đến đầu thế kỷ XIX đã được một nho sĩ am hiểu quân sự, yêu khoa học quân sự, sửa chữa và bổ sung nhiều. Nho sĩ ấy đã đọc nhiều binh thư của Trung-quốc, đã đọc Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ, rồi trên cơ sở các tri thức về quân sự của mình, nho sĩ ấy đã sửa chữa và bổ sung Binh thư yếu lược của Trần Quốc Tuấn. Vì vậy Binh thư yếu lược là sách do Trần Quốc Tuấn làm ra từ thế kỷ XIII, mà lại có những đoạn nói về cuộc xâm lược của quân Minh đối với Miến-điện, có đoạn nói về cuộc đấu tranh võ trang chống quân Thanh xâm lược do vua Quang Trung lãnh đạo, lại có đoạn nói về những việc xảy ra ở đời Tự-đức. 

Kết luận như vậy, tất có người nói: Thế thì tại sao khi soạn Lịch triều hiến chương loại chí hồi thế kỷ XIX, Phan Huy Chú lại nói rằng Binh thư yếu lượccủa Trần Quốc Tuấn không còn nữa? Chúng ta đều biết rằng thời Phan Huy Chú biên soạn Lịch triều hiến chương loại chí là thời nước Việt-nam mới tạm thời ổn định một phần nào1, sau một thời loạn lạc kéo dài. Rất có thể dưới tay Phan Huy Chú, Binh thư yếu lược không còn nữa, nhưng ở một nơi nào đó, cụ thể là ở một tủ sách cửa gia đình một nho sĩ nào đó, Binh thư yếu lược của Trần Quốc Tuấn có thể vẫn còn hoặc là toàn bộ hoặc là một phần. Tình hình này có thể có được ở một số nước mà đường giao thông liên lạc khó khăn như nước Việt-nam hồi đầu thế kỷ XIX. Nho sĩ yêu Binh thư yếu lược của Trần Quốc Tuấn, đã đem bộ sách này sửa chữa và bổ sung trên cơ sở những tri thức về khoa bọc quân sự của ông. Do đó, Binh thư yếu lượctuy mang tên Trần Quốc Tuấn, vị danh tướng sống vào hồi thế kỷ XIII, mà lại có cả các đoạn trong Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ, và các cuộc chiến tranh xảy ra hồi thế kỷ XV, thế kỷ XVI, thế kỷ XVII, thế kỷ XVIII. 

Đến đây, một vấn đề cần được đặt ra và giải quyết: Trong bộ Binh thư yếu lược mà hiện nay chúng ta có, chỗ nào là của Trần Quốc Tuấn, chỗ nào không phải là của Trần Quốc Tuấn? Đọc Binh thư yếu lược, chúng tôi thấy có chỗ đã gọi rõ rằng đã lấy từ Hổ trướng khu cơ, có chỗ tuy không ghi là lấy từ Hổ trướng khu cơ, nhưng đọc Hổ trướng khu cơ, chúng ta thấy chỗ ấy có trong tác phẩm của Đào Duy Từ. Những chỗ như thế dứt khoát không phải là của Trần Quốc Tuấn. Cũng không phải là của Trần Quốc Tuấn những đoạn chép về các sự kiện xảy ra về các đời Minh, đời Thanh, hay đời Tây-sơn. Như vậy không có nghĩa là những đoạn khác trong Binh thư yếu lược là của Trần Quốc Tuấn cả. Chúng tôi cho rằng có thể là của Trần Quốc Tuấn trước hết những đoạn rút ra từ phép dùng binh của Tôn Vũ và Ngô Khởi. Cũng là của Trần Quốc Tuấn những đoạn mà tư tưởng phù hợp với tư tưởng của ông đã trình bày trong Hịch tướng sĩ hay với lời của ông nói với vua Trần Anh-tôn khi nhà vua đến thăm ông ở nhà riêng tại Vạn-kiếp hồi tháng Tám năm Kỷ hợi (1300). 

Chúng ta đều biết rằng tháng Tám năm Kỷ hợi, Trần Quốc Tuấn bị bệnh nặng, vua Trần Anh-tôn thân đến nhà riêng của ông để thăm ông và hỏi ông về kế sách giữ nước. Trần Quốc Tuấn có nói với vua Anh-tôn như sau: “Đại khái quân giặc cậy vào trường trận, quân ta cậy vào đoản binh, đem đoản binh đánh lại trường trận là việc thường trong binh pháp. Nhưng cần phải xét: Nếu thấy quân giặc tràn sang như gió như lửa, thì thế giặc có thể dễ dàng chống cự được; nếu giặc dùng cách chiếm cứ dần, như tằm ăn dâu, không vơ vét của dân, không mong đánh được ngay, thì mình phải dùng tướng giỏi, phải xem xét tình thế biến chuyển như người đánh cờ tùy thời cơ mà ứng biến cho đúng, làm thế nào thu hút được quân lính, như cha con một nhà mới có thể dùng để chiến thắng được. Và phải khoan dùng sức dân để làm cái kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước không còn gì hơn”. Phải “thu hút được quân lính như cha con một nhà”, “phải khoan dùng sức dân để làm cái kế sâu rễ bền gốc”, những tư tưởng đó hoàn toàn phù hợp với những tư tưởng sau đây của Binh thư yếu lược: “Dùng trí để phục thiên hạ, mà thiên hạ phải phục trí, nhưng trí vẫn không thắng; dùng pháp (luật) để chế thiên hạ, mà thiên hạ phải theo pháp (luật), nhưng pháp (luật) cũng không thần. Vậy trí với pháp (luật) không phải là cái hay ở trong cái hay vậy. Bậc thánh võ trị đời, đánh ở chỗ không có thành, công ở chỗ không có lũy, chiến ở chỗ không có trận. Nhẹ nhàng như mưa rơi ở trên không, dựng nên cuộc đời vô sự”. “Hòa mục có công hiệu rất lớn cho cuộc trị an. Hòa ở trong nước thì ít dụng binh; hòa ở ngoài biên thì không sợ có báo động; bất đắc dĩ mới phải phạt kẻ làm xằng. Vua tôi hòa mục thì dùng được người tài; các tướng văn tướng võ hòa mục thì làm nên công nghiệp. Tướng sĩ hòa mục khi được ban thưởng sẽ nhường nhịn nhau, nguy nan sẽ cứu nhau. Đó, hòa mục là một đạo rất hay cho việc trị nước, hành binh, không bao giờ đổi được”. 

