Nhà Trần là một trong những triều đại lừng lẫy bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với nhiều chiến công hiển hách. Vì thế, khi triều Trần bị diệt vong đã để lại niềm tiếc nuối sâu sắc trong tâm thức của con dân Đại Việt. Nhiều huyền tích về triều Trần được dân gian kể lại…
Ngôi huyệt này từ xưa tới nay được bao phủ bởi một hệ thống huyền tích dày đặc. Cũng do vị trí đắc địa của nó nên cả người đương thời lẫn hậu thế đều không biết chính xác ngôi huyệt nằm ở đâu. Những tài liệu ghi chép còn tới ngày nay cũng như truyền thuyết dân gian ở Thái Đường (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) chỉ giúp ta phần nào trong việc xác định ngôi huyệt quý đó mà thôi.
Từ câu chuyện được chép gần 300 năm trước
Những tài liệu còn giữ được tới nay đều cho rằng, tổ tiên họ Trần ở xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Sau họ Trần di cư về xã Thái Đường, huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng (nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) và làm nghề chài lưới để mưu sinh.
Cũng nhờ cơ duyên lạ lùng mà họ Trần đạt được ngôi huyệt đế vương và sau này tạo nên một vương triều lừng lẫy bậc nhất Việt Nam. Cách đây gần 300 năm, cụ Vũ Phương Đề đã nói tới chuyện này trong sách Công Dư Tiệp Ký tiền biên (chép năm 1755) như sau: “Lúc bấy giờ, một thầy địa lý Tàu sang nước ta xem đất.
Ba gò đất cao ngày nay tương truyền là mộ của vua Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông
Người này cứ chú theo long mạch chạy từ núi Tam đảo đi xuống, qua Thăng long, Cổ Bi (đều thuộc Hà Nội ngày nay) đến các xã Kệ Châu và Cao Xá (thuộc huyện Kim Động, Hưng Yên) thì thấy có nhiều đống đất hoàn tụ, bèn cười nói rằng: Đây quả là một nơi tốt để dấy nghiệp. Thế nhưng, được một đoạn thì khi không thấy dấu tích long mạch ở đâu nữa. Sau một hồi lâu, thầy địa lý Tàu phán đoán rằng: Nước sông chảy mạnh, không lẽ huyệt lại ẩn tàng dưới đáy sông.
Nói rồi, người này bèn sang sông đi đến Huyện Hà Liễu, Huyện Ngự Thiên (thuộc huyện Hưng Hà, Thái Bình) thấy các gò cao vươn thẳng dậy liền mừng rỡ mà reo lên rằng: Chỗ cất đầu lên ở đây, cứ xem mạch tụ ở xã Thái Đường thì huyệt đế vương tất nằm ở đây chứ không sai”.
Cũng theo ghi chép của cụ Vũ Phương Đề, thì sau khi phán đoán như vậy, thầy địa lý Tàu hạ la bàn để xem xét và cứ say mê, quanh quẩn mãi ở đấy không đi đâu. Lúc đó, có người tên Nguyễn Cố chợt đi đến đấy, thấy sự lạ bèn hỏi thầy địa lý Tàu rằng: “Ông cứ dùng la bàn đo quanh quẩn ở chỗ này, phải chăng nơi đây có ngôi huyệt kết hay sao?”. Thầy địa lý nghe vậy không nói, sau thấy Nguyễn Cố khẩn khoản nên than thở: “Nơi bình địa thế này mà có ngôi huyệt đế vương thật quả là hiếm có.
Tiếc rằng, thầy địa lý ngày nay không có nhãn lực”. Nguyễn Cố nghe xong, bèn hứa tặng cho thầy địa lý Tàu 100 quan tiền để tạ ơn. Nếu sau này lấy được nước rồi thì sẽ tặng cho người này một nửa đất nước. Hai bên thỏa thuận và Nguyễn Cố đem mộ cha mình táng vào ngôi huyệt quý đó.
Nhưng sợ Nguyễn Cố phản trắc, thầy địa lý Tàu bảo: “Táng xong tất có điềm lành. Nhưng trong hạn trăm ngày, thỉnh thoảng phải đến thăm nom. Nếu sau cơn mưa gió, sấm sét, thấy máu từ huyệt chảy ra thì lành ít, dữ nhiều, phải táng đi chỗ khác ngay”. Mấy ngày sau, quả có một tiếng sét rất to làm kinh động nhân dân và súc vật ở vùng ấy. Sáng hôm sau, Nguyễn Cố đi xem thì thấy ở các xã xung quanh ngôi huyệt có nhiều hòn đá nhô lên, gọi là đá tai mèo chứ không có máu chảy ra nên Cố biết là được đất rồi, rất lấy làm mừng rỡ.
