Chữ HIẾU trong văn hoá truyền thống của Dân tộc Việt …

Phục hồi và khai triển những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hoá Việt là một việc làm hữu ích và cần thiết cho sự sống còn và trường tồn của dân tộc…

Chúng ta cần cố gắng khai triển những giá trị này như một gợi ý làm sống lại tính nhân bản của dân tộc và đồng thời nỗ lực này cũng là một lời tha thiết mời gọi quý vị thức giả đóng góp vào công việc lớn lao là tái thiết đất nước Việt Nam thân yêu mà bất cứ một cá nhân đơn độc nào cũng không thể đảm trách nổi…

  1. Ý NGHĨA CỦA HIẾU ĐẠO

Việt Nam là một quốc gia nhỏ bé có một lịch sử trên bốn ngàn năm kể cả giai đoạn huyền sử, nằm sát bên cạnh một Trung Hoa vĩ đại về địa lý với một bề dày lịch sử khoảng hơn năm ngàn năm. Do đó, ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa đối với Việt Nam là một điều hiển nhiên. Cũng như các quốc gia Tây phương chịu ảnh hưởng của văn hoá Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo.

Một lãnh vực nổi bật trong văn hoá là hệ thống giá trị, nghĩa là một hệ thống biểu tượng những cái hay, cái đẹp, những cái đáng được trân trọng làm nền tảng cho hành vi, cử chỉ, và lối sống của con người. Hệ thống giá trị chính của Trung Hoa trước năm 1949 được gói trọn trong khuôn khổ đạo Khổng và đạo Phật, nhất là đạo Khổng. Tuy nhiên, ở Trung Hoa, sau năm 1949, Mao Trạch Đông đã hoán đổi hệ thống giá trị của Khổng giáo và Phật giáo bằng hệ thống giá trị của lý thuyết xã hội chủ nghĩa Mác-Lê lấy duy vật biện chứng làm nền tảng. Qua chủ nghĩa cộng sản, chính sách “tam vô” (vô tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo) đã xoá hầu hết những tiêu chuẩn giá trị của Khổng giáo và Phật giáo. Nói cách khác, ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam ngày nay, con người hầu như không còn một tiêu chuẩn giá trị nào làm nền tảng cho cuộc sống ngoài hiện thực cạnh tranh đầy bản năng về tiền tài, quyền lực, và hoạt động sinh lý. Sự băng hoại những giá trị đạo đức còn được thúc đẩy mau chóng và toàn bộ bởi sự thiếu vắng một cơ sở pháp lý đúng đắn, dựa trên nguyên tắc công bằng, ngõ hầu điều hướng hành động của con người vào con đường của lẽ phải. Không có một hệ thống giá trị làm nền tảng cho cuộc sống và không có một cơ chế pháp luật hữu lý và vững chắc để khống chế những hành vi tác hại đến trật tự và an sinh xã hội thì con người sống không khác gì con vật, chỉ dựa vào bản năng sinh tồn, và còn tệ hơn con vật ở chỗ con người còn có nhiều tham vọng mà các sinh vật khác không có. Với ảnh hưởng tiêu cực ồ ạt của một xã hội thiếu vắng một hệ thống giá trị có tính nhân bản thì dù cho còn sót lại những hành vi tích cực đi nữa, những hành vi này cũng chỉ là những đốm lửa tàn lụi dần, không đem lại được ảnh hưởng khả quan nào trên xã hội.

Do đó, phục hồi và khai triển những giá trị tốt đẹp của văn hoá Việt là một việc làm hữu ích và cần thiết cho sự sống còn và trường tồn của dân tộc. Chúng tôi sẽ cố gắng khai triển những giá trị này như một gợi ý làm sống lại tính nhân bản của dân tộc và đồng thời nỗ lực này cũng là một lời tha thiết mời gọi quý vị thức giả đóng góp vào công việc lớn lao là tái thiết đất nước Việt Nam thân yêu mà bất cứ một cá nhân đơn độc nào cũng không thể đảm trách nổi.

Cơ sở được sử dụng trong công việc phục hồi và khai triển hệ thống giá trị này chính yếu sẽ dựa vào ca dao, tục ngữ, các loại ca, vè dân gian và truyện cổ tích vì các thể loại văn chương bình dân này là tài liệu sống động thể hiện một cách hoàn toàn trung thực những hành vi, cử chỉ, và lối sống của đại đa số người dân Việt Nam.

Một trong những điểm đặc sắc của hệ thống giá trị này là chữ “hiếu”. Trọng tâm của bài này chỉ tập trung vào chữ “hiếu”. Những bài kế tiếp sẽ bàn về những lãnh vực khác trong hệ thống giá trị đích thực của dân tộc Việt. Khi nói đến hệ thống giá trị đích thực của dân tộc Việt, chúng tôi muốn nói đến những cái hay, cái đẹp, những cái được trân quý làm nền tảng cho cuộc sống của đại đa số người Việt như là một tập thể quốc gia.

Vậy chữ hiếu được hiểu và ứng dụng trong lối sống của người Việt như thế nào?

Trước khi nói đến xã hội người Việt, đại cương chúng ta cần phân biệt hai giai cấp xã hội. Một là giai cấp sĩ phu, giai cấp trước 1919, thông thuộc Tứ Thư, Ngũ Kinh, văn chương, thi phú, lịch sử, và quản trị công quyền. Họ là một thiểu số rất nhỏ chỉ sử dụng chữ Hán để trao đổi văn thư triều chính. Họ học văn chương và các kinh thi, kinh thư để được tuyển dụng làm quan qua các kỳ thi hương, thi hội, và thi đình. Nếu không thi đỗ để làm quan hoặc không muốn làm quan thì họ làm thầy đồ dạy dỗ một số con em ở các làng mạc vùng quê. Mãi cho đến năm 1918 thì cái học cũ được chính thức bãi bỏ và kỳ thi Hội cuối cùng xảy ra vào năm 1919. Cái học mới dùng tiếng Pháp và quốc ngữ thay thế cho chữ Hán. Tuy nhiên mãi đến 1932, triều đình mới ngưng việc dùng chữ Hán trong các văn thư và thay vào đó là chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Dưới thời Pháp bảo hộ, chủ trương chính của giáo dục là đào tạo những người thông ngôn để làm việc cho người Pháp. Đến năm 1945 thì hệ thống giáo dục Việt Nam mới bắt đầu sử dụng quốc ngữ làm chuyển ngữ cho học thuật gồm các bộ môn phỏng theo chương trình giáo khoa của Tây phương. Những người theo cái học mới đa số cũng thoát thân từ những gia đình sĩ phu nho học cũ. Trong thành phần này, đa số học hết trung học và một thiểu số có trình độ đại học. Do đó, mặc dù phần nào có chịu ảnh hưởng của tư tưởng phương Tây, con đường tiến thân của họ nói chung cũng không khác mấy những người đi trước, nghĩa là, nếu không làm quan thì cũng làm công chức cho chính phủ. Hai thành phần này trước 1975 chiếm một tỉ lệ dân số tương đối hết sức nhỏ. Nhưng họ là những thành phần thấm nhuần đạo lý theo rập khuôn khổ của Khổng giáo chính thống. Giai cấp thứ hai là những thành phần thuộc đại đa số quần chúng, những người bình dân buôn bán, những người làm công, làm thợ, hay nông dân mà đa số không được đi học hay có đi học thì chỉ một thiểu số rất nhỏ được học cao, nghĩa là khoảng cấp trung học, mà thôi. Những thành phần này mãi cho đến 1975 chiếm khoảng 90% dân số. Họ cũng chịu ảnh hưởng Khổng giáo qua sự dạy dỗ của các thầy đồ và các nhà sư ở trong làng. Tuy nhiên, ảnh hưởng này – trên phương diện thực hành — đi theo một chiều hướng đặc thù, rất khác với khuôn khổ quy ước của Khổng giáo chính thống. Và phương tiện hầu như duy nhất để chuyển đạt những ý nghĩ của họ về cuộc sống hằng ngày là ca dao, tục ngữ, các loại ca, vè dân gian, và truyện cổ tích.

Đối với giai cấp sĩ phu cũng như các hậu duệ trong chế độ học chính mới thì “hiếu” là bổn phận chính yếu của người con trai đầu lòng phải săn sóc, chăm lo phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già và còn sống. Khi cha mẹ đã mất thì phải lo xây lăng, đắp mộ, và cúng giỗ để nhớ đến công ơn của cha mẹ. Quan trọng nhất là người con trai còn có bổn phận phải sinh con trai để nối dõi. Không có con trai để nối dõi hay “tuyệt tự” là bất hiếu. Do đó, khi không có được con trai, người đàn ông thường cưới thêm vợ lẻ để có con trai. Ngoài ra, có một vài đòi hỏi có tính võ đoán như khi cha còn sống thì người con trai phải giữ lấy chí hướng của cha (“phụ tại quan kỳ chí”); khi cha mất, phải giữ phẩm hạnh của cha (“phụ một quan kỳ hạnh”); ba năm không đổi cái đạo -tính khí- của cha (“tam niên vô cải ư phụ đạo”); như vậy có thể nói là có hiếu vậy (“khả vi hiếu hỉ”).

Trong việc giai cấp thứ hai, tức đại đa số người dân Việt, thi hành ý nghĩa chữ hiếu như được thể hiện qua ca dao, tục ngữ và truyện cổ tích – là những phương tiện phản ánh lối sống chân thật của người dân — người ta khó tìm thấy quan điểm phức tạp như thế, cũng như khó tìm thấy yêu cầu bổn phận phải sinh con trai để nối dõi. Quá lắm thì người ta cũng chỉ có thể tìm thấy một hai câu như:

Gái có con như bồ hòn có rễ,
Gái không con như bè gỗ trôi sông.

Và dĩ nhiên là câu ca dao này không hàm chứa ý nghĩa là phải có con trai để nối dõi. Nói cách khác, ý nghĩa của chữ hiếu đối với đại đa số người Việt không đòi hỏi bổn phận phải có con trai để nối dõi tông đường.

  1. Nhưng người bình dân trong việc thi hành ý nghĩa chữ hiếu đặt nặng sự kính trọng cha mẹ:
Dạy con, con nhớ lấy lời:
Trọng cha, kính mẹ, suốt đời khó quên.
Công cha nghĩa mẹ khó quên,
Vào thưa ra gửi mới nên con người.

Ngay cả trong tình yêu đôi lứa, người đàn bà muốn người yêu của mình thường lui tới, thăm viếng mình. Tuy nhiên, trước khi gặp mình thì người đàn ông cũng phải chứng tỏ sự kính trọng đối với cha mẹ của người mình yêu trước đã:

Sơn cách, thuỷ cách, lòng không cách
Đường dù xa, nhân nghĩa không xa.
Đi đâu anh hãy ghé qua nhà,
Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em.

Da diết hơn nữa là có trường hợp nhà người yêu cách nhà nàng chỉ có một quãng cách nhỏ, nên người đàn bà đã tỏ ý hờn trách chàng sao chẳng lui tới viếng thăm. Tuy nhiên, mặc dù yêu đương mặn nồng, nhưng người đàn bà vẫn không hề quên đặt cha, mẹ mình vào vị trí ưu tiên:

Nhà anh cách đây, nhà em cách đó,
Cách đây, cách đó, cách chẳng bao xa.
Đi đâu, chẳng ghé lại nhà,
Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em.

Và sự kính trọng đối với cha mẹ đã có lúc đạt đến đỉnh cao chót vót:

Chết ba năm sống lại một giờ,
Để coi người nghĩa phụng thờ ra sao.
-Thờ chàng đĩa muối đĩa rau,
Thờ cha cúng mẹ, mâm cao, cỗ đầy.
  1. Sự kính trọng này còn được thể hiện qua hình thức tang chế.

Tang cha, tang mẹ nặng hơn cả tang chồng. Đặc biệt trong văn hoá Việt là tang cha mẹ được biểu hiện không phải như là một bổn phận mà là một tình cảm sâu đậm của người đàn bà đối với cha mẹ của mình:

Tiếc cây mía tốt có sâu,
Tiếc người lịch sự, trên đầu có tang.
Tang chồng thì bỏ tang đi,
Tang cha, tang mẹ, ta thì tang chung.
-Tang cha, tang mẹ trên đầu,
Lẽ nào em dám bán sầu mua vui.

