Long Hưng – Vùng đất phát tích sáng nghiệp đế vương nhà Trần

Long Hưng chính là nguyên gốc nơi phát tích sáng nghiệp đế vương là tước hiệu vững chắc của cơ nghiệp nhà Trần kéo dài 14 đời vua trong gần hai thế kỷ XIII và XIV…

Chính mảnh đất Long Hưng được chọn để xây dựng hành cung nguy nga tráng lệ, nơi đặt tôn miếu lăng tẩm án táng các vị Thủy tổ, các vua và hoàng hậu đầu triều cùng nhiều trọng thần trong Hoàng tộc Trần.

Long Hưng  là chốn an nghỉ của những vị vua đầu triều Trần. Gần 800 năm trôi qua, lăng mộ các vị vua nhà Trần vẫn còn đó, được đời đời cháu con và nhân dân hương khói, gìn giữ.

Chuyện phong thủy tìm đất mộ tổ của Trần Hấp chỉ là truyền thuyết. Tuy vậy, qua đây cũng gợi ý và lý giải phần nào nguyên nhân cụ Trần Kình và hai con là Trần Hấp và Trần Tự Duy dời chuyển gia đình từ Tức Mặc (Nam Định) sang định cư làm ăn ở đất Thái Đường – Lưu Xá (Thái Bình). Về sau, Trần Hấp sinh Trần Lý; Trần Lý sinh ra Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung và Trần Thừa; Trần Thừa sinh ra Trần Liễu, Trần Cảnh và Trần Nhật Hiệu (Hạo); Trần Tự Duy ở Lưu Xá sinh ra Trần Thủy Huy.

Khu Di tích đền Trần Thái Bình.  

Đến đời Trần Lý, dòng họ Trần ở đây đã giàu có và nổi tiếng khắp vùng vì có đón Thái tử Sảm về sống ở Lưu Gia (Lưu Xá). Theo Đại Việt sử ký toàn thư (biên niên về năm 1209): “Hoàng thái tử Sảm (Lý Sảm, bỏ kinh thành chạy loạn) đến thôn Lưu Gia ở Hải ấp, thấy người con gái của Trần Lý có nhan sắc, bèn lấy làm vợ”. Đến tháng Hai năm Tân Mùi (1211),  Trần Thị Dung là Nguyên phi của Vua Lý Huệ Tông (Lý Hạo Sảm lên ngôi vào cuối năm Canh Ngọ 1210). Sau khi lấy Trần Thị Dung, Vua Lý Huệ Tông đã phong cho Trần Lý (bố vợ) tước Minh Tự và phong chức Tiền điện chỉ huy sứ cho cậu là Tô Trung Từ (vốn là võ quan của Triều Lý); từ đó họ Trần dốc lòng giúp vua Lý dẹp loạn: Quách Bốc, Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng… Và, Trần Thị Dung sinh Công chúa Chiêu Hoàng và Công chúa Thuận Thiên. Lúc này, vua Lý Huệ Tông (theo đạo diễn của Trần Thủ Độ) đã truyền ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng mới 8 tuổi, rồi bỏ đi tu ở chùa Chân Giáo. Trong hoàn cảnh đó, Trần Thủ Độ đã thu xếp cho Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi cho Trần Cảnh (ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu 1225). Ngày 11 tháng 12 ăm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, trước bá quan văn võ, Chiêu Hoàng cởi Hoàng bào mời Trần Cảnh (8 tuổi) là con Trần Thừa, lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Kiến Trung năm thứ nhất, dựng triều đại Nhà Trần từ đấy. Trần Cảnh lên ngôi vua, các đảng loạn mượn cớ phù Lý chống Trần nổi lên càng nhiều. Trần Thủ Độ mời Trần Thừa làm Thượng hoàng lo giúp Thái Tông Trần Cảnh điều khiển triều đình, để Thủ Độ rảnh tay dẹp loạn. Không đầy một năm sau, Thủ Độ đã vừa đánh vừa thu phục được các đảng giặc. Nhà Trần làm vua, trải 175 năm (1225- 1400)…

Trần Minh Cường – Biên soạn

Trả lời