Ấy thế nhưng, khi được đất rồi thì vợ chồng Nguyễn Cố sinh lòng phản trắc. Vợ Cố bảo rằng: “Ngôi đất ấy dầu cho là phát phúc nhưng hiện nay thì làm thế nào lo được 100 quan tiền. Vả lại, sau này chia đôi thiên hạ thì còn được bao nhiêu”. Cố thấy vợ nói thế, thì định bụng không tạ lễ cho người thầy địa lý Tàu kia nữa. Khi thầy Tàu đến hỏi thì Nguyễn Cố bèn bắt trói lại, rồi đang đêm đem vứt xuống sông. Nguyên chỗ Nguyễn Cố vứt thầy Tàu xuống là một bãi phù sa, nước thủy triều dâng lên ngập cả bãi.
Nhưng khi nước rút thì trơ lại một bãi đất khô. Lúc bấy giờ, có một chiếc thuyền đánh cá của Trần Hấp đi ngang qua đấy, nghe thấy tiếng kêu cứu của thầy Tàu liền tới cứu lên thuyền. Cảm tạ ơn cứu mạng, thầy địa lý Tàu bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện cho Trần Hấp nghe và tỏ ý muốn đem ngôi huyệt đó cho Trần Hấp để tạ ơn.
Trần Hấp nghe xong trong lòng không vui vì ngôi huyệt đã táng rồi, sợ rằng táng lại sẽ không còn linh nữa. Thế nhưng, người thầy kia bèn nói: “Tôi đã có cách, ngôi đất ấy thế nào nhà ông cũng được”. Quả nhiên, sau Trần Hấp được ngôi huyệt đó và họ Trần khởi phát nhanh chóng. Mấy chục năm sau thì nhà Trấn lấy được nước từ nhà Lý.
Đến những truyền thuyết
Khi chúng tôi về đền Trần ở Thái Bình để tìm hiểu thực hư câu chuyện, ông Cao Thanh Bốn, nguyên Giám đốc trung tâm văn hóa – thông tin – thể thao huyện Hưng Hà, phó trưởng ban khu di tích đền Trần Thái Bình cho biết: “Vùng đất này khi xưa là vùng bãi bồi của ngã ba sông Hồng và sông Luộc.
Người Việt cổ đã dựa vào những vùng đất nổi (hay còn gọi là gò) để sinh sống bằng nghề đánh cá và trồng lúa. Các cụ già trong làng ngày xưa vẫn bảo rằng, đây là đất mả sao, thiêng lắm. Đất đó chính là các gò đống nổi lên, ở trên có các chòm cỏ xanh hình tròn, trông từ xa chẳng khác gì những ngôi sao trên trời cả.
Vì thế mà nơi đây còn có tên gọi là hương Tinh Cương (nghĩa là những ngôi sao nổi lên). Điều đặc biệt là vùng đất này có hình thế rất lạ, được gọi là thế đất: Tiền tam thai, hậu thất tinh, ý nói đây là vùng đất phát đế vương”.
Cũng theo ông Bốn, truyền thuyết của người dân trong vùng kể lại rằng, ngày ấy có một thầy địa lý tài ba dành cả đời đi khắp nơi, tới cả chốn sơn cùng, biển tận để tìm đất có vị thế đẹp cho các nhà quyền quý táng mộ.
Khi đến vùng Tinh Cương (làng Tam Đường, xã Tiến Đức, Hưng Hà ngày nay) thấy có một gò hỏa tinh nổi lên trên mặt nước, xung quanh có nhiều gò nhỏ, thầy địa lý đã ngạc nhiên mà thốt lên: “Giữa vùng sông nước sát với đất bằng mà có những gò đống nổi lên, hẳn không phải là hoang địa”. Sau vì ơn cứu mạng mà ngôi huyệt đó được tặng cho người đánh cá tên Trần Hấp.