Đối với người đàn bà Việt Nam, cha mẹ mất đi không phải chỉ được chỉ dấu bằng vành khăn trắng trên đầu mà bằng cả một mối sầu nặng trĩu trong tâm hồn, nên nàng không thể đi tìm niềm vui của hạnh phúc đôi lứa.

Và cũng không có quy ước nào trong Khổng giáo bắt buộc người đàn bà khi mãn tang cha mẹ thì phải ra phần mộ tạ từ mẹ cha trước khi nghĩ đến hôn nhân. Đó là một hành động phát xuất từ tình thương sâu sắc đối với cha mẹ mình:

Chim đa đa đậu nhánh đa đa,
Mãn mùa nhảy qua cây khế,
Em đang còn tang chế, khó lắm anh ơi!
Bao giờ chế mãn, tang hồi,
Em ra tạ từ phần mộ, khi nớ mới trao lời nợ duyên.

Và khi người đàn ông vượt quá giới hạn của sự kính trọng và tình thương của người đàn bà đối với cha mẹ mình thì người đàn bà sẽ phản đối ngay:

Bắt lấy tay em sao anh không sợ tội,
Ngó lên trên đầu còn đội tang cha.

Và theo Khổng giáo quy ước thì giới sĩ phu đặt nặng tang chế cho cha mẹ của chính mình chứ ít khi nói đến nghi thức tang chế cho cha mẹ của người vợ. Mặc dù không có điều nào trong Khổng giáo chính thức tuyên bố là xem nhẹ hay không cần hiếu đạo đối với cha mẹ nhà vợ, nhưng Khổng giáo chỉ đề cập đến gia đình của người con trai mà thôi. Trên bàn thờ của những thế hệ cũ, người ta chỉ thấy bài vị bốn thế hệ của người cha mà không thấy bài vị cha mẹ của người mẹ. Nhưng trong thực hành của đại đa số người Việt bình dân thì chính người đàn ông cũng phải tôn trọng tang chế cha mẹ của người đàn bà:

Cô kia khăn trắng tang ai?
Nhất tang cha mẹ, thứ hai tang chồng?
Tang chồng thì vất tang đi,
Tang cha, tang mẹ, ta thì tang chung.  
  1. Chữ hiếu còn được thể hiện qua sự vâng lời cha mẹ, nhất là trong những quyết định về tình yêu đôi lứa hay quyết định về hôn nhân: 

Khoan khoan bước tới thềm vàng,
Để em về thưa với thầy mẹ, biết có thương chàng hay không?

Anh đừng lên xuống uổng công,
ai nghe thầy mẹ nói không đi rồi.

Anh thương em còn sợ nỗi mẹ cha.
Thuở nay ăn mặc khó qua khỏi đầu.

Mẹ cha nghiêm khắc cùng mình,
Nên tôi ít lai vãng, mới nhạt tình đôi ta.

Anh thương em răng nỏ muốn thương,
Sợ lòng bác mẹ như rương khoá rồi.

Dù yêu đương tha thiết, ý kiến của cha mẹ luôn luôn là yếu tố quyết định: 

Kìa khóm trúc, nọ khóm mai,
Ông Tơ, bà Nguyệt xe hoài chẳng thương.
Một lần chờ, hai lần đợi,
Ba lần nhớ, bốn lần thương.
Anh thương em, nhưng phụ mẫu với họ hàng chẳng thương. 
  1. Đại đa số người Việt, đặc biệt là người đàn bà Việt, biểu hiện ý nghĩa chữ hiếu – không phải như là một bổn phận — mà bằng cách chứng tỏ tình thương sâu sắc và lòng biết ơn chân thành đối với cha mẹ.
Vẳng nghe chim vịt kêu chiều,
Bâng khuâng nhớ mẹ, chín chiều ruột đau.
Ra về nỏ có chi đưa,
Có đôi câu tình nghĩa nhắn về thưa mẹ thầy.
Chiều chiều lo bảy lo ba,
Lo cha mẹ già đầu bạc tuổi cao.

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa,
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương. 

Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con. 

Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước mong. 

Rõ ràng cụm từ “ước mong” phản ánh một tâm thức ứ đọng tình cảm sinh động hướng về tương lai khả năng đền đáp công ơn của cha mẹ một cách tự nguyện vì tình thương và lòng biết ơn, và hoàn toàn không phản ánh những câu thúc có tính cách yêu sách của Khổng giáo chính thống. Cái triết lý biết ơn này không khẩn thiết phải luôn luôn được nối kết với công lao của cha mẹ vì có lúc cha mẹ cũng không hoàn thành được sứ mạng của mình. Sự biết ơn còn phát xuất từ ý niệm cội nguồn:

Dầu nên cũng bởi mẹ cha,
Dầu không cũng nhớ cây đa, bến đò.
Con người có tổ có tông,
Như cây có cội, như sông có nguồn
 
Cây kia ăn quả ai trồng,
Sông kia uống nước hỏi dòng tại đâu. 

Biết ơn cha mẹ không phải chỉ vì công lao sinh thành, nuôi nấng, dạy bảo mà thôi mà còn vì tình yêu bao la của cha mẹ đối với con cái:

Biển Đông còn lúc đầy vơi,
Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng. 

Do đó không biết ơn và đền đáp công lao của cha mẹ — đối với đại da số người Việt — không khẩn thiết phải bị mang lấy cái nhãn hiệu “bất hiếu”, một cụm từ bác học, trống rỗng về nội dung kinh nghiệm thực tế, mà bị kết án là một tên phản bội, một hình ảnh hiện thực đáng ghét trong cuộc sống hằng ngày:

Trách ai đặng cá quên nơm,
Đặng chim bẻ ná, quên ơn sinh thành.
 
Và ơn sinh thành đó xứng đáng được đền đáp bằng tình thương, bằng sự hy sinh bản thân:
Thà tôi bận rách bận rưới,
Để cho cha mẹ tôi bận lành.
Cám thương cha mẹ sanh thành ra tôi. 

Việc đền đáp công ơn cha mẹ, sự hy sinh bản thân cho cha mẹ, tình thương sâu sắc đối với cha mẹ không phải chỉ do ảnh hưởng của giáo dục mà còn do kinh nghiệm sống thực tế un đúc mà thành:

Cơm cha áo mẹ ăn chơi,
Cất lấy cơm người đổ bát mồ hôi.
 
Cơm cha áo mẹ đã từng,
Con đi làm mướn kiếm lưng cơm người.
Cơm người khổ lắm mẹ ơi,
Chả như cơm mẹ, vừa ngồi vừa ăn. 

Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ. 

Nuôi con mới biết sự tình,
Thảm thương cha mẹ nuôi mình khi xưa.
 
Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.
 
  1. Ý nghĩa chữ hiếu còn được thể hiện qua hành động chăm lo cái ăn, cái mặc, sức khoẻ cho cha mẹ khi cha mẹ già, yếu. Những hành động này được thực hiện một cách vô điều kiện, khác với giới sĩ phu nho học thường hay đòi hỏi hoặc ước mong công thành danh toại rồi mới thi hành đạo hiếu.
Mẹ già đầu bạc như tơ,
Lưng đau con đỡ, mắt mờ con nuôi.
 
Mẹ già bóng ngả cành dâu,
Phòng khi chóng mặt, nhức đầu cậy ai?
 
Ai vô Quảng Nam cho tôi gửi mua đôi ba lượng quế,
Ai ra ngoài Nghệ cho tôi gửi mua tám chín lượng sâm.
Đem về nuôi dưỡng phụ thân,
Hai ta đền đáp công ơn sinh thành.
 
Tới nơi đây lỡ chợ, lỡ đò,
Xẻo cẳng tay nuôi mẹ, giả thịt bò mẹ xơi.
Mẹ thương con, sa rơi nước mắt,
Nghĩ tới dâu hiền ruột thắt tận da.
Thôi hỡi con ơi, cháo rau cho qua bữa, thịt với thà làm chi.
Khi phụng dưỡng cha mẹ, đại đa số người Việt, nghĩa là những người bình dân, không phân biệt cha mẹ bên chồng hay bên vợ:
Lọng rách giơ xương, còn sườn cũng lọng,
Cha mẹ bên nào cũng trọng vừa hai,
Lên non tìm chút sữa nai,
Về đền ơn nhạc mẫu, khéo sinh ai đầu lòng.

Còn giới sĩ phu thì cũng trọng đạo hiếu, nhưng hình như họ chú trọng đến hình thức hơn là tình cảm chơn chất, đích thực của nội tâm vì đối với họ thì cần có điều kiện đủ mới thực hiện được đạo hiếu, nghĩa là phải công thành danh toại trước đã:

Bao giờ cá lý hoá long,
Đền ơn cha mẹ ẳm bồng ngày xưa.
 
Một mai con cá hoá rồng,
Đền ơn cha mẹ bõ công sinh thành.
 
Công danh hai chữ tờ mờ,
Lấy gì khuya sớm phụng thờ tổ tiên.
Khôn ngoan nhờ đức cha ông,
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ.
 
Ngó lên trời, trời cao lồng lộng,
Ngó xuống đất, đất rộng mênh mông.
Biết răng chừ cá gáy hoá rồng,
Đền ơn thầy mẹ ẵm bồng ngày xưa. 

Hình như đối với giới sĩ phu, không đỗ đạt, không làm quan, không có tiền thì chưa thi hành hiếu đạo được. Nhưng người bình dân thì:

Đói lòng ăn hột chà là,
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.
 
Thà tôi bận rách bận rưới,
Để cho cha mẹ tôi bận lành.
Cám thương cha mẹ sanh thành ra tôi.
Đói lòng, ăn trái ổi non,
Nhịn cơm nuôi mẹ, cho tròn nghĩa xưa.
 
Mẹ cha trượng [trọng] quá ngọc vàng,
Đền bồi sao xiết, muôn vàn công ơn. 

Nuôi cha mẹ mới là quan trọng chứ hoàn thành “đạo hiếu” thì người ta nói sao, đại đa số người dân Việt cũng nghe vậy mà thôi. Cái đạo hiếu của người làm con là chuyện thứ yếu, thực hành việc nuôi cha mẹ, bất kể giàu nghèo hay khó khăn, mới là điều đáng quan tâm: 

Ngày đêm em may vá kiếm tiền,
Trước nuôi cha mẹ, sau tuyền đạo con.
 
Mẹ già đầu bạc như tơ,
Khoan ăn bớt ngủ mà nuôi mẹ già.
 
Ba tiền một khứa cá tươi,
Cũng mua cho được mà nuôi mẹ già.
Giàu như nậu, sáng cơm chiều cá,
Nghèo như em, sáng rổ rau má, chiều trã cua đồng.
Ơn cha không bỏ, nghĩa chồng không quên.
 
Nhà em có vại cà đầy,
Có ao rau muống, có đầy chỉnh tương.
Dù không mỹ vị cao lương,
Trên thờ cha mẹ, dưới nhường anh em.
Một nhà vui vẻ êm đềm,
Đói no tuỳ cảnh, không buồn luỵ ai.
 
Ai về tôi gởi buồng cau,
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.
Ai về tôi gởi đồi giày,
Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi.
 
Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm, tối viếng, mới đành dạ con.
 
Con bướm bạc không ra đường,
Chứ ra đường cũng xào, cũng xạc.
Biết lấy chi mà đền bạc, trả vàng,
Đôi đứa mình chừ lên non chặt củi, đốt than,
Để kiếm tiền nuôi hai thân phụ, thiếp chàng theo nhau.
 
  1. Quan niệm chăm lo, săn sóc, phụng dưỡng cha mẹ lúc già, yếu còn được người Việt sử dụng như là một phương cách đối kháng lại sự chú trọng quá đáng về hình thức lễ nghi cúng giỗ không còn giá trị thực tiễn khi cha mẹ đã qua đời:
Xin người hiếu tử gắng khuyên,
Kịp thời nuôi nấng cho tuyền đạo con.
Kẻo khi sông cạn, đá mòn,
Phú ngà, phú uất có còn là chi. 