Những ý kiến trên đây của Trần Quốc Tuấn biểu thị rằng ông không những là một nhà quân sự lớn, mà còn là một nhà chính trị lớn. Đó là nhà kinh bang tế thế vậy. Khi vạch ra những nguyên tắc hành động của viên tướng tổng chỉ huy, Trần Quốc Tuấn xuất phát từ tư tưởng nhân nghĩa. Nhân nghĩa là mục đích của đời người cũng tức là mục đích của viên tướng, viên tướng phải đấu tranh cho chính nghĩa, đấu tranh vì lợi ích của nhân dân: “Khí lượng của tướng lớn nhỏ khác nhau. Tướng mà che điều gian, giấu điều họa, không nghĩ đến sự quân chúng oán ghét, tướng ấy chỉ huy mười người. Tướng mà sớm dậy khuya nằm, lời lẽ kín đáo, tướng ấy chỉ huy được trăm người. Tướng thẳng mà biết lo, mạnh mà giỏi đánh đó là tướng chỉ huy được nghìn người. Tướng mà ngoài mặt hăm hở, trong lòng ân cần, biết người khó nhọc, thương kẻ đói rét, đó là tướng chỉ huy được vạn người. Tướng mà gần người, tiến người tài, ngày thường cẩn thận, thành thực rộng rãi, giỏi việc dẹp loạn, đó là tướng chỉ huy được mười vạn người. Tướng mà dùng nhân ái đối với kẻ dưới, lấy tín nghĩa để phục nước láng giềng, trên biết thiên văn, dưới biết địa lý, giữa biết việc người, coi bốn biển như một nhà, đó là tướng chỉ huy được cả thiên hạ không ai địch nổi”. Ở đây, tác giả Binh thư yếu lược đã vượt hẳn khuôn khổ một viên tướng tổng chỉ huy, mà trở thành một nhân vật có tài kinh bang tế thế, ở triều đình thì là tướng văn, ở ngoài mặt trận là tướng võ kiểu như Gia Cát Lượng vậy. 

Giai cấp đại quý tộc đời Trần thường biết đoàn kết với nhau. Ở những phương diện nhất định, lợi ích của giai cấp đại quí tộc nhất trí với lợi ích của nhân dân. Vua và các vương hầu đều chú ý đến nông nghiệp, công nghiệp. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp nhờ vậy mà phát triển. Tình hình trên cũng thấy phản ánh trong Binh thư yếu lược: “Thương người, dốc chí làm việc thì được sự yêu mến. Nghe lời nói phải, xa kẻ gièm pha, thì người xa đến với mình. Đo tính trước sau rồi mới làm, đó là đề phòng khi có biến cố. Có tội phải răn, có công phải thưởng mới có thể uốn nắn được người. Thông việc trước, suốt việc sau mới có thể giáo dục được quân chúng. Rẻ sắc đẹp, trọng con người mới được lòng dân. Bỏ lợi tư theo lợi chung mới giữ được nước”. “Thanh liêm của cải, tiết kiệm tiêu dùng, ít say về rượu, giữ mình theo lễ, thờ bề trên cho trung, có việc lo chung với quân chúng, lấy của địch mà không tích trữ (cho mình), bắt phụ nữ địch mà không lưu dùng (cho mình)”. 

Trần Quốc Tuấn thương yêu tướng sĩ, luôn luôn săn sóc đến đời sống của tướng sĩ. Trong Hịch tướng sĩ ông tuyên bố: “Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền cũng đã lâu ngày, không có áo thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho ăn, quan còn nhỏ thì ta thăng thưởng, lương ít thì ta tăng, đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa, lúc hoạn nạn thì cùng nhau sống chết, lúc nhàn hạ thì cùng nhau vui cười”. Tinh thần đồng cam cộng khổ này của Trần Quốc Tuấn cũng thấy biểu hiện trong Binh thư yếu lược: “Trong quân có người ốm, tướng phải thân hành đem thuốc đến chữa, trong quân có người chết, tướng phải thương xót, đau buồn, quân đi thú xa, thì (tướng) phải sai vợ con đến thăm hỏi. Phàm có khao thưởng thì phải chia đều có quan và quân. Khi có cất đặt chức vị gì, thì phải họp cả tướng tá lại để bàn. Mưu đã định rồi mới đánh giặc; cho nên tướng với quân có cái ơn hòa rượu và hút máu1

Trần Quốc Tuấn hiểu rõ rằng không tranh thủ được sự đồng tình của các tướng sĩ, thì không thể động viên các tướng sĩ đánh giặc được. Như chúng ta đều biết, Yết Kiêu, Dã Tượng là gia nô của Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão là gia khách của ông. Yết Kiêu, Dã Tượng, cũng như Phạm Ngũ Lão đều hăng hái chiến đấu chống quân Mông-cổ, và đều lập được nhiều chiến công quan trọng. Họ đã vì Trần Quốc Tuấn mà quên mình chiến đấu. Yết Kiêu, Dã Tượng và Phạm Ngũ Lão sở dĩ gắng sức ở nơi trận mạc, một phần là vì họ yêu nước, nhưng một phần khác cũng vì họ được Quốc Tuấn đãi ngộ như cha với con. Việc quan tâm đến đời sống của các tướng sĩ cũng thấy biểu hiện trong Binh thư yếu lược: “Cho nên quân sĩ có cái vui mổ trâu, nấu rượu, cái khí thế ném đá vượt rào, họ yêu mến tướng như con em yêu mến cha anh, như chân tay giữ gìn đầu mắt, không ai có thể ngăn nổi họ. Nếu đối xử khắt khe làm cho họ đau khổ, bắt họ làm những công việc quá nặng nhọc thì tiếng oán thù không sao cho hết. Tướng mà coi quân sĩ như cỏ rác, thì quân sĩ coi tướng như cừu thù. Mong cho họ sung vào hàng ngũ cũng còn khó, còn mong gì họ gắng sức đánh giặc nữa. Đó là cái chước lớn của tướng soái để vỗ về quân sĩ vậy”. 

Căn cứ vào Tôn Vũ và Ngô khởi, Binh thư yếu lược vạch ra cái đạo của người làm tướng, đạo này có tám điều phải tránh là: 1. Lòng tham không đáy, 2. Giết người hiền ghen người tài, 3. Tin lời gièm ưa lời nịnh, 4. Biết người mà không biết mình, 5. Do dự không quả quyết, 6. Hoang dâm tửu sắc, 7. Dối trá và lòng thì nhát sợ, 8. Nói bậy mà không giữ lễ độ. 