Theo chỉ dẫn của thầy địa lý, Trần Hấp di mộ cha từ Tức Mặc về đặt tại gò Hỏa Tinh, tiền của tốn rất nhiều. Mộ đặt tại hướng Càn (hướng Bắc) nhìn ra ngã ba sông Hồng, tục gọi là cửa Vàng. Phía sau gối lên cổ bi phục tượng, tả hữu la liệt cờ trống. Huyệt lại ở vị trí “Thổ phúc tàng Kim” (trong đất giấu vàng) nên sau khi táng xong, thầy địa lý bèn bảo với Trần Hấp rằng: “Phấn đại liên hoa đối diện sinh, hẳn sẽ lấy được thiên hạ” (ý nói sau này nhờ phụ nữ mà lấy được thiên hạ).
Truyền thuyết của dân vùng này về ngôi huyệt quý là như vậy. Sách An Nam chí lược của Lê Tắc (đây được coi là cuốn sử cổ nhất do con cháu họ Trần sống lưu vong ở Trung Quốc đầu thế kỳ XIV viết) cũng chép như sau: “Phủ Long Hưng tên cũ là hương Đa Cương, tổ tiên nhà Trần lúc còn hàn vi ban đêm đi qua một cái cầu khe.
Khi đi qua rồi nghoảnh lại không thấy cầu đâu nữa nên lấy làm sự lạ bèn di chuyển sang đất Thái Đường sinh sống, được gò hỏa tinh đắc địa mà sau này được nước. Khi lấy được nước rồi thì đổi tên Đa Cương thành Long Hưng phủ”.
Sau khi được nước rồi, nhà Trần coi Thái Đường là tông miếu, là nơi xây dựng lăng miếu cho những vị vua khi qua đời. Tương truyền rằng, sau khi đánh đuổi giặc Mông – Nguyên xâm lược lần thứ ba, thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đã đưa những tên tướng giặc bị bắt như: Nguyên soái Ô Mã Nhi, Tham chính Sầm Đoạn, Phàn Tiếp … đến đây làm lễ mừng chiến thắng.
Cũng tại nơi này, vua Trần Nhân Tông đã đọc hai câu thơ nổi tiếng: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã, Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (xã tắc hai phen chồn ngựa đá, non sông nghìn thưở vững âu vàng”.
Thầy địa lý Tàu phá huyệt của Nguyễn Cố
Thầy địa lý Tàu bèn bày cho Trần Hấp lấy đồng đỏ đúc lưỡi tầm sét và lấy cây vang nấu nước để dùng. Một đêm mưa to gió lớn, tiếng sét ấm trời. Thầy địa lý tàu đợi đến khi mưa tạnh, cùng Trần Hấp mang lưỡi tầm sét cắm xuống mộ tổ của Nguyễn Cố, xuyên thủng đến quan tài, rồi lấy nước vang tưới vào mộ. Sáng hôm sau Nguyễn Cố ra thăm, cho là mộ bị sét đánh, có máu chảy ra, vội vàng rời mộ ra chỗ khác. Trần Hấp liền màn hài cốt của cha táng vào đó.
Kỳ 2: Con sông làm đứt mạch phát đế vương của nhà Trần và những hoài nghi lịch sử
Tương truyền rằng, vì đào con sông này nên long mạch nhà Trần bị đứt và cuối cùng dòng họ này phải nhận kết cục mất ngôi.
Đào sông làm đứt long mạch?
Trở lại câu chuyện được chép trong sách Công Dư Tiệp Ký tiền biên của cụ Vũ Phương Đề thì sau khi thầy địa lý Tàu chỉ cho Trần Hấp ngôi huyệt đế vương, ông này có hứa với thầy địa lý rằng: “Nếu sau này được nước thì xin biếu ông một nửa để cảm ơn”. Thầy địa lý nghe vậy gạt đi mà nói rằng: “Việc được nước là do phúc phận của dòng họ ông, không cần phải làm như vậy. Tuy nhiên, khi ông được nước rồi thì tôi cũng chỉ xin được đời đời chu cấp cho con cháu sau này đủ cơm no áo mặc”.
Khu di tích đền Trần ở Thái Bình ngày nay
Trần Hấp nghe xong mừng lắm, viết một tờ giấy giao ước để làm tin rồi giao cho mỗi người giữ một bản. Thế nhưng, nhớ tới bài học của Nguyễn Cố phản trắc lần trước, thầy địa lý Tàu cũng đề phòng Trần Hấp nên đã làm hai bản sấm thư để lại cho con cháu và dặn: “Nếu sau này họ Trần vẫn đối đãi tử tế, thì bảo thực cho họ cách tiếp nối long mạch để nhà Trần tiếp tục thống trị thiên hạ. Nếu họ bội ước thì cứ theo sấm thư mà làm như vậy”. Xong lại nói với Trần Hấp rằng: “Tôi đã để lại một phép, có thể làm cho nhà ông trị vì được lâu dài hơn. Phép ấy là gì, sau này sẽ bảo cho biết”. Mấy chục năm sau, nhà Lý diệt, nhà Trần lên nối ngôi.