Những hình thức cúng giỗ nhiều khi quá tốn kém đối với người dân dã, đã đem lại một cảm nhận thật là chua chát đầy thách thức: 

Sống thì con không cho ăn,
Chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi. 
  1. Tuy nhiên, người bình dân không bài bác việc xây lăng, đắp mộ, và cúng giỗ cha mẹ. Họ hiểu rõ đó là những hình thái biểu lộ sự nhớ nhung, thương yêu, và biết ơn cha mẹ. Hình thức chuyển tãi nội dung: Hình thức là lăng mộ, cúng giỗ; nội dung là tình yêu thương và lòng biết ơn đối với cha mẹ, điều mà đại đa số người dân Việt thực sự trân quý.
Đi đâu mặc kệ đi đâu,
Đến ngày giỗ chạp phải mau mà về.

Trăng rằm cũng nhắc nhở người ta lo âu, nhớ đến việc cúng giỗ cha mẹ:

Đội ơn chín chữ cù-lao,
Sinh thành kể mấy non cao cho bằng.
Trời ơi, có thấu tình chăng!
Bước sang mười sáu, ông trăng gần già.
 

Dù nghèo khổ đến đâu, người dân Việt cũng cố gắng xây lăng, đắp mộ để cha mẹ có một nơi an nghỉ thoả đáng và để lui tới tỏ lòng yêu thương, quý trọng:

 

Công cha ba năm sinh thành tạo hoá,
Nghĩa mẹ chín tháng cực khổ cưu mang.
Hai đứa mình lấy chi đền nghĩa báo ân,
Lên non gánh đá, xuống xây lăng phụng thờ.
Ngó lên trên trời thấy cặp cu đương đá,
Ngó ra ngoài biển thấy cặp cá đương đua.
Biểu em về lập miếu thờ vua,
Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha.
 

Vì sự liên hệ tình cảm của

Chữ dâu hiền, con gái.
Cậu rể thảo, con trai.
Bậu dầu đôi lứa trúc mai
Bớ bậu ơi!
Qua kính thờ song nhạc dễ nài công lao.
 

Sự nhớ nhung, thương yêu, quý trọng, biết ơn, và đền ơn cha mẹ đã vượt tới đỉnh cao của tôn giáo nên dân gian thường hay dùng từ ngữ thờ phụng:

Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha, kính mẹ, ấy là chân tu.

II.  LÝ DO CỦA HIẾU ĐẠO

Chúng ta vừa tìm hiểu ý nghĩa của hiếu đạo là gì và người Việt đã thi hành hiếu đạo như thế nào. Câu hỏi còn lại là tại sao người talại phải có hiếu?

  1. Con người có hiếu bởi vì biết ghi nhận công lao, nhọc nhằn của cha mẹ trong việc sinh thành, nuôi nấng, dạy dỗ và che chở cho con đến lúc trưởng thành.

Trong Ngũ kinh, có kinh Thi đề cập đến sự cần cù, lao lực (cù lao) của mẹ cha trong việc sinh thành và nuôi dưỡng con cái qua chín chữ: “cữu tự cù lao”, đó là: 1. sinh (生: cho con ra đời), 2. cúc (鞠:nuôi dưỡng), 3. phủ (撫:vỗ về), 4. dục (育:dạy dỗ), 5. súc (蓄: cho con bú), 6. trưởng (長:nuôi con khôn lớn), 7. cố (顧:chăm sóc), 8. phục (復:uốn nắn tuỳ theo tính tình), 9. phúc (腹:bồng bế, ôm ấp, che chở).

Trong kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, Đức Phật kể đến mười công đức của mẹ đối với con. 1. Chín tháng cưu mang khó nhọc, 2. Sợ hãi, đau đớn khi sinh, 3. Nuôi con cam chịu cực khổ, 4. Nuốt cay, mớm ngọt cho con, 5. Chịu ướt, nhường ráo cho con, 6. Sú nước, nhai cơm cho con, 7. Vui vẻ giặt đồ dơ cho con, 8. Thương nhớ khi con xa nhà, 9. Có thể gây tội vì con, 10. Nhịn đói cho con được no. 

Đối với người bình dân, có lẽ đa số sẽ không nhớ được chính xác chín chữ cù lao là gì. Nhưng tất cả mọi người, trên thực tế, đều nhìn nhận được sự khó nhọc, cần cù, lao lực của cha mẹ trong việc sinh thành, nuôi nấng, dạy bảo cho con khôn lớn thành người. Do đó con cái biết ơn và tìm cách đền ơn cha mẹ:

Đội ơn chín chữ cù lao,
Sinh thành kể mấy non cao cho bằng.
Cha sinh, mẹ dưỡng ra con,
Cũng như trời đất nước non không cùng.
Vẫn là một khí huyết chung,
Chia riêng mày mặt, trong lòng sinh ra.
Bào thai chín tháng mang ta,
Kiêng khem tật bệnh, ai hoà chịu chung.
Vượt bể Đông có bè có bạn,
Mẹ sinh ta, vượt cạn một mình.
Sinh ta mát mẻ yên lành,
Từ nay mẹ mới yên lành không lo.
Chốn lạnh ướt để cho mẹ ngủ,
Nơi ấm êm, mẹ ủ con nằm.
Năm canh, con khóc cả năm,
Ôm con, mẹ chịu khổ tâm lo phiền.
Khi con ốm sốt chẳng yên,
Con phiền có một, mẹ phiền bằng hai.
Ngọn đèn chong bóng canh dài,
Nghĩ thua, nghĩ được, có ai ngỏ cùng.
Con rày đã yên lành mát mẻ,
Mẹ mới lòng vui vẻ, không lo.
Dành riêng quà bánh nhường cho,
Sắm riêng quần áo mới đồ chiều con.
Trông con nằm ngủ, ăn ngon,
Sợ con thất ý, lại còn hờn lâu.
Hai ba tuổi độ, hầu học nói,
Tập dạy cho thưa nói dần dần.
Đến chừng biết mặc áo quần,
Nuôi thầy dạy học, tập văn, tập bài.
Kể với ai cửa nhà nghèo đói,
Trông cho con theo dõi người ta.
Đến ngày con bước đi ra,
Mẹ cha biết mấy thịt da tiêu mòn.
Đến khi con mười lăm, mười tám,
Lấy vợ cho con, lại sắm cửa nhà.
Sinh ta, rồi lại nuôi ta,
Công như trời đất sinh ra giống người.
Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Làm người trước liệu hiếu thân,
Cảm ơn cha mẹ ân cần nuôi con.
Trăm năm mấy buổi thần hôn,
Một mai mấy buổi liệu đường kính lên.
Sao cho trọn chữ tri niên,
Sao cho trọn chữ chung thiên với người.
Kể từ mẹ mới thụ thai,
Biết bao khí huyết mẹ bù cho con.
Đến ngày hình thể vẹn tròn,
Ví như vượt biển trèo non, nặng nề.
Kiêng ăn, kiêng ngủ ê chề,
Đã e chín tháng còn e mười ngày.
Kể từ hoa nở liền tay,
Bao giờ mẹ đó con đây mới mừng.
Lòng yêu con mấy cho bằng,
Nâng chừng như trứng, hứng chừng như hoa.
Phải con hay khóc hay la,
Ban đêm quên ngủ, ban ngày quên ăn.
Tháng hè đưa võng liền chân,
Tháng đông ướt áo, dậy trần quản chi.
Đầy năm biết đứng, biết đi,
Dắt tay từng bước, phòng khi lỡ làng.
Miếng ngon những nhịn cùng nhường,
Ba năm bú mớm, mẹ gầy dường xác ve.
Nghĩ đà ơn mẹ nhiều bề,
Kìa như dạy dỗ lại về ơn cha.
  1. Con cái có hiếu vì sự hy sinh và tình thương bao la, vô bờ bến của mẹ: thức suốt năm canh khi con khóc, con đau, nằm bên ướt để bên ráo cho con ngủ.
Nuôi con chẳng quản chi thân,
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn.

Nước mắt chảy xuôi

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,
Năm canh chày, thức đủ năm canh.
Mẹ già như ánh trăng khuya,
Dịu dàng soi tỏ bước đi con hiền.
Chim trời ai dễ đếm lông,
Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày.
Đố ai đếm được lá rừng,
Đố ai đếm được mấy tầng trời cao.
Đố ai đếm được vì sao,

Đố ai đếm được công lao mẫu từ.

Nuôi con buôn tảo bán tần,
Chỉ mong con lớn nên thân với đời.
Những khi trái nắng trở trời,
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên.
Trọn đời vất vả triền miên,
Chăm lo bát gạo đồng tiền nuôi con.
Ru con giữa buổi chiều đông,
Để mẹ tát nước giữa đồng đêm nay.
Gầu giai mẹ đổ luôn tay,
Cho lành manh áo cho đầy cơm con.
Cho lòng mẹ đhéo hon,
Cho gương mặt trẻ đẹp tròn như gương.
Quản gì một nắng hai sương,
Quản gì gió bụi trên đường con ơi.
Ru con mẹ hát mấy lời,
Ngủ đi cho mẹ còn rời gối tay.
  1. Mặc dù người bình dân không biết được khoa di truyền học cũng như ảnh hưởng của ngoại giới đối với việc tác thành khả năng và nhân cách của con cái theo quan điểm khoa học, nhưng qua kinh nghiệm sống họ ý thức được rõ ràng rằng những gì họ có được về khả năng là do huyết thống của cha mẹ để lại cọng với những điều kiện vật chất của ngoại giới và sự dạy bảo, un đúc của cha mẹ.

Trứng rồng lại nở ra rồng,
Hạt thông lại nở cây thông rườm rà.
Có cha mẹ mới có ta,
Làm nên thời bởi mẹ cha vun trồng.
Khôn ngoan nhờ ấm cha ông,
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ.
Đạo làm con chớ có hững hờ,
Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm.
Khôn ngoan nhờ đức cha ông,
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ.
  1. Hiếu đạo có một tương quan nhân quả với tư cách của cha mẹ. Mặc dù Khổng giáo chính thống thường đề cao vai trò và ảnh hưởng của người cha, nhưng thiết nghĩ nếu cha mẹ, nhất là mẹ, nhân từ và có hiếu thì sẽ có những người con cũng có hiếu.

Phụ từ, tử hiếu

Anh ở sao mà rể gọi là con,
Thì bia vàng khắc chữ sơn son để đời.
Nếu mình hiếu với mẹ cha,
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì.
Nếu mình ăn ở vô nghì,
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công.
  1. Con cái có hiếu vì sự giáo dục của cha mẹ. Cha mẹ luôn luôn nhắc nhở con cái phải hiếu thảo vì công ơn trời biển của cha mẹ, không được phụ bạc ơn nghĩa của cha mẹ. Giáo dục là một yếu tố căn bản trong hành vi hiếu đạo của con cái đối với cha mẹ.
Con ơi nên nhớ lời này
Công cha, nghĩa mẹ, công thầy chớ quên.
Dạy con, con nhớ lấy lời:
Trọng cha, kính mẹ, suốt đời khó quên.
Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ, ghi lòng con ơi!
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi,
Con đi trường học, mẹ đi trường đời,
Ra đi mẹ có dặn dò,
Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua.
Gặp người đáng bậc mẹ cha,
Chào thưa vâng dạ mới là con ngoan.
Ngó lên ngọn núi Ba Non:
Công cha nghĩa mẹ, làm con phải đền.
Ba năm bú mớm con thơ,
Kể công cha mẹ biết cơ ngần nào.
Dạy rằng chín chữ cù lao,

Bể sâu không ví, trời cao không bì.