Những ý kiến trên cũng có thể là của Trần Quốc Tuấn. Tại sao chúng ta có thể biết như vậy được? Trong Hịch tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn viết rằng: “Nay ta đọc hết các sách binh pháp của các danh gia và soạn thành một quyển gọi là Binh thư yếu lược. Nếu các ngươi chuyên tập sách này theo lời dạy bảo thì mới phải đạo thần tử. Nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời dạy bảo, thì tức là kẻ thù nghịch”. Các sách binh pháp của các danh gia là những sách nào? Các danh gia ấy là những ai? Đọc Binh thư yếu lược, chúng ta thấy những sách ấy chủ yếu là Vũ kinh hay Vũ thư của Trung quốc trong đó có sách Tôn Tử hay Tôn Tử binh pháp hay Binh pháp của Tôn Vũ đời Xuân Thu. Còn các danh gia nói đây chủ yếu là Tôn Vũ và Ngô Khởi, hai nhà quân sự đại tài thời Xuân Thu Chiến Quốc. Chúng ta có thể nói tư tưởng quân sự trong Binh thư yếu lược chủ yếu là tư tưởng của Tôn Vũ và Ngô Khởi mà Trần Quốc Tuấn muốn đem vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh Việt-nam hồi thế kỷ XIII. Xét như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng những đoạn trích dẫn và bình luận ý kiến của Tôn Vũ và Ngô Khởi trong Binh thư yếu lược là của Trần Quốc Tuấn, một nhà chính trị kiêm quân sự thiên tài đã sở đắc rất nhiều ở binh pháp Tôn Ngô, và đã đem những điều sở đắc của mình giáo dục cho các tướng sĩ ở dưới quyền tiết chế của ông. 

Giả thuyết trên sẽ có giá trị, nếu có ngày chúng ta chứng minh được rằng ý kiến của Phan Huy Chú, tác gia Lịch triều hiến chương loại chí là không đúng sự thật. 
__________________________________
1. Sách Hoàng Thạch Công chép rằng: Có một vị tướng tài có một vò rượu ngon do một người đến biếu, ông đem vò rượu ấy đổ xuống sông hòa với nước, rồi cho tướng sĩ đến dòng nước mà uống. Ba quân đều được uống rượu, vì vậy ai nấy đều gắng sức chiến đấu. Ngô Khởi nổi tiếng là người giỏi dùng binh. Có người lính có cái nhọt đang nung mủ, Ngô Khởi ghé mồm vào nhọt mà hút máu mủ. Người lính cảm động, càng ra sức chiến đấu (Binh thư yếu lược).

Trong trường hợp Binh thư yếu lược cũng tức Binh gia diệu lý yếu lược của Trần Quốc Tuấn quả thật không còn nữa như Phan Huy Chú đã nói trong Lịch triều hiến chương loại chí, thì quyển Binh thư yếu lược mang ký hiệu 476 của Thư viện khoa học xã hội sẽ là sách thế nào? Quyển Binh thư yếu lược này, chúng tôi nghĩ rằng có lẽ do một nho sĩ am hiểu khoa học quân sự, nắm được nhiều tri thức quần sự của Việt-nam và của Trung-quốc soạn ra. Theo cái phong thái thác cổ vẫn lưu hành ở Việt-nam và Trung-quốc xưa, nho sĩ ấy đã mượn tên sách của Trần Quốc Tuấn đặt cho tên sách của mình nhằm tăng thêm uy tín của tác phẩm của mình đối với người đọc. Cũng có thể đầu tiên sách chỉ mang tên Binh thư yếu lược thôi, nhưng sau đó một người nào đó lại thêm máy chữ “Binh thư yếu lược bốn quyển do Trần Hưng Đạo vương soạn, vương húy là Quốc Tuấn”. Chúng tôi sở dĩ viết như thế là vì trong Lịch triều hiến chương loại chí không có sách nào của Trần Quốc Tuấn gọi là Binh thư yếu lược, mà chỉ có sách Binh gia diệu lý yếu lượchay Binh gia yếu lược1 mà thôi. Có thể một nho sĩ nào đó đã viết một quyển sách quân sự rồi đặt cho tên sách của mình cái tên gần giống tên sách của Trần Quốc Tuấn, rồi người sau đó, sau khi đã sửa chữa và bổ sung Binh thư yếu lược, mới thêm mấy chữ “Binh thư yếu lược bốn quyển do Trần Hưng Đạo vương soạn, vương húy là Quốc Tuấn” như chúng tôi đã nói ở trên… 

Tất cả đều là giả thuyết, ức thuyết. Chưa thể có kết luận khẳng định dứt khoát ai là tác giả thật sự bộ Binh thư yếu lược mang ký hiệu 476 của Thư viện khoa học xã hội. Nhưng dù thế nào đi nữa, bộ Binh thư yếu lược vẫn là bộ sách quân sự quý của chúng ta. Tác phẩm quân sự chúng ta có rất ít. Cho đến nay, có lẽ chúng ta mới có hai tác phẩm là Binh thư yếu lược và Hổ trướng khu cơHổ trướng khu cơ là tác phẩm nặng về mặt thực hành hơn là mặt lý luận quân sự. Duy có Binh thư yếu lược vừa chú ý đến mặt lý luận vừa chú ý đến mặt thực hành, do đó, nó có thể là bộ sách quân sự đầu tiên của dân tộc Việt-nam đã tổng kết được các kinh nghiệm quân sự của Việt-nam từ xưa cho đến thời Nguyễn sơ. 

Hiện nay ở miền Bắc chúng ta đang có phong trào học tập truyền thống dân tộc. Chúng ta có nhiều truyền thống ưu tú của dân tộc, trong các truyền thống ưu tú ấy, thì truyền thống đấu tranh quân sự của dân tộc chúng ta đáng được đặc biệt chú ý. Truyền thống đấu tranh quân sự của dân tộc Việt-nam dưới thời phong kiến cụ thể như thế nào? Chúng tôi có thể nói truyền thống đó một phần quan trọng đã được đúc kết trong Binh thư yếu lược và Hổ trướng khu cơ. Viện Sử học cho dịch Binh thư yếu lược và Hổ trướng khu cơ và cho xuất bản, chính là mang muốn đáp ứng trong muôn một yêu cầu học tập truyền thống đấu tranh quân sự của cán bộ và nhân dân.

TIỂU SỬ
TRẦN QUỐC TUẤN

Trần Quốc Tuấn là con An-sinh vương Trần Liễu và là cháu gọi vua Trần Thái tôn bằng chú ruột. Ông sinh vào khoảng năm 1226, 1227, 1228 hoặc 1229 gì đó, nguyên quán ông ở làng Tức-mặc, huyện Mỹ-lộc, tỉnh Nam-định, nay thuộc tỉnh Nam-hà. 

