Tĩnh Tâm để sinh Tuệ – Ngô Minh Tuấn

Khi Tâm tĩnh, trí tuệ sẽ sinh! Để có tâm tịnh, chúng ta phải quan tâm đến Thân và Tâm … Hãy lăng nghe CEO Ngô Minh Tuấn có đôi lời chia sẻ.

Trong cuộc sống, những người tâm bình khí hòa, tâm tính ổn định sẽ có thể không vì được mà hoan hỷ, không vì mất mà sầu bi, vô cớ bị nhục mạ mà không giận, gặp việc gấp mà không sợ hãi. Họ có thể ứng biến, thản nhiên khi mất, dửng dưng khi được. Đây phải là người có tấm lòng quảng đại, rộng rãi, không đặt tâm vào hơn thua. “Tâm tĩnh như nước” là biểu hiện của một loại trí tuệ.

“Tĩnh tâm” sinh trí tuệ

Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, Gia Cát Lượng sau khi bị thất thủ ở Nhai Đình, lại nghe được tin Tư Mã Ý dẫn theo mười lăm vạn đại quân tấn công Tây Thành. Trong tay Gia Cát Lượng lúc ấy chỉ có vẻn vẹn 2500 quân lính giữ thành. Nhưng Gia Cát Lượng không có tâm hoảng loạn, mà bình tâm tĩnh khí dẫn hai tiểu đồng cầm đàn, dựa vào lan can trong thành ngồi gảy đàn.

Tư Mã Ý dẫn quân kéo đến Tây Thành, thấy tình cảnh như vậy lấy làm lạ, đăm chiêu nghe Gia Cát Lượng gẩy đàn một lúc, rồi hạ lệnh cho quân nhanh chóng tháo lui. Tiếng đàn “bình tĩnh bất loạn” của Gia Cát Lượng đã hù dọa được Tư Mã Ý thoái lui. Đây được gọi là “núi Thái Sơn sụp đổ ngay trước mắt mà sắc mặt không thay đổi, con nai có nhảy múa bên cạnh thì mắt vẫn không liếc.” Khí độ siêu phàm như vậy, một người bình thường tất nhiên không thể làm được.

Có câu rằng: “Tĩnh là phúc!” Quả thực, hết thảy những phiền não trong đời người đều là đến từ dục vọng (ham muốn) và sự không an phận của con người. Những hấp dẫn của vật chất, danh, lợi, tình khiến người ta không thể thoát ra được. Thời cổ đại, có rất nhiều văn nhân có thể đạt đến cảnh giới “tĩnh tâm như nước”. Lý Bạch uống rượu ngắm trăng, Đào Tiềm cuốc đất trồng hoa cúc…

Một người bình thường gặp phải lúc thất bại sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng, khi bị người khác làm tổn thương thì cảm thấy vô cùng thống khổ, khi bị phỉ báng thì cảm thấy rất oan ức, còn khi bị những vật chất hấp dẫn ham muốn, họ sẽ lưỡng lự hoang mang, khi bị phản bội thì thấy phẫn nộ, khi đứng trước lựa chọn giữa sống và chết thì cảm thấy vô cùng sợ hãi.

Kỳ thực, hết thảy những điều này đều là biểu hiện của khả năng tĩnh lặng không cao, cũng là kết quả của việc tu luyện không đủ. Người chân chính giác ngộ sẽ không vì gặp khó khăn mà nản, không vì gặp chuyện mà hoảng hốt, lâm nguy mà không sợ, lấy mỉm cười đối đãi với phỉ báng, lấy từ bi đối đãi với sự phản bội, dù trước mắt có biến cố gì cũng vẫn thong dong, tự tại, “tĩnh tâm như nước”…

“Tĩnh tâm” thắng “khổ làm”

Trong cuộc sống thực tại, phàm là việc gì, vùi đầu vào làm, dốc sức tập trung thì đều là thái độ chủ động tích cực. Nhưng nóng lòng làm việc, không tĩnh tâm lại suy xét thì thường thường sẽ lãng phí tâm lực, làm nhiều mà kết quả không cao. Người mỗi ngày đều bận rộn làm việc, không có thời gian suy nghĩ ý nghĩa nhân sinh thì chỉ làm tiêu hao tinh lực.