Thờ cha mẹ, ở hết lòng,
Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường.
Chữ đễ nghĩa là nhường,
Nhường anh, nhường chị lại nhường người trên.
Ghi lòng tạc dạ, chớ quên,
Con em phải giữ lấy nền con em.
Công cha nghĩa mẹ cao dày:
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ hai thân.
Thức khuya dậy sớm chuyên cần,
Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo con.
Công cha, nghĩa mẹ cao vời,
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.
Nên người con phải xót xa,
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao.
Nuôi con cho được vuông tròn,
Mẹ thầy dầu dãi, xương mòn gối long.
Con ơi, cho trọn hiếu trung,
Thảo ngay một dạ, kẻo luống công mẹ thầy.
Trời thu vừa gặp tiết lành,
Muôn dân yên khoẻ, thái bình âu ca.
Muốn cho yên nước, yên nhà,
Một là đắc hiếu, hai là đắc trung.
Trong bốn nghiệp ra công gắng sức,
Đường nghĩa phương ta phải khuyên con.
Lắng tai nghe mẹ giãi bày,
Cha sinh mẹ dưỡng sánh tày bể Đông.
Lấy gì trả nghĩa, đền công,
Ở sao cho xứng tấm lòng mẹ cha.
Nuôi con tươi tốt như hoa,
Phòng khi cha già mẹ yếu cậy con.
Bữa ăn không biết mùi ngon,
Đắng cay mẹ chịu vì con đêm ngày.
Cha mẹ mong tháng mong ngày,
Nặng nề chín tháng mười ngày cưu mang.
Công cha xiết kể bằng ngàn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Cha mẹ một tuổi một già,
Cù lao dưỡng dục, con mà dám quên.
Mẹ cha nuôi nấng, dưỡng sinh,
Bù trì khó nhọc sinh thành ra con.
Sớm khuya định tỉnh thần hôn,
Mong cho con chóng lớn khôn kịp người.
Mẹ cha vất vả mấy mươi,
Cái giường, cái chiếu, cái nôi con nằm.
Vui khi con ngủ, con ăn,
Buồn khi khó ở, nhọc nhằn không yên.
Chốn ráo con nằm đã êm,
Cha mẹ thắp đèn, thức giấc thâu đêm.
Công cha, nghĩa mẹ đừng quên,
Cho nên báo đáp, trả đền hẳn hoi.
Dù cho vật đi sao dời,
Có biết công cha mẹ, mới phải người hiếu trung.
Làm con phải nghĩ trước sau,
Công cha nghĩa mẹ lo âu báo đền.
Nhớ ơn cúc dục sanh thiềng,
Núi cao bể rộng biết đền thế nao.
Ngẫm ngùi chín chữ cù lao,
Nỗi niềm báo đáp, biết bao cho vừa.
Ngọt bùi rượu sớm trà trưa,
Nóng toan quạt mát, lạnh ngừa sưởi than.

Một hình thức giáo dục đắc dụng là điều kiện hoá hành vi bằng cách ru ngủ ghi dấu ấn vào tiềm thức con trẻ. Dĩ nhiên là người bình dân không biết được phương pháp điều kiện hoá theo khoa tâm lý học, nhưng kinh nghiệm sống đã giúp họ biết giáo dục con cái theo phương thức không khác gì phương pháp này:


Ru con giữa buổi chiều đông,
Để mẹ tát nước giữa đồng đêm nay.
Gầu giai mẹ đổ luôn tay,
Cho lành manh áo cho đầy cơm con.
Cho lòng mẹ đhéo hon,
Cho gương mặt trẻ đẹp tròn như gương.
Quản gì một nắng hai sương,
Quản gì gió bụi trên đường con ơi.
Ru con mẹ hát mấy lời,
Ngủ đi cho mẹ còn rời gối tay.
Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,
Năm canh chày, thức đủ năm canh.
Giấc hoè, giấc quế, êm êm,
Chữ trung, chữ hiếu, mẹ tìm mẹ ru.
Cái ngủ mày ngủ cho lâu,
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về.
Cái ngủ mày ngủ cho say,

Mẹ mày vất vả chân tay suốt ngày.

  1. Một lý do khác khuyến khích hiếu đạo là vì những người con có hiếu được xã hội quý trọng và ca ngợi. Đó là một phần thưởng tinh thần có giá trị mà ai cũng muốn nhận lãnh.

Những người hiếu để trung trinh,
Vẻ vang tiên tổ, vang danh họ hàng.
Em thì đi cấy ruộng bông,
Anh đi cắt lúa để chung một nhà.
Đem về phụng dưỡng mẹ cha,
Muôn đời tiếng hiếu người ta còn truyền.
Anh ở sao mà rể gọi là con,
Thì bia vàng khắc chữ sơn son để đời.
Triều đình còn chuộng thi thơ,
Khuyên anh đèn sách sớm khuya học hành.
May nhờ phận có công danh,
Mà anh phú quý, ấy mình vẻ vang.
Khuyên đừng trai gái loang toàng,
Khuyên đừng chè rượu, na mang tiếng cười.
Cũng đừng cờ bạc đua chơi,
Sao cho sự nghiệp ra người trượng phu.
Làm sao cho tiếng danh nho,
Thần Trung, tử Hiếu để cho khen cùng.

III. SỰ KHÁC BIỆT GIỮA LÝ THUYẾT KHỔNG GIÁO VÀ THỰC HÀNH TRONG DÂN GIAN NHƯ LÀ MỘT KHẲNG ĐỊNH VỀ GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC CỦA DÂN TỘC

Từ “giáo” trong Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo, được thông dụng trong dân chúng thường mang lại trong trí óc con người ý niệm về thần linh. Thực ra từ “giáo:教” chỉ có nghĩa là dạy dỗ. Và Khổng giáo là một ý thức hệ có mục đích giúp các vua chúa thời phong kiến có phương tiện trị an, một phương thức dàn xếp an ninh, trật tự xã hội bằng cách giáo dục dân chúng phải lấy lòng nhân ái và đạo đức làm nền tảng cho cuộc sống. Đây là phương thức thiết lập trật tự và an ninh xã hội bằng “đức trị”. Người đề bạt “đức trị” là Khổng Tử. Không tin vào bản tính thiện của con người mà chỉ tin là con người sinh ra với bản chất ác, Hàn Phi — người sống vào khoảng cuối thời Chiến quốc ở Trung Hoa vào lúc Tần Thuỷ Hoàng đang thống nhất đất nước – đã dề nghị, cũng với mục đích tạo dựng an ninh và trật tự cho xã hội, phương thức “pháp trị”, lấy luật pháp để trừng trị những hành vi ác độc của con người.

Trong thế giới văn minh, tân tiến ngày hôm nay, nhất là tại những quốc gia Tây phương, người ta quan sát được ảnh hưởng của cả hai xu hướng: “đức trị” và “pháp trị”. An ninh và trật tự xã hội được bảo tồn nhờ ảnh hưởng mang tính nhân bản và đạo đức của các tôn giáo và của giáo dục gia đình. Ảnh hưởng của nhân bản và đạo đức có mục đích khai triển tính thiện luôn luôn hiện hữu trong mỗi cá nhân. Mặt khác, một hệ thống pháp luật với tam quyền phân lập dựa trên nguyên tắc công bằng bảo đảm là an ninh và trật tự của xã hội không bị phá vỡ bởi tính ác tiềm tàng trong mọi người và có thể phát lộ bất cứ lúc nào.

Khổng giáo là một luận án về đạo đức mang tính triết học, nhưng đồng thời cũng là một phương tiện trị an của giai cấp phong kiến xưa, nên những điều khoản đề cập đến nhiều khi mang tính võ đoán, áp đặt, và kỳ thị, nhất là kỳ thị giới tính, của xã hội được sắp xếp theo hệ thống hệ đẳng. Vì Khổng giáo tôn vinh vị trí của người đàn ông nên đã có quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một người con trai là có, mười người con gái là không). Do đó,

  1. Người đàn bà Việt đối kháng việc phải nhận lãnh trách nhiệm một thân một mình phải lo việc hiếu đạo trong gia đình chồng, nhất là khi chồng đã đã quá cố bỏ lại người vợ cô đơn, lại còn phải đợi ba bốn năm tang chồng – một khoảng thời gian chiếm mất một phần lớn của tuổi xuân — mới có quyền nghĩ đến chuyện bước thêm bước nữa.
Tay mang khăn chế, áo thùng,
Đầu đội chữ hiếu, tay bồng con thơ.
Em trách ông trời phân tóc lìa tơ,
Kẻ đi âm phủ, người ngồi chờ trần gian.
Thiệt hại thay cho thằng bé lên ba,
Nó lăn nó khóc giữa nhà năm gian.
Ba vuông nhiễu tím, đôi hàng chữ vôi,
Chớ thiệt hại thay, người thác thì đã yên rồi,
Để cho người sống ở đời chơ vơ.
Ba bốn năm nhang khói thiếp tôi phụng thờ,
Đầu đội chữ hiếu, tay sơ chữ tình,
Chữ hiếu trung thiếp tôi gánh vác một mình.
Chẳng hay chàng có thấu tình thiếp chăng,
Đường đi khuất nẻo khơi chừng.

Có khi không phải vì chồng đã mất mà vì chồng không lo đảm trách công việc hiếu đạo, tronglúc hiếu đạo chính là bổn phận của người đàn ông, nên người đàn bà nhắc nhở như một hình thức đối kháng.

Công ơn thầy mẹ, em không đền được,
Giao cho anh đền thế:
Ra Thanh bổ quế,
Vào Nghệ bổ sâm,
Lên non ngậm ngãi tìm trầm,
Đền ơn phụ mẫu đã lao tâm sinh thành.
  1. Khổng giáo chính thống hoàn toàn đặt trách nhiệm chữ hiếu lên vai người con trai với những yêu cầu rất khắt khe.
Làm trai nết đủ trăm đường,
Trước tiên điều hiếu đạo thường xưa nay.
Công cha, đức mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ hai thân,
Thức khuya dậy sớm cho cần,
Quạt nông ấp ạnh giữ phần đạo con.
Đã sinh ra kiếp ở đời,
Trai thời trung hiếu, đôi vai cho tròn.
Quân sử, thần tử; thần bất tử, bất trung.
Phụ sử tử vong; tử bất vong, bất hiếu.

2.1. Khổng giáo đòi hỏi khắt khe ở người con trai phải hiếu đạo như thế: “cha bảo chết là phải chết, nếu không chịu chết là bất hiếu”. Thế mà người ta lại ít nghe người đàn ông nói đến hiếu đạo mà chỉ thường nghe người đàn bà không những nhắc nhở người đàn ông phải hiếu đạo mà còn đặt hiếu đạo đối với cha mẹ của mình, chứ không phải cha mẹ của người mình yêu – của người đàn ông — như là một điều kiện cho hôn nhân.

Anh về báo nghĩa sinh thành,
Chừng nào bóng xế, rủ mành sẽ hay.
Gặp anh đây, em hỏi giao hoà,
Thương em, anh có tưởng đến mẹ già em không?
Thương chi mà khiến em thương,
Trăm câu hiếu hạnh, chưa vấn vương câu nào.
Chim kêu dưới suối ao đàng,

Em còn chút mẹ, cậy chàng viếng thăm.

Để cắt nghĩa sự thoái thác thi hành hiếu đạo của mình, người đàn ông đã viện lý do việc công và còn nghiểm nhiên phát biểu là hiếu, trung đối với cha mẹ của mình quan trọng hơn hiếu trung đối với cha mẹ của người đàn bà.

Ba mươi anh không đi Tết,
Mồng một anh không tới lạy giường thờ.
Hiếu trung chi anh nữa mà biểu em chờ cho uổng công.
-Ba mươi anh mắc đóng hương án,
Mồng một an lo Ngài ngự Nam Giao,

Hiếu, trung bên anh anh còn bỏ, huống chi bên nàng, nàng ơi!

-Chiều ba mươi anh không đi Tết,
Rạng ngày mồng một, anh không đi dến lạy bàn thờ.
Hiếu trung mô nửa mà biểu em chờ uổng công.
_Hôm ba mươi anh mắc lo việc họ,
Sáng mồng một anh bận lo việc làng.
Ông bà bên anh cũng bỏ, huống chi bên nàng, nàng ơi!

2.2. Tuy nhiên người đàn bà cũng luônluôn nhắc nhở người yêu phải hiếu đạo với cha mẹ của chàng trước khi nghĩ đến tình yêu đôi lứa.

Tay chém tay sao nỡ,
Ruột cắt ruột sao đành.
Lời thề nước biết non xanh.
Ở sao cho trọn đạo sinh thành,

Thời em mới dám kết duyên lành với anh.