Khi quân Mông-cổ sang xâm lược nước ta lần thứ nhất (1257), ông tham gia cuộc kháng chiến. Năm 1283 khi quân Mông-cổ sắp sửa mở cuộc xâm lược lần thứ hai vào nước Đại Việt, Trần Quốc Tuấn được cử làm Quốc công Tiết chế toàn bộ quân đội của nhà Trần. Đầu năm 1285, năm mươi vạn quân Mông-cổ do Thoát Hoan chỉ huy từ biên giới tỉnh Quảng-tây đánh vào nước Đại Việt, trong khi ấy mười vạn quân Mông-cổ khác do Toa-đô chỉ huy từ Chiêm-thành tiến ra Bắc. Thế giặc quá mạnh, triều đình phải bỏ Thăng-long, rút vào Thanh-hóa. Ở những nơi quân giặc chiếm đóng, nhân dân làm vườn không nhà trống. Tức giận, quân giặc đi đến đâu cướp phá và giết chóc nhân dân đến đấy. Vua Trần Nhân tôn lo sợ, hỏi Trần Quốc Tuấn: “Hay ta tạm hàng để cứu muôn dân?” Quốc Tuấn khảng khái trả lời: “Nếu bệ hạ muốn hàng, trước hết hãy chém đầu thần đi đã”. 

Để giáo dục cho các tướng sĩ phép dùng binh đánh giặc giữ nước, Trần Quốc Tuấn đã căn cứ vào các sách binh pháp của Tôn Vũ và Ngô Khởi mà soạn ra sách Binh gia diệu lý yếu lược hay Binh thư yếu lược. Ông lại viết Hịch tướng sĩ để khích lệ lòng yêu nước và chí căm thù của các tướng sĩ đối với quân xâm lược. 

Do chiến lược, chiến thuật đúng đắn của Trần Quốc Tuấn, do tinh thần quyết chiến của quân đội, đầu Tháng Năm năm Ất dậu (1285), quân đội nhà Trần đánh bại quân của Toa-đô ở cửa Hàm-tử làm cho Toa-đô phải đem tàn quân chạy về cửa biển Thiên-trường. Ngay sau đó, Trần Quốc Tuấn lại nhanh chóng tập trung quân đội, bất ngờ đánh vào căn cứ giặc ở Chương-dương, và đã tiêu diệt hầu hết quân Mông-cổ đóng ở đấy. Thoát Hoan thấy Chương-dương bị đánh, vội cho quân từ Thăng-long đến cứu viện Chương-dương. Quân Mông-cổ vừa rời khỏi Thăng-long được một quãng, thì bị quân phục kích của Trần Quốc Tuấn đổ ra chặn đánh và tiêu diệt. Được tin Chương-dương bị hạ, viện binh bị diệt, Thoát Hoan hoảng sợ, vội cùng với bọn A-thích mang quân Mông-cổ vượt sông Hồng chạy sang các căn cứ quân Mông-cổ ở miến đất là tỉnh Hà-bắc ngày nay. 

Sau khi đại thắng ở Chương-dương, và đuổi Thoát Hoan ra khỏi Thăng-long, Trần Quốc Tuấn mang quân quay lại tiêu diệt lộ quân của Toa-đô ở Tây-kết, và đến cuối tháng Năm năm Ất dậu (1285), quân Trần lại đại thắng ở Tây-kết, nguyên soái Toa-đô bị chém đầu ngay tại trận, Ô-mã-nhi sợ hãi phải chạy vào Thanh-hóa. Quân Trần thừa thắng truy kích, bắt sống được mấy vạn quân Mông-cổ. 

Các trận thắng trên buộc Thoát Hoan và toàn bộ quân Mông-cổ phải rút lui. Nhưng trên đường rút về Trung-quốc quân Mông-cổ bị quân đội của Trần Quốc Tuấn phục kích, và bị chết rất nhiều. Thoát Hoan phải chui vào một cái thùng đồng mới trốn được về Trung-quốc.. 

Năm Đinh hợi (1287) quân Mông-cổ do Thoát Hoan chỉ huy lại xâm lược nước Đại Việt lần thứ ba. Vua Trần Nhân tôn hỏi ý kiến Trần Quốc Tuấn, Quốc Tuấn tuyên bố: “Bây giờ quân ta đã quen chiến đấu, quân giặc từ xa đến mỏi mệt, và chúng còn đang khiếp sợ về những trận thua trước, mất cả nhuệ khí… Năm nay đánh giặc có phần dễ hơn trước”. 

Đầu năm Đinh hợi (1287), quân Mông-cổ dưới quyền chỉ huy của Thoát Hoan, do hai đường thủy và bộ kéo vào xâm lược nước Đại Việt. Trần Quốc Tuấn lại ra lệnh cho quân đội rút lui chiến lược. Quân Mông-cổ lại chiếm được Chi-lăng, Khả-ly, Chí-linh, Vạn-kiếp, Tam-đái-giang (Việt-trì), Thăng-long… quân đội nhà Trần lại đóng rải rác ở nhiều nơi, nhân dân lại làm vườn không nhà trống. Trần Quốc Tuấn lại cho quân du kích ngày đêm quấy rối các vị trí của quân Mông-cổ. Quân Mông-cổ bị hãm vào cảnh thiếu lương thực. Ngày đêm chúng chỉ còn việc cố thủ các vị trí để chờ các đoàn thuyền lương do Trương Văn Hổ có trách nhiệm mang đến cho chúng. Nhưng đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ đã bị Trần Khánh Dư phá sạch ở Vân-đồn… Được tin đoàn thuyền lương bị phá, Thoát Hoan lại quyết định cho toàn bộ quân Mông-cổ theo hai đường thủy bộ rút lui về Trung-quốc. Trần Quốc Tuấn đã dự đoán nước cờ đó của Thoát Hoan, và ông đã cho quân đi bố trí phục kích tại các đường thủy, đường bộ mà quân Mông-cổ tất phải đi qua trên đường về nước. Tháng Ba năm Mậu tý (1288) trận phục kích quy mô nổi tiếng trong lịch sử đã diễn ra ở sông Bạch-đằng, kết quả 500 chiến thuyền Mông-cổ bị đánh đắm hoặc bị bắt, hơn ba vạn quân giặc bị giết, bị bắt, bị chết đuối, Ô-mã-nhi và Tích-lệ-cơ ngọc bị bắt sống… 

Được tin toàn bộ quân Mông-cổ bị phá ở sông Bạch-đằng, Thoát Hoan sợ cuống quít, y vội ra lệnh cho toàn quân rút lui về nước. Trên đường chạy trốn, quân Mông-cổ lại bị quân đội của Trần Quốc Tuấn phục kích, và bị chết rất nhiều. Thoát Hoan phải do đường huyện Đan-kỷ (Lạng-sơn) chạy sang Lộc-châu rồi theo thung lũng sông Lục-ngạn, qua các địa điểm Biển-động, An-châu, Đình-lạp đê vượt biên giới chạy về Tư-minh (Trung-quốc). 

Do có nhiều công lao đánh giặc cứu nước, Trần Quốc Tuấn được phong tước Hưng-đạo đại vương, vì vậy người ta thường gọi ông là Trần Hưng Đạo. 