Nhớ tới ơn của người Tàu khi xưa nên các vua Trần đối đãi rất tử tế với ông và con cháu của ông sau này. Mỗi lần con cháu của thầy địa lý Tàu sang Việt Nam, các vua Trần đều đối đãi với họ rất hậu. Nhưng càng về sau, việc đối xử ngày càng kém đi và con cháu của thầy Tàu khi xưa không hài lòng. Họ bèn sang nói với vua Trần rằng: “Tổ tiên chúng tôi có để lại một bản sấm thư, dặn đến năm nay thì đem sang trình quý Quốc”.
Vua Trần xem sấm thư thấy nói: “Ngôi mộ phát tích ở Thái Đường nay sắp hết thịnh, cần phải khơi thông thủy đạo thì mới giữ được lâu dài”. Vua Trần tin lời nói ấy, bèn chiểu theo họa đồ ở sấm thư đào một thủy đạo từ sông Cái (tức sông Hồng) xã Phú xuân (không rõ này nay thuộc xã nào ở Hưng Hà) đi vào, quanh đến xã Thái Đường. Không ngờ đào đứt long mạch, họ Trần bèn suy rồi bị Hồ Quý Ly thoán đoạt.
Trò chuyện thêm về vấn đề này, ông Cao Thanh Bốn (Phó trưởng ban quản lý khu di tích đền Trần) cho biết: “Tôi không biết tới câu chuyện đứt long mạch cũng như con sông đó. Tuy nhiên, ở đây quả có một con sông uốn quanh khu Thái Đường xưa. Chúng tôi gọi nó là sông Thái sư. Con sông này được đào từ rất lâu rồi.
Tương truyền nó được đào bởi thái sư Hồ Quý Ly vào cuối đời Trần. Mục đích đào con sông này là để trị thủy, phục vụ tưới tiêu cho người dân trong vùng chứ không nghe thấy bảo là làm đứt long mạch. Tuy nhiên, nếu tra thời gian đào sông và năm nhà Trần bị diệt thì khoảng cách không lớn”.
Ông Bốn cũng cho biết: “Con sông Thái Sư ngày nay được bắt nguồn từ xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, chạy vòng qua khu tông miếu nhà Trần và đổ ra cửa sông gần đó”. Cứ xét theo lời miêu tả của ông Bốn thì con sông này có điểm tương đồng khá lớn với con sông làm đứt long mạch trong truyền thuyết.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có đủ cứ liệu để chứng minh con sông trong truyền thuyết chính là con sông Thái Sư ngày nay. Tuy nhiên, những nghi ngờ trên không phải là không có căn cứ. Giải thích về việc có nhiều ý kiến khác nhau quanh ngôi mả phát tích này, ông Bốn nói: “Vì ngôi phả phát tích xưa không còn nữa nên mới xảy ra nhiều đồn đoán như vậy. Hơn nữa, với một vương triều nổi tiếng như triều Trần thì những chuyện như thế này cũng không phải là hiếm”.
Thực hư chuyện này ra sao?
Lý giải quanh những đồn đoán về nhà Trần sụp đổ do đứt long mạch, PGS. TS Hà Minh Hồng (Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) cho biết: “Việc sụp đổ của một triều đại không thể chỉ do yếu tố đơn lẻ được. Cho đến giờ, những nguyên nhân khiến cho nhà Trần sụp đổ cũng được rất nhiều công trình nghiên cứu lịch sử giải thích, phân tích. Điều này là quá hiển nhiên rồi.
Tuy nhiên, nghi vấn nhà Trần do đào sông mà làm mất vượng khí cũng chỉ là một giả thuyết trong dân gian, không có chứng cứ xác thực về lịch sử. Dẫu vậy, nó cũng là một giả thuyết mà đến nay, chưa ai chứng minh được là bịa đặt.