Tay chém tay sao nỡ,
Ruột cắt ruột sao đành.
Lời thề nước biếc non xanh,
Ở sao cho trọn đạo sinh thành mới nên.
Có cha mẹ mới có mình
Ở sao cho xứng chữ tình làm con.
Sông mô sâu bằng sông chợ Huyện,
Điện mô khéo bằng điện Châu Ê.
Thôi thôi, anh trở lui về,
Thờ thầy với mẹ cho trọn bề hiếu trung.
Cha mẹ sinh anh là trai,
Bận áo song khai, quần hai lá hẹ.
Nở bụng nào bỏ mẹ, theo em.
Quảng Bình là quê thân phụ,
Quảng Trị là phụ thân quê,
Anh tới đây quyết ở không về.
Bao giờ bông hường đã mở nhuỵ, anh mới về quê anh.
-Thôi thôi, chàng lui chân nhớm gót ra về,
Kẻo thế gian đồn đại thiếp say mê với chàng.
-Anh mà lui chân nhớm gót khỏi cươi,
Em có lạng vàng cũng khó được, tiếng cười cũng không.
-Ơn thầy, nghĩa mẹ đang còn nặng lắm, anh ơi!
Nghĩa phu thê sớm muộn, nhờ Trời,

Tiết thanh xuân em hãy còn đua nở, chẳng muộn thời anh lo.

2.3. Tiền bạc, chức tước, danh vọng đối với người đàn bà cũng không quan trọng bằng tình nghĩa và hiếu đạo.

Em không phải người thương đào phụ liễu,
Em không phải người thương nhiễu, phụ lương.
Em không thương anh lắm ruộng nhiều vườn,
Thương vì ý ở biết kính nhường mẹ cha.
Phải duyên phải nợ thì theo,
Không phải duyên nợ vàng đeo mặc vàng.
Dầu mà anh có nên quan,
Hiển vinh mình bạn, đây nàng cũng không.
Em kiếm nơi mô có tình nghĩa vợ chồng

Ơn cha nghĩa mẹ đạo đồng em theo.

2.4. Không những người con gái khuyên răn người yêu phải hiếu đạo đối với cha mẹ của chàng cũng như đối với cha mẹ của mình mà chính người con gái, thay vì người con trai — như yêu cầu của Khổng giáo–là người thi hành đạo hiếu đối với cha mẹ, một điều mà Khổng giáo không hề đòi hỏi, nhất là khi người con gái đã đến tuổi lấy chồng. Và đặc biệt là hiếu đạo ở đây phát xuất, không phải từ ý niệm bổn phận có tính cách công thức, mà từ tình yêu thương sâu đậm và chân thành đối cha mẹ. Thuý Kiều*, một thiếu nữ khuê các trong tuyệt tác văn chương của Nguyển Du, là một trường hợp điển hình của thực tế này.

Quyết tình nàng mới hạ tình:
“Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha.”

Trong lãnh vực hiếu đạo, người đàn bà bình dân cũng không khác gì người thiếu nữ khuê các:

Tới nơi đây lỡ chợ, lỡ đò,
Xẻo cẳng tay nuôi mẹ, giả thịt bò mẹ xơi.
Mẹ thương con, sa rơi nước mắt,
Nghĩ tới dâu hiền ruột thắt tận da.

Thôi hỡi con ơi, cháo rau cho qua bữa, thịt với thà làm chi.

Và hiếu đạo này có nguồn gốc từ tình thương, chứ không phải chỉ vì yêu sách của Khổng giáo:

Chim còn mến cội mến cành,

Anh cũng biết cho em còn mến nghĩa sanh thành mẹ cha.

Ai bưng bầu rượu đến đó,
Phải chịu khó bưng về.

Em đang lo hầu thầy mẹ cho tròn hiếu trung.

Áo gài năm nút hở bâu,
Em còn cha mẹ dám đâu tự tình.
Bông ngâu rụng xuống cội ngâu,
Em còn phụ mẫu dám đâu tự tình.
Ngọc còn ẩn bóng cây ngâu,
Em đang tùng phụ mẫu, dám đâu tự tình.
Bất tham sanh hề cô huý tử,
Anh có hoang đàng, em giữ hiếu trung.
Chỉ còn đương nối trong cuồng,
Em còn phụ mẫu, luông tuồng sao nên.
Khoan khoan chờ đợi em cùng,

Em còn hai chữ hiếu trung chưa đền.

Em không lấy chồng thì thua chúng kém bạn,
Em ra lấy chồng thì không đành đoạn với anh.
Em cũng muốn lấy chồng kịp lúc xuân xanh,
Vì mẹ già em dại, nên em đành ở ri.
  1. Đối tượng của hiếu đạo rõ nét nhất thường là người mẹ. Dĩ nhiên là cả cha lẫn mẹ đều được nhắc đến trong ý hướng cũng như thực hành hiếu đạo. Tuy nhiên, người đàn bà nhắc đến mẹ nhiều hơn. Có lẽ đời sống của người đàn bà nặng tình cảm và dễ dàng cảm thông, gắn bó với sự gần gũi, nuôi dưỡng, săn sóc, vỗ về, lo lắng, và những công lao, hy sinh hằng ngày của người mẹ cho con. Do đó tình cảm nghiêng hẳn về phía người mẹ hơn là phía người cha. Hơn nữa, người cha thường lo công việc bên ngoài nên ít gần gũi con cái.
Thiếp đà đòn gánh đôi quang,
Bán buôn nuôi mẹ, chàng sang mặc chàng.
Xách nón theo anh, nam thanh nữ tú,
Bỏ chút mẹ già, vượn hú, chim kêu.
Vượn hú, chim kêu, sao không sợ tội,
Bỏ chút mẹ già, lặn lội theo ai?
Đèo nào cao bằng đèo châu Đốc,
Đất nào dốc bằng dốc Nam Vang.
Một tiếng anh than, hai hàng luỵ nhỏ,
Có chút mẹ già biết bỏ cho ai?
Con cá đối nằm trong cối đá,
Con chim đa đa đậu nhánh đa đa.
Anh khuyên em đừng lấy chồng xa,
Lỡ khi cha yếu mẹ già
Cơm canh ai nấu, mẹ già ai trông?
Xin anh đi học cho ngoan,
Để em dệt cửi kiếm quan tiền dài.
Quan tiền dài em ngắt làm đôi,
Nửa thì giấy bút, nửa nuôi mẹ già.
Mẹ già là mẹ già anh,
Một ngày hai bửa, cơm canh mẹ già.
Bát cơm em nấu như hoa,
Bát canh em nấu như là mật ong.
Nước mắm, em lọc cho trong,

Mâm cơm em dọn tựa dòng cơm quan.

Một lo đứng cửa trông ra,
Hai lo đi lấy chồng xa nước người.
Ba lo sợ chị em cười,
Bốn lo đi ngược về xuôi sao đành.
Năm lo lúc tử lúc sinh,
Sáu lo con gái, một mình đường xa.
Bảy lo nhớ cửa nhớ nhà,
Tám lo còn chút mẹ già ai nuôi.
Chín lo em thiệt cả mười,
Để em kiếm lối tìm nơi đi về.
Một lo nhớ phượng nhớ loan,
Hai lo con gái đang xoan lỡ thì.
Ba lo phụ mẫu một bề,
Bốn lo em chửa lấy gì được yên.
Năm lo em hãy còn phiền,
Sáu lo em chửa được yên cửa nhà.
Bảy lo em lấy chồng xa,
Tám lo em để mẹ già anh nuôi.
Chín lo đồng đất nước người,
Mười lo đi ngược về xuôi một mình.
Đi đâu mà bỏ mẹ già,
Gối riêng ai sửa, chén trà ai nâng.
Mẹ già đầu bạc, tuổi cao,
Phận em con gái, thơ đào long đong.
Anh đã có vợ con chưa,
Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào.
Mẹ già anh để nơi nao,
Để em tìm vào hầu hạ thay anh.
  1. Và để có thể tiếp tục thi hành hiếu đạo, người đàn bà thườngao ước được lấy chồng gần nhà để có thể dễ dàng tiếp tục lui tới phụng dưỡng mẹ cha.
Má ơi đừng gả con xa,
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.
Têm trầu mà giắt mái rui,
Cúi đầu lạy mẹ làm sui chỗ gần.
Một lo em lấy chồng xa,
Hai lo em để bác mẹ già cho ai.
Em ra lấy chồng cách một cái phá,
Nên chi phải chịu hai chữ ly hương.
Nay đã cách trở đôi phương,
Thầy mẹ ở nhà đắng cơm, nghẹn nước.
Con cá đối năm trên cối đá,
Con chim đa đa đậu nhánh đa đa.
Chồng gần không lấy, lấy chồng xa,
Một mai cha yếu, mẹ già,
Chén cơm ai xới, kỷ trà ai dâng?
Rau é mọc lộn với rau tần,
Thuyền rời bến đã xa, bậu nói còn gần.
Chồng gần bậu không lấy, bậu lấy chồng xa.
Một mai cha yếu mẹ già,
Bát cơm ai đỡ, kỷ trà ai nưng?
Chim đa đa đậu nhánh đa đa,
Chồng gần không lấy, đi lấy chồng xa.
Mai sau cha yếu, mẹ già,
Chén cơm ai bới, bộ kỷ trà ai dâng?
Con cá đối nằm trên cối đá,
Con chim đa đậu nhánh đa đa.
Chồng gần bậu không lấy, bậu lấy chồng xa.
Mai sau cha yếu, mẹ già,
Chén cơm, bát nước, bộ kỷ trà ai bưng?
Chim đa đa đậu nhánh đa đa,
Chồng gần không lấy, lại lấy chồng xa.
Mai sau cha yếu mẹ già,

Bát cơm, đôi đũa, kỷ trà ai nâng?

Đa đa đậu nhánh đa đa,
Chồng gần không lấy, em lấy chồng xa.
Một mai cha yếu, mẹ già,

Bát cơm ai đỡ, chén trà ai dâng.

  1. Sự giằng co giữa tình và hiếu: Khổng giáo chính thống đặt nặng trách nhiệm hiếu thảo lên vai người con trai đầu lòng và đòi hỏi người con trai phải xem nhẹ tình yêu đôi lứa hơn là hiếu đạo. Đây là một yêu sách có tích cách công thức bất khả nhượng của Khổng giáo, không xét đến tính nhân bản của tình yêu đôilứa cũng như không xét đến vị trí và thân phận đáng trân quý và tôn trọng của người đàn bà. Người bình dân Việt Nam đã chất vấn phạm trù này.

5.1. Tính bất khả nhượng của yêu sách này rất rõ nét trong quan niệm

Đạo mẹ cha mất là khó kiếm,
Đạo vợ chồng chẳng hiếm chi nơi.

Mất mẹ mất cha thật là khó kiếm, chớ đạo vợ chồng chẳng thiếu gì nơi.

Bình phong cẩm ốc xà cừ,
Vợ hư để vợ, đừng từ mẹ cha.
Mất mẹ, mất cha, thật là khó kiếm.
Chớ điệu vợ chồng, không hiếm gì nơi.
Sông mô trong bằng sông An Cựu,
Hói mô quanh co bằng hói Châu Ê.
Công bất thành, duyên bất toại, anh xách nón ra về,

Mất thầy, mất mẹ, khó kiếm, chớ đạo nghĩa phu thê thiếu gì.

5.2. Người bình dân không đối kháng quan niệm hiếu mà chỉ phản ánh sự giằng co giữa tình và hiếu,không phải như là một sự giằng co giữa bổn phận và tình yêu, nhưng là một sự giằng co giữa hai sức mạnh của hai thứ tình yêu khác nhau như là một thực tại hiện sinh.

Chim kêu ải Bắc, Non Tần,
Nửa phần thương mẹ, nửa phần thương em.
Khăn xanh có ví hai đầu,
Nửa thương cha mẹ, nửa sầu căn duyên.
Lênh đênh nửa nước nửa dầu,
Nửa thương cha mẹ, nửa sầu căn duyên.
Lăm le muốn nhảy qua mương,
Nhảy thời đặng đó, còn thương mẹ già.
Một mình đứng giữa trung ương,
Bên tình bên nghĩa, biết thương bên nào.
Đặng chữ trung, bất tùng chữ hiếu.
Đăng chữ tam tòng, thất hiếu mẹ cha.
Thương nhau, nước mắt không khô,

Can trường đạo nghĩa biết chừng mô, bạn hè!