Tháng Tám năm Kỷ hợi (1300), Trần Quốc Tuấn bị bệnh nặng ở Vạn-kiếp, và đến ngày 15 tháng Tám thì ông từ trần tại nhà riêng. 

Trước khi Quốc Tuấn sắp từ trần, vua Trần Anh-tôn có đến nhà riêng của ông ở Vạn-kiếp để hỏi ông về kế sách giữ nước. Nhân dịp này, Quốc Tuấn có trình bày với vua Anh-tôn về chiến lược đánh giặc giữ nước khi đất nước bị xâm lăng như chúng tôi đã nói ở phần “Giới thiệu”.

Chiến lược, chiến thuật của Trần Quốc Tuấn có thể tóm tắt như sau: 

Nước Đại Việt nhỏ và yếu hơn nước Đại Nguyên của Mông-cổ, vì vậy phải “lấy đoản binh mà chống trường trận” tức phải lấy ít đánh nhiều, lấy yếu chống mạnh, khi quân giặc mới đến, thế chúng còn mạnh, thì ta rút lui để bảo toàn lực lượng, nhủ cho giặc vào sâu và dàn mỏng lực lượng ra nhiều nơi chờ khi nào có điều kiện thuận lợi mới phản công; khi ta rút lui, ta cũng phải chủ động khiến cho giặc “muốn đánh mà không đánh được”. Với chiến thuật vườn không nhà trống, với chiến tranh nhân dân, giặc không thể cướp được lương thực của nhân dân, và luôn luôn bị dân quân du kích đánh phá, quấy rối, cắt đường tiếp tế. Tinh thần quân giặc do đó tất phải giảm sút. Lúc ấy quân ta mới phản công, cắt hẳn đường liên lạc, tiếp tế của giặc, phục kích, tập kích giặc, dùng vận động chiến thần tốc đánh vào các căn cứ quan trọng của giặc, buộc giặc phải rút lui về nước, và trên đường giặc rút lui, ta phục kích tiêu điệt chúng. 

Với chiến lược và chiến thuật trên, Trần Quốc Tuấn đã hai lần đánh bại quân Mông-cổ đã từng tung hoành, bách chiến bách thắng ở châu Á, châu Âu. Khi vạch cho vua Trần Anh-tôn kế sách giữ nước, Trần Quốc Tuấn lại nhấn mạnh rằng “phải khoan dùng sức dân để làm cái sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước, không còn gì hơn”.

Đọc sách: Binh thư yếu lược – Trần Quốc Tuấn 

http://www.vietnamvanhien.org/BinhThuYeuLuoc.pdf

YẾU LUẬN VỀ QUÂN CƠ. 

Quân cơ có sáu điều cốt yếu: Một là uy nghiêm, hai là hiệu lệnh, ba là chỉnh túc, bốn là tinh nhuệ, năm là tử tế, sáu là thanh liêm. Uy nghiêm là việc cuối cùng của tướng pháp, mà là việc bắt đầu của quân cơ. Vua không nhân không lấy gì mà sai tướng; tướng không uy không lấy gì mà sai quân. Tướng chỉ đông thì không dám hướng về tây, chỉ nam thì không dám hướng về bắc; giục tiến không dám lui, thúc lên trước giặc thì không dám ở lại sau; nếu không theo thì có quân pháp. Cho nên Binh pháp nói rằng “Hiệu lệnh nghiêm như sấm lớn”. Cho nên nghiêm là việc trước nhất của quân cơ. 

Hiệu lệnh là then chốt của quân cơ, quân không có lệnh như hổ không có đầu, đến lúc cơ biến, chân tay không động tác được. Cho nên nói rằng đánh trận ban ngày thì lấy cờ xí làm hiệu lệnh, đánh trận ban đêm lấy chiêng trống làm cơ quan. Ví như cờ phất một cái thì tiến, cờ phất hai cái thì lui, trống ba tiếng thì tiến, chiêng một tiếng thì lui, trong khoảng phương lược, cái gì cũng là mắt thấy tai nghe, cho nên đến lúc lâm trận, không nói mà tin, không giận mà sợ. 

Chỉnh túc là việc gốc của quân cơ. Nếu bộ khúc rối loạn, hàng trận lộn xộn, thì giặc coi như trẻ con, đánh dễ như bẻ cành khô, còn chống giặc làm sao được. 

Tinh nhuệ tất có dũng cảm, dũng cảm tất có lòng liều chết; có lòng liều chết thì vui đánh giặc mà lâm sự không sợ, xông vào giặc không lạnh lòng, dầu quân giặc trăm vạn cũng coi bé như nốt ruồi viên đạn mà thôi. 

Tử tế là việc thường của binh gia, không có gì lạ. Nhưng dùng binh mà không tử tế (nhiệm nhặt) thì cẩu thả sơ hở, quân cơ rối loạn. Thái sơn ở trước mắt mà không trông thấy, sấm sét dậy bên tai mà không nghe thấy, làm sao có thể cử động cho đúng được. 

Thanh liêm thì không ham lợi. Lợi là mối đầu của hại, là triệu bại vong, cho nên Binh pháp nói “Ngày đi trăm dặm để xô về lợi thì què thượng tướng, ngày đi năm chục dặm để xô về lợi thì quân đến có một nửa” có phải sai đâu. Quân mà thanh liêm thì dẫu giặc ngày ngày đem cho vàng ngọc bừa bãi cũng không thèm, đứng thẳng mà nhìn vào, nữa là manh tâm cướp bóc! Đấy là việc binh cơ kiêm việc nhân nghĩa. Cho nên quân cơ lấy điều này làm điều cuối cùng. 

PHÉP DẠY QUÂN ĐÁNH GIẶC. 

Phàm ngày thường ước thúc, tất có quân cơ; đánh giặc xâm lăng, cũng có kế sách. Nếu không có kế sách thì trong lúc vội vàng làm sao có thể ứng biến được. Cốt yếu có 15 phép: Một là qua chỗ hiểm phòng nguy; hai là xét nấp phục; ba là phòng nước độc; bốn là qua cầu phải cẩn thận; năm là dùng lửa chống lửa; sáu là lấy nhàn đợi nhọc; bảy là lấy nhọc chế nhàn; tám là nhọc nhàn đắp đổi; chín là hư trương thanh thế; mười là tránh chỗ thực đánh chỗ hư; mười một là lấy hư làm thực; mười hai là lấy thực làm hư; mười ba là phòng gian xét biến; mười bốn là chọn đất lập dinh; mười lăm là cẩn thận thiên thời. 

Điều thứ nhất. Ví như lấn vào cõi giạc, gặp chỗ đồng bằng nội rộng thì nên kết trận. Nếu gặp núi sông hiểm trở, thì sai ngay quân kiêu kỵ du binh đi trước. Nếu thấy gò cao rậm rạp, núi hang gập ghềnh, thì tiền quân từ từ tiến chậm để đợi hậu quân, không được cách tuyệt gián đoạn. Đấy là yếu lược qua hiểm phòng nguy. 

