Vua Trần Nhân Tông hoá Phật

Một công trình nghiên cứu khảo cổ cho thấy Am Ngọa Vân (ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh – nằm ngoài vùng núi Yên Tử – NV) là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông ‘hóa Phật’. Vậy, công trình hơn 700 năm bao phủ bởi rừng rậm và mây mù này ra sao?.

Hành trình phát hiện Ngọa Vân Am

Nhà khảo cổ học Nguyễn Văn Anh (Viện Khảo cổ học Việt Nam) đã ra mắt cuốn sách “Am Ngọa Vân” – một tư liệu quý về quần thể di tích Ngọa Vân trong hệ thống di tích nhà Trần ở Đông Triều và hệ thống chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm trên dãy Yên Tử. Quan trọng nhất là công trình khảo cổ đã khẳng định Ngọa Vân Am – thánh địa của thiền phái Trúc Lâm – nơi Phật Hoàng nhập niết bàn hơn 700 năm trước không nằm ở trong khu di tích non thiêng Yên Tử, mà ở khu Ngọa Vân (Bình Khê, Đông Triều, Quảng Ninh).

Sau hàng trăm chuyến khảo sát lên Am Ngọa Vân, các nhà khảo cổ đã khai quật và phát hiện một hệ thống các công trình Phật giáo hoang phế, với những bia đá, hoa văn kiến trúc, gạch ngói, nền móng, vật dụng… minh chứng về sự tồn tại và phát triển thịnh vượng của Phật giáo hơn 700 năm trước. Khi ấy Ngọa Vân, Hồ Thiên, Quỳnh Lâm, Yên Tử là những trung tâm quan trọng của Phật giáo Trúc Lâm. Và nếu coi Thăng Long là kinh đô chính trị thì Yên Tử – Ngọa Vân là thánh địa Phật giáo.

Khi xuất gia tu hành, vua Trần Nhân Tông về Yên Tử, nhưng Ngài đắc đạo và hóa Phật tại Am Ngọa Vân. Sau đó Ngọa Vân được triều Trần cho xây dựng và mở rộng thành một quần thể chùa tháp lớn (đầu thế kỷ XIV), bao quanh đỉnh Ngọa Vân ở phía Nam của núi Bảo Đài (nay là núi Vây Rồng). Dấu ấn các công trình kiến trúc trùng tu ở Ngọa Vân thời Lê trung hưng, thời Nguyễn còn rất nhiều, khẳng định quần thể chùa tháp lớn và không gian Yên Tử xưa không chỉ bó hẹp trong khu danh thắng Yên Tử ngày nay.

Kết quả nghiên cứu khảo cổ Khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (ở xã Thượng Yên Công, Uông Bí) và Khu Di tích Ngoja Vân – Hồ Thiên (thuộc xã Bình Khê và An Sinh, huyện Đông Triều) cho thấy: Vị trí được coi là Am Ngọa Vân ở di tích Yên Tử hiện nay – là nơi xây dựng rất nhiều chùa làm nơi tu học của các tăng ni. Còn Am Ngọa Vân nằm trên đỉnh núi Ngọa Vân mới là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo và nhập niết bàn lại thuộc xã An Sinh (huyện Đông Triều, Quảng Ninh). Cả hai đều nằm trên dãy núi Đông Triều (Quảng Ninh).

Huyền ảo đường lên Am Ngọa Vân

Tết đến, xuân về núi Ngọa Vân trở thành chốn tâm linh bậc nhất để các Phật tử và du khách hành hương. Núi Ngọa Vân có hình thế vòng cung như ngai vua, nằm ở nơi xa khuất, tới được không dễ dàng. Để tìm lại Ngọa Vân ngày nay, các nhà khảo cổ từng mò mẫm trên những con đường mòn mất dấu chân người, từng lạc rừng sâu phải ngủ lại để sáng ra đi tiếp, từng ngủ nhờ trong ngôi nhà nhỏ giữa thung lũng đẹp như cổ tích, nghe những câu chuyện kỳ bí, những địa danh lạ lùng.

Đầu tiên là Tàn Lọng, tương truyền đoạn này bắt đầu vào rừng già, ngợp cây rừng và hẹp chỉ đủ cho từng người lách qua, phải thu lọng vì không thể che được nữa mà thành tên. Tiếp đó là Cửa Phủ – nơi thờ thần rừng, thần núi. Ai trước khi vào rừng già cũng phải thắp hương làm “thủ tục đăng sơn”, có tên lạ là Phủ Am Trà. Có thể xưa đây là vị trí Am Trà, khi xây thành phủ đã lấy luôn tên am đặt cho tên phủ, thành tên Phủ Am Trà. Phủ Am Trà là một nền miếu cổ, có một bát hương, không tượng, không bài vị… nằm trên một mô đất hẹp cao hơn mặt suối chừng 5m.