Đèo nào cao bằng đèo Châu Đốc,
Đất nào cao bằng dốc Nam Vang.
Một tiếng anh than, hai hàng luỵ nhỏ.
Anh có một mẹ già biết bỏ ai nuôi?
Nước chảy xuôi, con cá buôi lội ngược,
Anh muốn thương nàng, biết được hay chăng.
Một mình liệu bảy lo ba,
Lo trung, lo hiếu, lo già thiệt thân.
Đoạn sầu mình, dễ thở, dễ than,
Sầu tôi khác thể, nhan tàn đêm khuya.
Buồn rầu muốn bỏ ra đi,
Sợ e thất hiếu, lỗi khi sinh thành.
Dứt đi thì dạ không đành,
Mà xa nhân ngãi như chỉ mành thắt gan.
Xách nón theo anh, bỏ mẹ sao đành,
Tấm rách ai vá, tấm lành ai may?
Vì trăng cho sóng bạc đầu,
Vì cha, vì mẹ, em phải ra màu thờ ơ.
Một tiếng em than, hai hàng luỵ nhỏ,
Em có mẹ già, biết bỏ cho ai?
Mưa sa nhỏ giọt đọt mi,
Có đôi không nói tiếng gì tôi hay.
Mình thương tôi đừng vội bắt tay,
Miệng thế gian ngôn dực, phụ mẫu hay rầy rà.
Mưa sa nhỏ giọt bông cà,

Làm sao cho đặng phụ mẫu già nuôi chung.

Xuống sông ôm đá trầm mình,
Sao em lại ở bạc tình với anh?
-Em nào dám cãi mẹ cha,
Theo anh, sợ nỗi người ta chê cười.
-Sống sao cho đặng với người,
Miễn loan gần phụng, ai cười mặc ai.
Nhớ hồi mẹ đẻ thiếp ra,
Nhai cơm, sún nước, lớn là chừng ni.
Nghe lời chàng, bỏ mẹ đi,
Thất hiếu với phụ mẫu, có hề chi không, hưở chàng?
Không nghe anh thì lỗi đạo tam tùng,
Nghe anh thì thất hiếu thất trung với mẹ thầy.
Anh không nghe thân phụ, sợ thất hiếu với thân phụ.
Nghe thân phụ thì thất hẹn với hiền thê.
Vì chưng anh mắc lấy đôi bề,
Thiếp có thương thì ơn thiếp, thiếp có chê cũng bằng lòng.
Niềm kim thạch, nghĩa cù lao,
Bên tình, bên hiếu, ở sao cho tuyền.
Đôi ta như quế trong ngăn,
Mở ra, thơm ngát, băn khoăn dạ sầu.
Thương mãi, nhớ lâu
Là mùi quế ấy.
Đưa tay nâng lấy,
Bày ra rõ ràng:
Lòng em thương anh
Chân thay yểu điệu
Còn chút mẹ già
Báo hiếu nghĩa thơ
Em tiếc công anh trăm đợi ngàn chờ

Vì ai bẻ khoá lìa tơ cho đành!

5.2. Trong cuộc giằng co này, có lúc tình yêu đối với cha mẹ đã chiếm ưu thế.Và ưu thế của hiếu đạo ở đây cũng không phải do sự vâng phục yêu cầu của Khổng giáo vì Khổng giáo chỉ đòi hỏi người đàn bà phục tòng người cha khi chưa lấy chồng, chứ không đòi hỏi người đàn bà phải ở độc thân để phụng dưỡng cha mẹ già. Đó là bổn phận của người con trai. Quyết định không lấy chồng để phụng dưỡng cha mẹ già rõ ràng là một sự tình nguyện phát xuất từ tình yêu thương đối với cha mẹ.

Cải lên ba lá ngất ngồng,
Ở vậy nuôi mẹ, lấy chồng mần chi.
Cải non ai lại ngứt nhồng,
Em nuôi thầy mẹ, lấy chồng bao lâu.
Chàng ơi! Ơn thầy ba năm cúc dục,
Nghĩa mẹ chín tháng cù lao.
Ai đền ơn cho thiếp mà nhủ thiếp trao ân tình.
Ơn hoài thai như biển,
Ngãi dưỡng dục tợ sông.
Em nguyền ở vậy phòng không,
Lo đàng cha mẹ cho hết lòng phận con.
Cha mẹ tóc bạc da mồi,
Ơn thâm em đền bồi không phỉ.
-Ơn cha rộng thinh thình như biển,
Nghĩa mẹ sâu thăm thẳm tựa sông.
Thương cho thân em là gái chưa chồng,
Mà lắm điều cực nhọc , não lòng thế ni.
-Công sanh dục bằng công tạo hoá.
Có cha mẹ, sau mới có chồng.
Em nhớ khi dìu dắt ẵm bồng,
Cho nên ngày nay, dẫu thiên lao, vạn khổ, em cũng vui lòng chẳng than.
Đôi ta như bộ con cờ,
Trước ơn cha mẹ, sau nhờ phận duyên.
Giã chàng cho thiếp hồi hương,
Kẻo cha mẹ thiếp trăm đường ai bi.
Văn kì thanh bất kiến kì hình,
Mặt chưa thấy mặt mà tình đã thương.
-Giã chàng chi thiếp hồi hương,

Kẻo cha mẹ thiếp trăm đường chờ mong.

5.3. Nhưng trong lãnh vực tình yêu đôi lứa, số lượng những câu ca dao, tục ngữ biểu lộ tình yêu thắng lướt hiếu đạo hay ít nhất là phản ánh một sự đối kháng tính câu thúc của đòi hỏi khắt khe của Khổng giáo trong lãnh vực hiếu đạo, nhiều gấp ba lần số câu chỉ dấu hiếu đạo thắng lướt tình yêu lứa đôi.

Mẹ cha bú mớm nâng niu,

Tội trời thì chịu, không yêu bằng chồng

Cha mẹ bú mớm nâng niu,
Tội trời thì chịu, không yêu bằng chồng.
Mẹ cho bú mớm nâng niu,
Tội Trời thì chịu, không yêu bằng chồng.
Mình ơi! Tôi nhớ thương mình,
Mẹ cha chửi mắng, chữ tình nặng thêm.
Không men mấy thưở rượu nồng,
Bên mô cũng trọng, nghĩa chồng trọng hơn.
Tay đeo khăn gói qua sông,
Mẹ ôi! Lạy mẹ. Thương chồng phải theo.
Lạy mẹ cha, con đà lỗi đạo,

Biết ngày nào trả thảo mẹ cha.

Vai mang khăn gói sang sông,
Mẹ kêu mặc mẹ, thương chồng phải theo.
Ai kêu, ai hú bên sông,
Mẹ kêu con dạ, có chồng phải theo.
Tay mang khăn gói sang sông,
Mẹ gọi mặc mẹ, theo chồng cứ theo.
Thuyền đồng trở lái về đông,
Con đi theo chồng để mẹ cho ai?
Mẹ già đã có con trai,
Con là phận gái dám sai chữ tòng.
Chỉ thề nước biết non xanh,
Theo nhau cho trọn, tử sanh cũng đành.
Mẹ cha mà có hành thân,
Tôi nguyền bán tảo, buôn tần nuôi anh.
Đêm nằm ở dưới bóng trăng,
Thương cha, nhớ mẹ, không bằng nhớ em.
Mẹ cho bú mớm nâng niu,
Tội Trời thì chịu, không yêu bằng chồng.
Con ông Đô-đốc, Quận-công,
Lấy chồng cũng phải kêu chồng bằng anh.
Chiếc thuyền không đỗ bến Giang Đình,
Ta nay chỉ quyết lấy mình mà thôi.
Cây khô kia khá dễ mọc chồi,
Bác mẹ già chưa dễ có ở đời với ta.
Con dao vàng cắt miếng giò hoa.
Cái cò, cái vạc, cái nông,
Cùng ăn một đồng, nói chuyện giăng ca.
Muối kia đổ ruột con gà,
Mẹ mình chẳng xót bằng ta xót mình.
Thương cha, thương mẹ, có khi,
Thương em lúc đứng, lúc đi, lúc ngồi.
Thương cha, thương mẹ, có hồi.
Thương em, lúc đứng, lúc ngồi cũng thương.
Thuyền bồng trở lái về đông,
Con đi theo chồng, để mẹ cho ai?
-Mẹ già đã có con trai,
Con là phận gái dám sai chữ tòng.
Chỉ thề nước thẳm non xanh,
Theo nhau cho trọn, tử sanh cũng đành.
Trời cao, bể rộng mông mênh,

Ở sao cho trọn tấm tình phu thê.

Một em nói rằng thương,
Hai em nói rằng nhớ,
Ba là tình chồng,
Bốn là nghĩa vợ,
Năm là đức cù lao,
Mặc ai sớm tối ra vào,
Bạn về ta nhớ bạn, nước mắt trào như mưa.
Ngày ngày ăn bát cơm rang,
Ăn con tép mại, dạ càng long đong.
Chim sầu cất cánh bay rong,
Em nhớ nhân ngãi dốc lòng ra đi.
Chàng đừng trách em ăn ở bất nghì,
Cha cầm, mẹ giữ, chẳng đi được nào.
Chàng đi vực thẳm non cao,
Em mong tìm vào đến núi Tản Viên.
Bao giờ lỡ núi Tản Viên,
Cạn sông Tô Lịch thiếp mới quên lời chàng.
Tay cầm tấm mía tiện tư,
Nửa thời nấu mật, nữa dư nấu đường.
Em thương, thầy mẹ chẳng thương,
Nào em có quản quê hương xa gần.
Rượu ngon, rót lấy chín tuần,
Lòng em đã quyết, mười phân lấy chàng.
Thiếp liều mình thiếp như Bá Di, Thúc Tề
“bất thực Châu gia đạo vận vạn bang.”
Ví dù thầy mẹ phụ khó, tham sang,
Thiếp liều thân thiếp cho trọn với chàng một đôi.
Ví dầu cha mẹ không ưng,
Đèn chai nhỏ nhựa, em cùng lăn vô.
Ghe bầu trở lái về đông,
Con gái theo chồng bỏ mẹ ai nuôi?
-Mẹ tôi đã được người nuôi,
Tôi thương chú lái, tôi xuôi một bề.
Tam Quan ngọt nước dừa xiêm,

Cha từ, mẹ bỏ vẫn tìm theo anh.

Ví dù cha đánh, mẹ treo,
Đứt dây té xuống, em theo tới cùng.
Mặc dầu cha đánh, mẹ treo,
Đứt dây, té xuống, cũng theo chung tình.
Thương cha, thương mẹ có hồi,
Thương anh, lúc đứng, lúc ngồi cũng thương.
Thương nhau, cắp quách nhau đi,
Công cha, nghĩa mẹ, sau thì hãy hay.
Vì em không dám phụ nghĩa tào khương

Cho nên em phải lỗi với thung đường, anh biết không?

Cũng vì chỉ vấn tơ vương,
Cho nên lỗi với thung đường mẹ cha.

5.4. Trong tâm lý giằng co giữa tình thương cha mẹ và tình yêu lứa đôi, không những tình yêu đôi lứa đã tỏ ra là đã chiếm được vị thế ưu tiên, người bình dân còn đòi hỏi tình yêu có một chỗ đứng quan trọng, nếu không hơn, thì ít nhất cũng ngang bằng so với hiếu đạo.