Điều thứ hai. Nếu như đường cái dễ tiến; cũng sai du binh lên chỗ núi gò cao, tả hữu tiền hậu xem xét kỹ càng, nếu thấy chỗ nào chim chóc bay lên, vượn chồn chạy loạn, hoặc cây cỏ không gió mà động và bụi đất mù trời, dưới chỗ ấy hẳn có phục binh, thì du binh quay về báo cho chủ tướng, dừng xe kết trận mà đóng lại, để đợi xem thế giặc làm sao. Đấy là yếu lược xét nấp phục. 

Điều thứ ba. Như mới vào cho đất lạ, nước suối cũng nên cẩn thận. Nếu mình chưa quen thủy thổ, không nên uống nước là một; sợ quân giặc ở trên dòng bỏ thuốc độc vào nước là hai; nước lạ mình chưa rõ tính không nên uống là ba; mùa hè nóng nực, khi độc nghi ngút, nước tự trên cao chảy uống, hoặc sắc đen mà nhiều hoa, hoặc sắc đỏ mà nhiều chất phèn, hoặc đục mà mùi chua mặn, cũng không nên uống là bốn; hoặc mùa đông mưa lũ, dưới núi nhiều khe và mạch nước phun ra, lá cây cỏ ngâm nát thành độc, cũng không nên uống là năm; hoặc đất ấy sông núi có nhiều rắn độc cỏ độc, cũng không nên uống là sáu. Nếu bất đắc dĩ phải uống, thì sai quân chọn chỗ đất vàng, đào xuống 3 thước, lấy một hòn đất và hùng hoàng, chu sa, mỗi thứ 1 lạng, bạch phàn 1 đồng cân, cam thảo 3 đồng cân, muối một ít, đều tán nhỏ ra bỏ vào nước quấy đều, mỗi người uống lót dạ một chén, rồi thì sau tha hồ uống nước cũng không trúng độc. Đấy là yếu lược phòng nước độc. 

Điều thứ tư. Vào sâu cõi giặc, gần đến đường xung yếu, chợt thấy đất mới, trên đất cỏ khô như cháy, thì ở dưới chỗ ấy ngờ có trá ngụy gì, phải dò xét kỹ lưỡng, rồi mới nên đi. Nếu đi qua cầu cống của giặc, thì trước lấy đồ nặng mà chất lên thử rồi mới nên đi, không cẩn thận như thế thiì sợ xảy ra tai nạn sụp đổ. Đấy là yếu lược qua cầu. 

Điều thứ năm. Hỏa công không cần phải đợi mặt trăng phạm vào các sao Cơ Tất Dực Chẩn cũng được; nếu giặc ở dưới gió ta ở đầu gió cũng có thể dùng được. Nếu ta ở dưới gió, giặc ở đầu gió phóng lửa xuống, thì ta cũng phóng lửa ngay, lửa của giặc đến nơi, lửa của ta đã tắt, ta nên nhắm chỗ đất đen (chỗ đã đốt cháy) mà tránh, giặc dùng hỏa công cũng không làm gì được. Đấy là điều cốt yếu lấy lửa chống lửa. 

Điều thứ sáu. Xuất chiến phải xét địa hình, cho nên người đánh giỏi tất trước chiếm địa lợi, bày thành thế trận để đợi ra quân. Binh pháp nói “Người giỏi đánh khiến người đến mà không bị người khiến đến”, là nghĩa thế đấy. Nếu quân giặc mới đến, cờ trống chưa nghiêm, binh mã chưa chỉnh, thì chia quân mà đánh gấp. Cho nên Binh pháp nói “Đánh như nước sông vỡ, đánh như sấm động vang”, cũng là nghĩa ấy. Nếu như đằng trước có gò cao rừng núi, thì quân ta chiếm ngay lấy để làm địa lợi, nếu có giao chiến thì lấy đấy làm chỗ phục binh, nếu có cấp bách thì lấy đấy làm quân tiếp viện, để tiện yên ủi người ngựa của ta. Đấy là yếu lược lấy nhàn đợi nhọc. 

Điều thứ bảy. Nếu quân giặc trước chiếm được địa lợi, hoặc núi rừng gò đống, hoặc đồng bằng nội rộng, mà quân ta mới đến, vội vàng chưa yên, chớ giao chiến ngay. Tức chia quân làm dương binh, nghi binh, là kế thay đổi nhau ra đánh, để chống quân giặc, đợi đến khi ngày gần tối, giặc mỏi mệt đói khát, quân muốn đánh mà tướng do dự, tướng muốn đánh mà quân dùng dằng, bấy giờ ta mới gấp sai du binh tiến thẳng lên chỗ kín bên núi mà phao tin là đánh trại giặc hoặc đi cướp lương giặc, thế thì tình giặc càng ngờ vực, lòng quân bối rối, thế trận rồi ren. Bấy giờ ta đem súng và tên lửa, nỏ khỏe, cung cứng mà đánh, đánh tả đánh hữu, đánh trước đánh sau, khiến cho quân giặc đầu đuôi không cứu được nhau. Đấy là yếu lược lấy nhọc chế nhàn. 

Điều thứ tám. Hai bên bày trận đánh nhau, quân giặc khỏe mạnh, một tiến một lui, làm kế thay đổi nhau ra vào để quấy quân ta, mà quân ta thì mỏi nhọc đói khát, không thể đánh được, thế thì ta chia quân ngay làm ba đội: Đội thứ nhất làm dương binh, một thuận một nghịch, vừa đánh vừa giữ, để chống quân giặc. Đội thứ hai làm nghi binh, nghiêm chỉnh cờ xí, chiêng trống đánh luôn, để hộ vệ quân trước. Đội thứ ba thì đặt nồi nắm cơm, bếp mỗi ngày một thêm và chứa lương cỏ để dùng gấp, ngày đêm cắt lượt. Thế là quân giặc cắt lượt nhau ta cũng cắt lượt nhau. Như thế thì dẫu giặc đánh đêm đánh ngày quân ta cũng không mỏi mệt. Đấy là yếu lược nhọc nhàn đắp đổi. 

Điều thứ chín. Trại giặc liên lạc dài rộng, mà binh ngựa có ít, thế là giặc hư trương thanh thế. Ta nên xuất kỳ bất ý mà đánh úp, hoặc đợi đến đêm mà cướp trại giặc; gấp sai quân giữ đường xung yếu để phòng nó đến chụp mình. Đấy là yếu lược hư trương thanh thế. 