Theo Chuyên gia phong thủy Phạm Cương “Trong phong thủy, đầu tiên phải tích đức, sau mới đến tìm huyệt”
Phong thủy là một vấn đề quan trọng trong văn hóa người Việt và dùng nó để giải thích thịnh suy của một dòng họ là lẽ thường. Không chỉ có riêng nhà Trần mà còn rất nhiều những vương triều, dòng họ khác trong dòng chảy lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc cũng đều lấy phong thủy ra làm nguyên nhân thất bại của mình.
Tôi cho rằng, đây cũng là một nguyên nhân trong nhiều nguyên nhân khiến cho một triều đại suy tàn và diệt vong. Tuy nhiên, đừng nên coi đó là nguyên nhân chính mà chỉ nên xem xét nó như một cách lý giải mang đậm màu sắc huyền thoại hơn là dựa vào đó như một cứ liệu lịch sử.
Thực chất, mỗi vương triều xuất hiện trong dòng chảy lịch sử và thay thế vương triều trước đó vì nó có những điểm tiến bộ hơn, phù hợp với sự phát triển của lịch sử. Nhà Trần hình thành và sụp đổ cũng không nằm ngoài nguyên nhân đó. Vì thế, bảo nhà Trần sụp đổ là do đứt long mạch thì tôi cho rằng không thực tế và chỉ mang tính giai thoại mà thôi”.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, chuyên gia phong thủy Phạm Cương (Công ty tư vấn phong thủy Nhà Xuân) cho biết: “Phong thủy là khoa học nghiên cứu về mối quan hệ giữa con người và môi trường sống như hướng gió, mạch khí, mạch nước, cấu trúc sông núi … nên khi một trong những yếu tố này thay đổi sẽ ảnh hưởng ít nhiều cục diện phong thủy của cả một khu vực. Khoa học về phong âm phần cho rằng, người chết có ảnh hưởng tới dòng họ, tới con cháu còn sống trên dương gian.
Với kinh nghiệm của tôi điều đó có cơ sở. Còn chuyện phát phúc đến đâu, phát đế vương hay phát công hầu, khanh tướng thì việc đó cần phải bàn thêm. Tuy nhiên, ngôi huyệt phát đế vương trong phong thủy bao giờ cũng là ngôi huyệt kết hợp được tất cả những gì tinh túy nhất, tuyệt vời nhất và trường hợp như vậy cũng phải hàng trăm năm mới có một lần.
Theo tôi, những mảnh đất phát đế vương là do khí thiêng sông núi hun đúc tạo nên khí sắc thanh tú, mượt mà. Bởi thực tế, có nhiều mảnh đất mấy nghìn năm không phát được một nhân tài nào. Điều này đáng để cho ta suy nghĩ”.
Cũng theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương thì sự phát đạt của một dòng tộc, vương triều phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố phong thủy. “Trong phong thủy còn có câu Tiên tích đức hậu tầm long. Tức là một dòng họ muốn kết phát thì trước nhất phải lấy đức làm đầu, sau đó mới tính tới chuyện tìm phong thủy. Nếu dòng họ có đức độ thì mới phát huy hết được yếu tố cát lành của huyệt mộ phát kết. Còn khi mạt phúc, hết đức thì huyệt tốt cũng như không.
Cứ theo câu chuyện ở trên, thì ngôi mả phát đế vương ban đầu dành cho Nguyễn Cố nhưng người cuối cùng được huyêt tốt lại là Trần Hấp. Thế mới biết, đức của dòng họ Trần thật lớn vậy. Nếu cứ đặt một giả thiết là Nguyễn Cố được ngôi mả đó, nhưng nếu không có phúc thì kiểu gì ngôi mả đó cũng bị xâm phạm, dần dần mà kém đi thôi” – chuyên gia Phạm Cương cho biết thêm
Ông Cao Thánh Bốn cho biết: “Thái Đường xưa được coi là vùng đất địa linh nhân kiệt, là nơi các vua Trần yên nghỉ. Ngày nay, chúng tôi giữ được 3 ngôi mộ khổng lồ mà nhân dân vẫn gọi là phần Bụt, phần Trung và phần Đa. Tương truyền đây là mộ của vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và một phần xá lỵ của vua Trần Nhân Tông. Ngoài ra nơi đây còn có nhiều mộ khác nhau, chủ yếu trong vương thất. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm, ngày nay chỉ còn 3 ngôi mả trên là giữ được nguyên vẹn, còn lại đa phần đã mất”.
Phạm Thiệu