Chữ Trung, chữ Hiếu, Chữ Hoà,
Hỏi trong ba chữ, thờ cha chữ nào?
Chữ Trung thì để thờ cha,
Chữ Hiếu thờ mẹ, chữ Hoà thờ anh.
Nhà anh cách đây, nhà em cách đó,
Cách đây, cách đó, cách chẳng bao xa.
Đi đâu, chẳng ghé lại nhà,
Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em.
Mình về, ta chẳng cho về,
Ta nắm lấy áo, ta đề câu thơ.
Câu thơ ba chữ rành rành,
Chữ “trung”, chữ “hiếu”, chữ “tình” là ba.
Chữ “trung” thì để phần cha,
Chữ “hiếu” phần mẹ, đôi ta chữ “tình”
Thờ cha kính mẹ đã đành,
Theo đôi theo lứa mới thành thất gia.
Mình giữ chữ trung, hiếu, còn thiếu chữ ân tình,
Đạo chồng, nghĩa vợ, sao mình vội vong.
Làm thơ giấy trắng, cẩn phong,
Tình thương, nghĩa nhớ ở trong thơ này.
Xem thơ nước mắt nhỏ đầy,
Thương tui đừng gởi thư này làm chi.
Nhện giăng trướng án bổ vi,
Hai đứa mình chồng vợ, sợ chi tiếng đồn.
Chí hiếu, chí trung, chí đễ.
Thầy mẹ mà thương rể thì bế đến con.
Hai ta đủ mặt vuông tròn,
Thảo ngay ai trước, tiếng còn lưu đây.
Tay anh cầm bút ngọc hoà châu,
Đề vô trong áo bậu bốn câu ân tình.
Một câu phân với nữ trinh,
Ơn cha, nghĩa mẹ, cho trọn tình hiếu trung.
Hai câu ta phân với anh hùng,
Đào sâu, cuốc chín, ăn chung ở đời.
Ba câu anh nói, em phải nghe lời,
Đừng nghe lời thá sự, đổi dời duyên ta.
Bốn câu nuôi chút mẹ già,
Tình chồng, nghĩa vợ, mẹ với cha, đền bồi.
Đêm khuya nước mắt ròng ròng,
Vì tôi nhớ chữ lan phòng còn xa.
Làm sao hiệp mặt đôi ta,
Đặng tôi báo hiếu mẹ với cha bên mình.
Giàu như nậu, sáng cơm chiều cá,
Nghèo như em, sáng rổ rau má, chiều trã cua đồng.

Ơn cha không bỏ, nghĩa chồng không quên.

Mẹ già hai đứa nuôi chung,
Đứa lo cơm cháo, đứa giùm thuốc thang.
Thuốc thang, thang thuốc bỏ gừng,
Ta không bỏ bạn, bạn đừng bỏ ta.
Mẹ già là mẹ già chung,
Anh lo thang thuốc, em giùm cháo cơm.
-Thiếp đố chàng hai chữ chi mà bỏ xuống đất,
Hai chữ chi mà cất lên tra,
Hai chữ chi mà phượng tha không nổi,
Hai chữ chi mà gió thổi không bay.
Trai nam nhơn chàng đối đặng, thiếp đây theo cùng.
-Hai chữ tiền tài anh bỏ xuống đất,
Hai chữ nhân nghĩa anh cất lên tra,
Hai chữ nhớ thương phượng tha không nổi,
Chữ tình chữ hiếu gió thổi không bay.
Trai nam nhơn anh đà dối đặng, gái em rày tính răng?

 

 IV. TỔNG KẾT

Hiếu đạo qua lối sống của người Việt không phải là sự phản ánh của một công thức khô cằn của những giáo điều Khổng giáo, không phải chỉ là một bổn phận, mà chính yếu là một phản ứng tự nhiên của tình thương bắt gốc từ sự cảm nhận sâu sắc tình thương bao la của cha mẹ, sự khó nhọc và hy sinh của cha mẹ đã sinh thành, chăm lo, bảo vệ, nuôi dưỡng, và dạy dỗ con từ bé cho đến ngày khôn lớn.

Phản ứng đó được thể hiện qua sự biết ơn và đền ơn bằng tình thương dưới hình thức kính trọng, vâng lời cha mẹ, chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già, yếu. Khi cha mẹ đã mất thì lo xây lăng, đắp mộ, và lo việc cúng giỗ để tỏ lòng nhớ thương cha mẹ.

Khi nói đến những hành vi hiếu đạo như thế, thoạt tiên người ta sẽ không nhìn thấy sự khác biệt giữa những giáo điều của Khổng giáo về đạo hiếu và những nét đặc thù của văn hoá dân tộc Việt. Nhưng nếu quan sát kỹ, người ta sẽ nhận thấy những khác biệt nền tảng rất rõ nét.

Điểm khác biệt nổi bật nhất là, theo Khổng giáo, hiếu đạo là bổn phận của người con trai. Nhưng qua hằng trăm ngàn câu ca dao, tục ngữ, những truyện cổ tích, người ta thấy rất ít khi người con trai nhắc đến hiếu đạo. Nếu người con trai có nhắc đến hiếu đạo thì hoặc là chỉ nói theo người đàn bà, hay là giới sĩ phu thường mơ tưởng đến ngày đỗ đạt, công thành, danh toại rồi mới thực hành hiếu đạo. Điều này chứng tỏ: một là giới sĩ phu có khuynh hướng trì hoãn hoặc ít thực hành hiếu đạo mà chỉ giao khoán công việc này cho người đàn bà, hai là họ quá chú trọng đến hình thức lễ nghi mà không chú trọng đến điểm cốt yếu của hiếu đạo là tình thương, điều mà người bình dân, nhất là giới phụ nữ hết sức chú trọng. Hình thức, mặc dù quan trọng, nhưng không quan trọng bằng tình thương. Do đó, đối với đại đa số người dân Việt thì chăm lo, phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ còng sống mới là quan trọng và họ phản đối sự quá chú trọng vào lễ nghi khi cha mẹ đã qua đời.

Sống thì con không cho ăn,

Chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi.

Sống thì chẳng cho ăn nào,

Chết thì cúng giỗ mâm cao, cỗ đầy.

Sống thì chẳng có ai hay,
Đến khi chết xuống làm chay mới làng.

 

Điểm khác biệt nổi bật thứ hai là Khổng giáo giáo điều không hề đề cập đến bổn phận hiếu đạo của người con gái đối với cha mẹ, nhất là khi người con gái đã đến tuổi lấy chồng thì phải theo chồng và phục vụ nhà chồng, chứ không bao giờ đòi hỏi người đàn bà phải từ chối hôn nhân để phụng dưỡng cha mẹ mình. Trong thực tế cuộc sống của người bình dân Việt Nam, người đàn bà tự nguyện nhận lãnh trách nhiệm hiếu đạo đối với cha mẹ, ngay cả khi đến tuổi yêu đương hay lấy chồng mà cha mẹ già yếu, không người chăm nom thì vẫn cảm thấy ray rứt tình cảm, không đành lòng rời bỏ mẹ cha. Rất nhiều trường hợp, vì tình thương đối với cha mẹ, người đàn bà đã hy sinh tình yêu đôi lứa.

Lăm le muốn nhảy qua mương,

Nhảy thời đặng đó, còn thương mẹ già.

Em cũng muốn lấy chồng kịp lúc xuân xanh,

Vì mẹ già em dại, nên em đành ở ri.

Cải lên ba lá ngất ngồng,
Ở vậy nuôi mẹ, lấy chồng mần chi.

Một đặc thù khác là người bình dân Việt, nhất là người đàn bà Việt, thực hành hiếu đạo như là một biểu hiện của sự biết ơn và của tình thương sâu sắc đối với cha mẹ, chứ không phải chỉ đơn thuần như là một bổn phận phải đền đáp lại công ơn.

Vẳng nghe chim vịt kêu chiều,

Bâng khuâng nhớ mẹ, chín chiều ruột đau.

Ra về nỏ có chi đưa,
Có đôi câu tình nghĩa nhắn về thưa mẹ thầy.

 

Người ta có thể phản biện là hai mươi bốn (24) tấm gương sáng trong Nhị Thập Tứ Hiếu không nói lên tình yêu đối với cha mẹ hay sao. Đúng là những nhân vật nêu lên trong Nhị Thập Tứ Hiếu đã làm những việc đòi hỏi nhiều hy sinh cho cha mẹ; những việc làm này có thể chứng tỏ đó là tình yêu thương đối với cha mẹ, nhưng cũng có thể chứng tỏ đó chỉ là hành động chu toàn bổn phận hiếu đạo một cách chu đáo, gương mẫu mà thôi. Hơn nữa 24 gương sáng này tiêu biểu cho Khổng giáo giáo điều vì trong 24 trường hợp thì có đến 22 trường hợp vinh danh người đàn ông; chỉ 2 trường hợp nói về người đàn bà và hai người đàn bà này cũng chỉ hiếu đạo đối với cha mẹ chồng, theo khuôn mẫu của Khổng giáo giáo điều. Người ta không thấy trường hợp nào vinh danh người phụ nữ hiếu đạo với cha mẹ mình như rất nhiều trường hợp đã được thể hiện qua văn chương bình dân Việt Nam. Trong Nhị Thập Tứ Hiếu, Trường hợp Đường thị nuôi mẹ chồng bằng sữa mình vì mẹ chồng già nua không còn răng để ăn uống bình thường được. Trường hợp Khương thị thì phải đi gánh nước đường xa cho mẹ chồng uống, bắt cá ở xa cho mẹ chồng ăn, và mời hàng xóm giúp vui cho bà. Trường hợp Đường phu nhân thật ra không hẳn là một vinh danh vì trong phong tục của người Tàu, những gia đình giàu có thường mướn những người đàn bà nghèo khổ vừa có con dùng sữa của họ để nuôi sống cha già của mình. Trường hợp Khương thị có thể chỉ là một huyền thoại hoặc cố ý thêm bớt, vì câu chuyện kết thúc là sau khi Khương thị khổ cực gánh nước đường xa nhiều lần thì tự nhiên xuất hiện một suối nước ngọt ngay cạnh nhà có đầy cá tươi. Điển Khương thị, do đó, mang sắc thái của một cấu trúc rất khiên cưỡng. Nhị Thập Tứ Hiếu được Quách Cư Nghiệp sưu tầm và viết ra vào khoảng đời nhà Nguyên (1260-1369) với mục đích nêu lên những tấm gương sáng hiếu đạo. Tuy nhiên, tài liệu này cũng chỉ khẳng định giáo điều về bổn phận hiếu đạo của người con trai và xem nhẹ vai trò của người phụ nữ.

Để đối kháng lại tính võ đoán và giáo điều này của Khổng giáo, người phụ nữ Việt Nam đã chứng minh là người con gái cũng hiếu đạo đối với cha mẹ của mình và bao giờ cha mẹ còn cần đến sự giúp đỡ, phụng dưỡng, nhất là khi cha mẹ đã già, yếu mà không có người chăm lo thì đã có nhiều trường hợp người con gái tình nguyện từ chối tình yêu đôi lứa và hôn nhân để phụng dưỡng cha mẹ. Trong trường hợp người con gái đi lấy chồng thì lúc nào cũng ao ước được lấy chồng gần nhà để có thể tiếp tục lui tới giúp đỡ, phụng dưỡng mẹ cha.

Không những người phụ nữ tình nguyện nhận lãnh trách nhiệm hiếu đạo đối với cha mẹ mình mà còn yêu cầu người mình yêu phải hiếu đạo với cha mẹ của mình như là một điều kiện của hôn nhân. Trong lúc Khổng giáo chỉ đòi hỏi người con trai phải hiếu đạo đối với cha mẹ mình mà không hề đề cập đến việc người đàn ông phải hiếu đạo đối với cha mẹ của vợ mình, thì việc người đàn bà đặt điều kiện như thế là một sự đối kháng mạnh mẽ tinh thần “trọng nam, khinh nữ” (đặt nặng vai trò con trai, và xem nhẹ vai trò con gái), đồng thời khẳng định một sự công bằng hợp lý.

Ba mươi anh không đi Tết,
Mồng một anh không tới lạy giường thờ.
Hiếu trung chi anh nữa mà biểu em chờ cho uổng công.
Gặp anh đây, em hỏi giao hoà,
Thương em, anh có tưởng đến mẹ già em không?
Tay chém tay sao nỡ,
Ruột cắt ruột sao đành.
Lời thề nước biết non xanh.
Ở sao cho trọn đạo sinh thành,

Thời em mới dám kết duyên lành với anh.

Quan điểm về chữ “tòng” qua hình thức vâng lời cũng bị người Việt chất vấn. Đành là hầu như người Việt nào cũng đồng ý là con cái khi còn nhỏ phải vâng lời cha mẹ.