Điều thứ mười. Hai trận tương đương, thế như nắm sừng nhau, thì ta dòm giặc mà đánh trước là được. Cho nên người giỏi đánh đánh vào lúc không ngờ, đánh vào chỗ không phòng, hoặc cắt lương của địch, hoặc chặn viện của nó, hoặc để nó đương sang sông mà đánh, hoặc đợi nó mệt mỏi tán loạn mà đánh, hoặc chặn nguồn lấy nước, hoặc chặn cả bốn ngả đường, đều do một lòng liệu định mà thôi. Cho nên Tôn tử nói “Người giỏi đánh động ở trên chín tầng trời, tránh chỗ thực đánh chỗ hư”, là nghĩa thế đấy. 

Điều mười một. Quân ta mới thắng, thế giặc hơi suy, mà có tin gió thổi động cờ xí, thì đêm ấy nên phòng giặc cướp trại. Nên gấp sai du binh đi trước phục chặn đường giặc về, rồi sai tinh binh mai phục ở chỗ kín hai bên đường. Còn ở trong trại thì giả làm thế yếu, hoặc cờ xí rối loạn, hàng ngũ bừa bãi, giặc ắt cho là ta kiêu mà không phòng bị, cứ xông vào không ngờ gì. Bấy giờ ta phát hiệu lệnh một tiếng, quân phục đều nổi dậy, quân giặc tất bị trói hết. Đấy là yếu lược lấy hư làm thực. 

Điều thứ mười hai. Quân giặc đóng trại lâu ngày, chợt một hôm bếp nấu thêm nhiều, tất là giặc sắp bỏ trại mà trốn, cho nên giả thêm bếp nấu để đánh lừa ta. Ta lập tức sai du binh mai phục chỗ đường hiểm yếu, đợi giặc qua mà đánh, thế nào cũng được. Đấy là yếu lược lấy thực làm hư. 

Điều mười ba. Quân gian biến trá nhiều mối, cần phái xem xét, phàm tế tác gian dối, làm cho lòng quân sinh biến, tất là trong có cơ mưu. Hoặc dùng văn tự chế nhạo, hoặc lấy cây cỏ làm điềm tin, hoặc dùng ngôn ngữ mà thí dụ, hoặc dùng tiếng chim muông, các cơ mưu ấy là đáng sợ. Nên dùng một vài người tâm phúc, cho lẻn vào trong quân giặc giả làm bè đảng mà thám thính hư thực, thì biết cơ biến. Đấy là yếu lược phòng gian xét biến. 

Điều mười bốn. Chọn đất đóng dinh, cần phải cẩn thận, cho nên người trí tướng đóng đồn đóng dinh tất chọn địa lợi. Như trước có thủy đạo, vận tải lưu thông, bên tả có núi cao, bên hữu có đồng bằng, thì có thể đóng quân được. Nếu là chỗ sông hồ ngòi khe, bốn mặt quanh co, thì không nên đóng trại, sợ quân giặc cắt đứt đường đi thì tiến lui không thông. Cho nên người trí tướng hành binh, không hướng vào gò cao, không đón dòng nước, đằng trước có nước không tiến, đằng sau có khe không lui, hoặc bãi sông bên tả liền sang gò bên hữu, hoặc một bên gò núi một bên sông hồ, đất ấy đều nên kiêng kỵ. Đấy là yếu lược chọn đất đóng dinh. 

Điều mười lăm. Nếu lập trại, về mùa xuân hạ không nên đóng gần chỗ cây cỏ rậm rạp, sợ giặc tiến đánh hỏa công. Về mùa thu đông không nên đóng gần chỗ núi cao khe suối, sợ giặc thừa thế nắm nước mà chụp quân ta. Việc hành binh cũng nên cẩn thận. Đấy là yếu lược cẩn thận thiên thời. 

HÉP GIỮ THÀNH CHỐNG GIẶC1

Phàm binh là hung khí. Thánh nhân nói “Lâm sự thì lo nghĩ, hay mưu mới thành công”. Phàm lúc ngày thường, hiệu lệnh nghiêm minh, quân cơ tập thuộc, thì đến lúc lâm sự, không đến hoang mang luống cuống, mà lúc giữ thành không đến nỗi hỏng việc. Cho nên người trí tướng lập dinh đóng trại, trước hết phải nghiêm hiệu lệnh. Như trại nào có giặc đánh vào thì trại ấy trước nổi hiệu trống để các trại khác cũng nổi hiệu trống, làm thanh thế mà ứng xa; trại nào không có giặc thì chỉnh bị binh mã để ứng cứu. Điều ấy đã thành lệ rồi. Trong lúc vội vàng, cơ nhanh như trở bàn tay, nếu không chuẩn bị thì một chốc một lát, dinh trại đã không phải của mình rồi. Cho nên dinh nào có giặc đến trước thì dùng ngay hỏa phong, hỏa pháo, hỏa tiễn mà chống. Nếu quân giặc đến sát dưới thành thì dừng móc sắt móc bay mà ném, cái gì cũng phải chuẩn bị trước. Nếu giặc đem rơm cỏ lấp hào thì ta đem tên lửa quả lửa mà bắn để đốt những rơm cỏ và khí giới bằng gỗ của giặc. Giặc bắc thang mây leo lên thành, thì ta đem gỗ đá ném xuống, bắn xuống, đốt lò nấu chảy sắt mà rót xuống, hoặc lấy vôi bột giấm nồng mà vung xuống. hoặc ống cát, thuốc độc mà vãi xuống. Nếu quân giặc như kiến leo thành, thì dùng đùi sắt răng sói mà đánh. Nếu giặc tay bám vào tường mà leo, thì dùng cài đùi liền mà đánh, hoặc lấy búa mà chặt tay giặc. Nếu giặc dùng xe húc mà phá thành thì ta dùng vòng sắt, vòng gỗ, dầu rái mà chống. Nếu giặc dùng thang bấu vào thành mà lên, thì ta dùng chàng nạng mà chống. Nếu giặc dùng lừa gỗ mà đục thành thì ta dùng xa trục, dùi sắt, đuốc đuôi én mà phá. Nếu giặc bắn súng đạn thì ta căng màn vải mà chế. Nếu giặc dùng địa đạo mà đến đánh, thì ta dùng phép nghe dưới đất, đào giếng mà đón, dùng hỏa cầu, pháo tích lịch và binh khí tạp mà hại. Nếu giặc lên lầu cao mà xuống thành thì ta dùng hỏa thương hỏa tiễn mà đốt, hay là dùng ống thuốc độc mà tưới. Nếu giặc dùng hỏa công mà đốt thành thì ta dùng túi nước, ống đất mà ném xuống, và dùng chổi gai giấp bùn mà chế. Nếu giặc đốt cửa thành thì ta dùng cát ướt mà giập. Nếu giặc phá nữ tường đất thì ta dùng nữ tường gỗ mà chống. Nếu giặc đánh phá cửa thành thì ta dùng xe súng xe gươm mà chống. Các phương trên này, cái gì cũng rõ ràng đầy đủ, đấy là phép của cổ nhân, một bên đánh một bên giữ. Nhưng thừa thế khác nhau, xưa nay khác lối cho nên người trí tướng lâm cơ ứng biến, mầu nhiệm là ở trong lòng, cũng không nên khư khư câu nệ. Tôn tử nói “người giỏi giữ giấu ở dưới chín lần đất”, lời ấy thực là diệu vậy. 