Có một câu chuyện kể rằng, một vị giáo sư giảng dạy môn vật lý, ngủ đến nửa đêm tỉnh dậy phát hiện ra trong phòng thí nghiệm của ông vẫn sáng đèn. Ông cảm thấy rất kỳ lạ. Ông đi đến phòng thí nghiệm thì thấy một học trò của mình vẫn đang miệt mài làm thí nghiệm.

Vị giáo sư hỏi: “Sao khuya vậy rồi mà con không nghỉ ngơi?”

Học trò của ông vừa làm vừa trả lời: “Con đang làm thí nghiệm!”

Vị giáo sư hỏi tiếp: “Nửa đêm con làm thí nghiệm, vậy ban ngày con làm gì?”

Học trò trả lời: “Ban ngày con cũng làm thí nghiệm!”

Vị giáo sư lại hỏi: “Ý con nói là cả ngày con đều làm thí nghiệm, không có một khoảng thời gian nghỉ ngơi nào sao?”

Người học trò thấy thầy giáo hỏi như vậy trong lòng tràn đầy niềm vui, cho rằng thầy giáo chắc sẽ rất khen ngợi thái độ học tập chuyên cần của mình. Vì thế, anh ta khiêm tốn nói: “Đúng vậy! Con hy vọng mình có thể tận lực học nhiều hơn một chút!”

Vị giáo sư trầm ngâm rồi nói: “Chăm học đương nhiên là rất tốt! Nhưng thầy rất tò mò, con dành hết thời gian để làm thí nghiệm như thế này thì con dùng thời gian nào để suy nghĩ?”

Trong cuộc đời, rất nhiều người đều mong muốn có thể làm cho tâm linh của mình được thuần khiết, nhưng rất ít người biết được rằng “tịnh” (thuần khiết) và “tĩnh” (tĩnh lặng) là có quan hệ mật thiết với nhau. Khi tâm linh của một người ở vào thời khắc tĩnh lặng thì trí tuệ của họ khởi tác dụng to lớn. Trái lại, khi tâm của một người là lo âu, bồn chồn thì tuyệt đối không thể sản sinh được trí tuệ.

Chỉ khi người ta đã hiểu rõ được bản chất của sinh mệnh rồi người ta mới có thể có được cảnh giới “tĩnh tâm như nước”. Thành công khiến cho một người vui mừng tựa như sự mãnh liệt của thủy triều. Thủy triều dâng cao cuồn cuộn rồi lại hạ thấp và tĩnh lặng dần. Cũng giống như con người, cảnh giới tự nhiên cao nhất của con người là sự thản nhiên, linh hoạt trong tinh thần. “Tâm tĩnh như nước” mới là cảnh giới tinh thần cao nhất trong nhân sinh.

Lão Tử giảng: “Thượng thiện nhược thủy”, Khổng Tử cũng giảng: “Người trí thích nước, người nhân thích núi”. Có thể thấy, nước có rất nhiều phẩm tính vĩ đại để thế nhân tham khảo, học tập. Thời xưa, người tu hành có thể đạt được “tĩnh tâm như nước” được cho là dấu hiệu đi đến viên mãn.

“Tâm tĩnh như nước” khiến tâm linh liền đạt được sự thuần tịnh cao độ.

“Tâm tĩnh như nước” khiến nhân phẩm sẽ trở nên thần thánh và cao thượng.

“Tâm tĩnh như nước” khiến cho ánh sáng của lòng từ bi có thể chiếu rọi mọi sinh linh trong vũ trụ.

Một người có thể tu luyện được cảnh giới “tĩnh tâm như nước” thì trong lòng người ấy nở rộ những đóa hoa sen tinh khiết và ngát hương thơm!

 

BAN TRUYỀN THÔNG
TRẦN MINH CƯỜNG

Trả lời