Cá không ăn muối cá ươn
Con không vâng lời cha mẹ trăm đường con hư

 

Nhưng đối với người phụ nữ đến tuổi lấy chồng mà cha mẹ toàn quyền quyết định hôn nhân là một điều không hợp lý. Qua văn chương bình dân, người ta thấy lý do cha mẹ phản đối thường là vì tham tiền, tham bạc, tham danh vọng, chứ không phải vì lý do hạnh kiểm hay tình yêu của người đàn ông đối với con gái mình. Do đó, như chúng ta đã thấy, người đàn bà đã đối kháng một cách quyết liệt phạm trù áp đặt này.

Tam Quan ngọt nước dừa xiêm,
Cha từ, mẹ bỏ vẫn tìm theo anh.
Mình ơi! Tôi nhớ thương mình,
Mẹ cha chửi mắng, chữ tình nặng thêm.

Một điểm hết sức trội bật và hoàn toàn khác biệt với yêu cầu của Khổng giáo chính thống là hiếu đạo, theo Khổng giáo, chú trọng nhiều đến người cha. Ngược lại, đa số người bình dân Việt, mặc dù vẫn ca ngợi công đức của cha, nhưng luôn luôn đề cao tình thương và sự hy sinh của người mẹ và thường xuyên nói đến tình thương nhớ của mình đối với người mẹ. Đây không phải chỉ là một phản kháng lại sự bất công của một cấu trúc xã hội “trọng nam, khinh nữ” mà còn là một khẳng định công khai về công lao và sự hy sinh của người mẹ đối với con cái. Do đó, đối tượng của hiếu đạo không phải chỉ đối với người cha và gia đình người cha mà còn phải đối với mẹ  nữa.

Chim kêu dưới suối ao đàng,
Em còn chút mẹ, cậy chàng viếng thăm.
Thiếp đà đòn gánh đôi quang,
Bán buôn nuôi mẹ, chàng sang mặc chàng.
Đi đâu mà bỏ mẹ già,

Gối riêng ai sửa, chén trà ai nâng.

Mẹ già đầu bạc, tuổi cao,
Phận em con gái, thơ đào long đong.
 
Vẳng nghe chim vịt kêu chiều,
Bâng khuâng nhớ mẹ, chín chiều ruột đau.

Một điểm cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng là mặc dù Khổng giáo trao trách nhiệm hiếu đạo cho người con trai, nhưng trong thực tế, người con trai chỉ mang danh nghĩa hiếu đạo mà hiếm khi được thấy có những hành động thi hành hiếu đạo, ngoài hành động có tính cách nghi lễ. Người đàn bà, người dâu trong gia đình, mới chính là người thi hành tất cả những công việc hiếu đạo. Không biết trong xã hội xưa bên Tàu, đa số những người đàn ông có làm những công việc cực nhọc, hy sinh cho cha mẹ như trong các điển tích trong Nhị Thập Tứ Hiếu hay không. Chắc là không! Bởi vì thứ nhất, nếu đa số người Tàu thực hiện những điều này thì đã không cần phải có Nhị thập Tứ Hiếu; thứ hai là trong một xã hội chỉ “trọng nam” thì người đàn ông luôn luôn sử dụng uy thế của mình để trao công việc nặng nhọc cho người đàn bà. Không những thế, người đàn ông trong bối cảnh văn hoá Việt còn thường bê trễ trong công việc hiếu đạo đến nỗi người đàn bà phải thường xuyên nhắc nhở người đàn ông phải hiếu đạo.

Công ơn thầy mẹ, em không đền được,
Giao cho anh đền thế:
Ra Thanh bổ quế,
Vào Nghệ bổ sâm,
Lên non ngậm ngãi tìm trầm,
Đền ơn phụ mẫu đã lao tâm sinh thành.
Anh về báo nghĩa sinh thành,
Chừng nào bóng xế, rủ mành sẽ hay.

Người phụ nữ Việt Nam đã đối kháng lối hành sử độc đoán của người đàn ông hoàn toàn giao khoán cho người đàn bà một thân một mình phải lo toan mọi công việc chăm nom, phụng dưỡng cha mẹ chồng lúc già, yếu cũng như lo chuẩn bị mọi công việc cúng giỗ trong gia đình chồng. Sự phản đối này là một tiếng chuông cảnh tỉnh người đàn ông phải thay đổi thái độ để cùng san sẻ với người vợ của mình những hành vi hiếu đạo đối với cha mẹ của mình cũng đối với cha mẹ của người mình đã từng thệ nguyện suốt đời chia bùi sẻ ngọt cũng như chia đắng nuốt cay. Đồng thời hành vi san sẻ này còn chứng tỏ quyết định đánh đổ sự bất công của ý thức hệ Khổng giáo dựa trên hệ thống hệ đẳng chứa đựng nhiều bất công và kỳ thị giới tính chối bỏ bao công lao và hy sinh của người người mẹ Việt Nam và không ít trường hợp chà đạp nhân vị của người phụ nữ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Anh, Vân. Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam. Hà Nội, Việt Nam: Nhà Xuất Bản Văn Học, 2015

Biền, Bửu. Câu Hò Tiếng Hát Xứ Huế. San José, CA, USA: An Tiêm Xuất Bản, 2002.

Hà, Ngọc. Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam. Hà Nội, Việt Nam: Nhà Xuất Bản Văn Học, 2015.

Hải, Phúc. Ca Dao Việt Nam Đặc Sắc. Việt Nam: Nhà Xuất Bản Thời Đại, 2014.

Hằng, Nguyễn Bích. Ca Dao Việt Nam. Việt Nam: Nhà Xuất Bản Hồng Đức, 26 tháng 1 năm 2015.

Hiếu, Vương Trung. Tục Ngữ Việt Nam Chọn Lọc, Tập I. Việt Nam: Nhà Xuất Bảm Miền Nam, (không có năm xuất bản)

Tục Ngữ Việt Nam Chọn Lọc, Tập II. Việt Nam: Nhà Xuất Bảm Miền Nam, (không có năm xuất bản)

Kính, Nguyễn Xuân; Phan Đăng Nhật; Phan Đăng Tài; Nguyễn Thuý Loan và Đặng Diệu Trang. Kho Tàng Ca Dao Người Việt. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Văn Hoá Thông Tin, 2002.

Kính, Nguyễn Xuân; Nguyễn Thuý Loan; Phan Lang Hương và Nguyễn Luân.  Kho Tàng Tục Ngữ Người Việt.  Hà Nội: Nhà Xuất Bản Văn Hoá Thông Tin, 2002.

______________, _________. Thi Ca Bình Dân Việt Nam II: Xã Hội Quan. Los Alamitos, Ca: Xuân Thu tái bản, (1970, năm viết xong tại Saigon, tái bản không có năm).

______________, _________. Thi Ca Bình Dân Việt Nam III: Vũ Trụ Quan. Los Alamitos, Ca: Xuân Thu tái bản, (1970, năm viết xong tại Saigon, tái bản không có năm).

_______________, _________. Thi Ca Bình Dân Việt Nam IV: Sinh Hoạt Thi Ca. Los

Alamitos, Ca: Xuân Thu tái bản, (1970, năm viết xong tại Saigon, tái bản không có năm).

Lân, Mã giang. Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam. Hà Nội, Việt Nam: Nhà Xuất Bản Văn Học, 2014.

Loan, Ngô Thanh và Nguyễn Tam Phù Sa. Thành Ngữ Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam. Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2006.

Long, Nguyễn Tấn và Phan Canh. Thi Ca Bình Dân Việt Nam I: Nhân Sinh Quan. Los Alamitos, Ca: Xuân Thu tái bản, (1969, năm viết xong tại Saigon, tái bản không có năm).

Ngọc, Nguyễn Văn. Tục Ngữ Phong Dao(Tái bản). Fort Smith, Ark: Sống Mới, 1978.

Nhóm Trí Thức Việt. Tục Ngữ Ca Dao Dân Ca Việt Nam. Hà Nội, Việt Nam: Nhà Xuất Bảm Văn Học, 2015.

Phan, Vũ Ngọc. Tục Ngữ, Ca Dao, Dân Ca Việt Nam(in lần thứ 11, có sửa chữa và bổ sung). Hà Nội, Việt Nam: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1998.

Phương, Thạch và Ngô Quang Hiền. Ca Dao Nam Trung Bộ(Tái bản lần thứ hai có sửa chữa). Việt Nam: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 12 tháng 4 năm 2002.

Sơn, Đặng Thiên. Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Dân Trí, 2016.

Thản, Đào. Ca Dao Hài Hước(Tái bản và có bổ sung). Việt Nam: Nhà Xuất Bản Văn Hoá Thông Tin, 8/2001

Thục, Nguyễn Đăng. Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, Tập 1-6(in lần thứ 2). Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1998.

Văn, Kiều. Tình Yêu Trong Ca Dao, Tục Ngữ, Dân Ca. Đồng Nai, Việt Nam: Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Đồng Nai, 2009

….

CƯỚC CHÚ:

*Thuý Kiều: Nguyễn Du viết Đoạn Trường Tân Thanh lấy cảm hứng từ Kim Vân Kiều Truyện của một tác giả người Tàu tên là Thanh Tâm Tài nhân. Kim Vân Kiều Truyệncủa Thanh Tâm Tài nhân có nguồn gốc từ Kí Tiểu Trừ Từ Hải bản mạt, một câu chuyện có thật, do Mao Khôn ghi lại, “được viết đi viết lại như Lý Thuý Kiều truyện của Đới Sĩ Lâm, Vương Thuý Kiều Truyện của Dư Hoài, v.v…” (Lê Hữu Mục, Phạm Thị Nhung, Đặng Quốc Cơ. Truyện Kiều với Tuổi Trẻ, Toronto, Canada: Làng Văn, 1998). Nội dung của những truyện này chủ yếu chỉ nói đến việc Thuý Kiều, một người đàn bà tài hoa bị Từ Hải, một tướng giặc phản loạn, bắt và yêu mến. Sau đó Thuý Kiều bị Hồ Tôn Hiến dụ dỗ để bắt Từ Hải giết đi. Sau khi bị bắt đánh đàn hầu rượu cho Hồ Tôn Hiến, Thuý Kiều lại bị ép buộc lấy một tù trưởng dân tộc thiểu số và Thuý Kiều đã nhảy xuống sông tự vẫn. Những ký sự này không hề nói đến việc Thuý Kiều bán mình chuộc cha. Thanh Tâm Tài nhân, một tác giả không tên tuổi trong nền văn học Trung Hoa, đã viết lại thành một tiểu thuyết dài 20 hồi khoảng cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, với chủ điểm là 15 năm lưu lạc, chìm nổi của Thuý Kiều, với nhiều tình tiết giống với Đoạn Trường Tân thanh của Nguyễn Du. Có giả thuyết (Đại Nam liệt truyện chính biên) cho rằng nhân đi sứ ở Trung Hoa năm 1813, Nguyễn Du bắt gặp tác phẩm Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài nhân, cảm khái hoàn cảnh của Thuý Kiều, đã sáng tác Đoạn Trường Tân Thanh. Ngoài tài văn chương tuyệt kỹ của Nguyễn Du, một địa hạt vượt quá giới hạn của một đoạn chú thích ngắn, độc giả cần lưu ý điểm chủ chốt của Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du là minh chứng thuyết “Tài Mệnh tương đố,”: “Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.”

Trong văn học Trung Hoa, người ta ít thấy tác giả nào nói đến chữ Hiếu của người đàn bà. Trường hợp Thuý Kiều là một trường hợp hi nữu, nhưng lại rất phù hợp với tâm lý người Việt, nhất là phụ nữ Việt luôn luôn tỏ lòng hiếu thảo bằng tình thương sâu sắc đối với cha mẹ. Do đó, người đàn bà Việt Nam rất yêu truyện Kiều. Rất nhiều phụ nữ Việt Nam chất phác thuộc làu truyện Kiều. Ngược lại, hầu như chẳng có người đàn ông bình dân Việt Nam nào thuộc làu được truyện Kiều cả.

Trần Minh Cường – Sưu tầm

Trả lời