YẾU LUẬN VỀ ĐỊA THẾ1

Phàm người làm tướng, trên thông thiên văn, dưới hiểu địa lý. Thiên văn là biết vận độ của nhật nguyệt tinh thần2, biết then máy âm dương rét nóng để rõ manh mối họa phúc, điềm triệu lành dữ. Địa lý là biết sự biến di của chim muông cây cỏ, biết thế hiểm dễ của núi sông hang khe, để đặt phục ra kỳ, lập dinh đóng trại. Không như học giả đời sau học thiên văn chỉ câu chấp ngày giờ tốt xấu mà không biết biến thông, học địa lý chỉ câu nệ long hổ xà tước mà không biết hình thế. 

Trước có người bạn hỏi tôi rằng: Địa lý là gì? Tôi đáp rằng: Địa thì có mười kiểu, bốn kiểu xấu, sáu kiểu tốt. Bốn kiểu xấu là thế nào? Một là đất thiên kháo, hai là đất tử phách, ba là đất tử trụ, bốn là đất tử ngục. Trong bốn đất ấy dẫu có trí tướng ở vào đấy cũng không làm thế nào được. 

Bạn nói: Xin nghe hình thế những kiểu đất ấy. 

Tôi đáp: Phàm bốn bề đồng bằng, giữa có thung lũng thì gọi là thiên kháo; nên kiêng cửa thung lũng mà đừng đóng dinh, sợ giặc đánh bốn mặt mà không có lối tiến lui. Còn chỗ bốn phương là nội rộng, trong có một núi một thung lũng thì gọi là song thiên kháo, đất ấy thì kiêng đầu núi, chớ đóng dinh, sợ giặc tự đằng sau qua núi mà ta mất chỗ hiểm, tiến lui đều khó, sẽ bị giặc bắt. Chỗ nào tha ma mộ địa thì gọi là đất tử phách, sĩ tốt ban đêm hay hoảng hốt, rồi sinh bệnh tật, đó là âm cảm sinh ra. Chỗ nào bốn bên bằng phẳng, giữa có gò cao hình như cái chậu úp thì gọi là đất tử trụ, chớ đóng dinh, một là sợ bốn phương sương gió, hai là sợ bốn mặt bị giặc. Chỗ nào bốn bề đều có gò núi, ở giữa bằng phẳng hình như cái chậu ngửa, thì gọi là đất tử ngục, chớ đóng dinh, sợ giặc dựa cao mà đánh xuống. 

Sáu kiểu đất tốt là gì? Một là thông địa, hai là quai địa, ba là chi địa, bốn là ải địa, năm là hiểm địa, sáu là viễn địa. Chỗ nào bốn phương đều có đường sá đi lại được thì gọi là thông địa. Đất này có thể dựa vào mà đóng trại, sau có đường lương, mà tiện đường viện binh. Các ngả đường tắt thì cần phải quan phòng, đừng cho giặc ngầm đến. Chỗ nào quân dễ đi mà khó lại thì gọi là quai địa. Đất này thì sai người thám thính quân giặc, nhân lúc giặc không phòng bị mà ta đánh úp thì có thể phản khách làm chủ, giặc tiến lui đều khó mà sẽ bị bắt. Chỗ nào hai bên xuất chiến đều bị bất lợi thì gọi là chi địa. Nếu có giặc trước đến khiêu chiến là giặc nhử ta, ta không nên đánh, ta nên lấy nhàn mà đợi nhọc, đợi quân giặc đến gần trại ta, ta đem quân sinh lực ra đánh, thì tất là thắng. Đóng quân cửa thung lũng mà hai bên đều có núi cao thì gọi là ải địa. Gặp chỗ này lập tức chia quân kết trận mà giữ cửa thung lũng để đợi quân giặc xung đột. Nếu giặc trước chiếm đất ấy, thì ta nên kết trận ở ngoài cửa thung lũng, hai bên tả hữu đều đặt quân phục, đợi giặc ra cửa thì ta đón mà đánh, hẳn là phải thắng. Còn như ở chỗ cao mà đánh xuống thấp, giữ chỗ dễ đánh chỗ nguy, thì gọi là hiểm địa. Gặp đất này thì nên chiếm trước làm lợi. Nếu giặc chiếm được trước thì ta lui đi, đợi cơ giặc, không nên giao chiến. Nếu hai quân cách nhau rất xa, thì gọi là viễn địa. Nếu quân giặc khiêu chiến thì tất có quân phục, ta nên cẩn thận. 

Hình thế mười kiểu đất ấy là đại lược của binh gia, còn như những điều nhỏ nhặt thì không thể nói hết. Ví như chỗ gần núi cao cũng không nên đóng, là sợ trong núi có quân phục; nếu là bên cây rừng rậm rạp cũng không nên đóng, là sợ bốn phương có quân phục. Còn như đường trước núi non khuất khúc thì không nên khinh tiến; đường sau núi non chắn ngang, thì không nên tiến gấp, đặt phục mà giữ, phòng quân giặc chặn sau lưng ta. Và như trước mặt hai bên đều có núi ngăn trở, nếu quân ta đóng ở đất ấy thì gấp sai du binh dò thăm đường khe bốn phía, cùng các đường tắt, đặt phục mà giữ, để phòng giặc ngầm đến đánh ta, như thế mới là thượng sách. Cho nên đạo làm tướng tất lấy địa lý làm đầu. 

Bạn ta nói: Mầu nhiệm thay! Ta phải viết lấy. Vậy có thơ rằng: 

Thảng vân trí tướng thiện hành binh.
Thập pháp chi trung vật tự khinh.
Khoáng dã bình nguyên nghi kết trận;
Y sơn bàng thủy khả an dinh.
Dương su tu tảo phòng hung địa;
Chấn lữ vưu đương chiếm địa hình.
Viễn cận hiểm di tâm tận quát;
Phong trần nhất tảo trứ phương danh. 

(Nay xem trí tướng khéo hành binh; Mười phép trên này chớ tự khinh. Nội rộng đồng bằng nên kết trận; Dựa non bên nước khá bày dinh. Đóng quân trước hết phòng hung địa; Cắm trại càng nên chiếm địa hình. Hiểm dễ xa gần lòng thấu suốt; Phong trần quét sạch để phương danh).

 

Trả lời