Qua Phủ Am Trà là tới dốc Đô Kiệu ở ngã ba hai dòng suối đổ về suối Phủ Am Trà, là con dốc cao và dài, hai bên là vực sâu và không có bậc đá như bây giờ. Xưa kiệu của vua Trần khi đi đến đây phải đỗ lại, không thể đi tiếp được nữa, nên thành tên dốc Đỗ Kiệu, dân gian đọc chệch cái tên khởi thủy thành Đô Kiệu.

Hết dốc đi thêm ít phút là tới Thông Đàn – vốn là một dải rừng thông vi vu, cỏ lác lút đầu. Ở đây xưa là một rừng tháp lớn, giờ chỉ còn hệ thống nền móng là những khối đá lớn vuông vức, đá lát, đá viền, cả dấu vết bị con người đào xới, đánh mìn, lật đá tìm châu báu.

Rừng cổ thông vài trăm tuổi giờ còn rất ít, nhưng không một ai dám chặt hạ. Dân vùng này truyền nhau câu chuyện kỳ bí về một nông dân ở Trại Lốc. Ông ta theo con rể hạ một cây tùng từ Thông Đàn về đóng đồ. Một thời gian sau ông ta tự dưng phát điên. Anh con rể thì chết bất đắc kỳ tử. Chuyện loang ra, lâm tặc quanh vùng từ đó kinh sợ nên không dám động đến những gốc cổ tùng. Nhờ vậy mà nơi đây tinh mơ chim chóc đã hót ran, sóc cổ đỏ nhảy nhót…

Sẽ tiếp tục nghiên cứu, giải mã

Người ta vẫn truyền nhau những chuyện về sư Tiến, trụ trì chùa đã rất nhiệt tâm giúp các nhà khảo cổ nghiên cứu, khôi phục lại vùng linh địa Ngọa Vân. Sư Tiến cùng hai đồng môn lên chùa Ngọa Vân, một sư già đã mất, còn sư trẻ thì không ở lại chùa. Hồi sư lên, nền chùa cũ chỉ còn mấy bức tường trơ trụi. Am Ngọa Vân và các tháp đá lút trong cây dại um tùm, rắn rết xua không xuể. Mùa khô suối cạn vài mươi ngày sư xuống núi một lần. Mùa mưa thì không xuống núi được. Rau cỏ, cây thuốc sư đều tự trồng. Ăn uống chỉ có măng rừng, chuối rừng muối, lá vả luộc…

Thời gian làm nhiều tầng văn hóa Phật giáo nơi đây phai nhạt, nhưng Ngọa Vân luôn được trân quý với quá khứ vàng son của Phật giáo hơn 700 năm trước. Theo ThS Nguyễn Văn Anh, Ủy viên Ban Thông tin truyền thông, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các nhà khảo cổ đã điều tra, nghiên cứu hệ thống các di tích nhà Trần ở Đông Triều, ở vùng đất An Sinh xưa, chú tâm đến hệ thống di tích chùa, am, tháp của Thiền phái Trúc Lâm, đặc biệt là chú trọng tìm hiểu và giải quyết về vị trí của Am Ngọa Vân. Kết quả cho thấy, Am Ngọa Vân dưới thời Trần thuộc phạm vi ấp thang mộc của An Sinh vương Trần Liễu.

Giá trị của Ngọa Vân là một chuỗi mô phỏng hành trình tu hành khổ hạnh, đắc đạo, thuyết pháp, độ tăng giáo hóa chúng sinh rồi an nhiên hóa Phật của vua Trần Nhân Tông (Yên Tử là nơi Phật Hoàng tu hành, thuyết pháp, độ tăng… Ngọa Vân là điểm kết thúc trọn vẹn quá trình tu hành, đắc đạo). Các nhà khảo cổ sẽ tiếp tục nghiên cứu và làm rõ hơn một số vấn đề nữa về Ngọa Vân.

Du khách hành hương về Ngọa Vân sẽ đi theo tuyến du lịch hành hương từ Tây sang Đông. Bắt đầu từ đền An Sinh qua khu lăng tẩm nhà Trần – khu Tàn Lọng – suối Phủ Am Trà – dốc Đô Kiệu – Thông Đàn – chùa và Am Ngọa Vân, trở về phía Đông đến Ngọa Vân 1 – Ngọa Vân 2 – Đá Chồng đến khu Ba Bậc là kết thúc.

Theo PGS.TS Bùi Minh Trí (Trung tâm Nghiên cứu kinh thành, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu kinh thành đã giao ThS Nguyễn Vân Anh và các đồng sự làm nhiệm vụ này. Nơi Phật Hoàng nhập niết bàn hơn 700 năm trước không nằm ở trong khu di tích Yên Tử, mà ở khu Ngọa Vân (Bình Khê, Đông Triều, Quảng Ninh). Quần thể am chùa tháp ở Ngọa Vân có những giá trị rất đặc biệt nên UBND tỉnh Quảng Ninh chú trọng bảo tồn tôn tạo đúng với vị trí, ý nghĩa của nó. Từ năm 2012, một số tháp đã được trùng tu lại. Quảng Ninh đang xây dựng khu vực Ngọa Vân trên nền cũ, sắp khánh thành.

Trần Minh Cường – Sưu tầm

Trả lời