Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật

Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật là hoàng tử con thứ 6 của Trần Thái tông và là danh tướng công thần nhà Trần. Ông chẳng những giỏi về tài cầm quân, ngoại giao, mà còn là người tìm tòi học hỏi, sống ngay thẳng, trung thực dù là quyền cao chức trọng… 

Lịch sử Việt Nam đời Trần ghi đậm rõ nét của bao anh hùng tuấn kiệt như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Quốc Toản, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật.. Mỗi người có những sắc thái riêng biệt, tất cả tạo thành một dãy ngân hà soi sáng trong vòm trời đât Nam. Riêng Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, không những là một tướng tài chống Nguyên-Mông mà là một trong những nghệ sĩ danh tiếng nhất đời Trần.

Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật là con thứ sáu của vua Trần Thái Tông, tuy là vương tử nhưng đời sống rất xuề xòa, phóng khoáng, dễ tiếp xúc và không câu nệ. Chúng ta biết ông nhiều trong lịch sử kháng chiến chống nhà Nguyên-Mông Cổ xâm lăng lần thứ hai ở trận Hàm Tử (cửa Hàm Tử, Khoái Châu, Hải Hưng). Ông chỉ huy trận chiến thắng lừng lẫy này dọn đường cho trận chiến thắng Chương Dương của các danh tướng Trần Quang Khải và Trần Quốc Toản. Thái sư Trần Quang Khải đã đề bạt trong niềm vui sướng quê hương hết bóng thù:                

                   Chương Dương cướp giáo giặc

                    Hàm Tử bắt quân thù

                    Thái bình nên gắng sức

                    Non nước củ nghìn thu 

Làm quan trải qua bốn đời vua làm đến chức Thái sư nhưng lúc nào cũng có tinh thần phóng khoáng và độ lượng. Ông là một nhà nghệ sĩ giỏi và rất say mê âm nhạc, đã sáng tác rất nhiều khúc nhạc, lời ca, điệu múa. Ở dinh ông không ngày nào không mở cuộc chèo hát hay bày trò chơi, thế mà không ai cho ông là say đắm niềm vui mà quên công việc (1).

Giỏi âm nhạc, ông cũng có niềm say mê đặc biệt các ngôn ngữ nước ngoài, rất thích chơi với người nước ngoài, tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa và triết lý của họ. Từ Thăng Long, ông thường cưỡi voi đến chơi thôn Đa-da-li – một thôn gồm người Việt gốc tù binh Chăm Chiêm Thành (Champa) , sau gọi trệch là thôn Bà Già, có lẽ ở mạn Cổ Nhuế, Từ Liêm – có khi ba bốn ngày mới về. Văn hóa Chăm nhất là về âm nhạc, triết lý không những lôi cuốn ông mà có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, văn hóa Việt Nam trong các triều đại Lý, Trần. Các điệu nhạc cung đình, chèo và quan họ trong dân gian đều có nguồn gốc ảnh hưởng từ văn hóa Chăm Chiêm Thành (2) (3). Một số kiến trúc chùa đình thời Lý-Trần trong giai đoạn này cũng có mang nét ảnh hưởng kiến trúc Chiêm Thành như một số hình tượng chim thần Garuda (3). Triết và đạo lý giữa hai dân tộc Việt Nam-Chiêm Thành cũng giao lưu và ảnh hưởng nhau. Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông lúc về hưu cũng đã thân hành không ngại đường xa qua Chiêm Thành bàn bạc, học hỏi và sống chung như anh em với vua quan Chiêm Thành trong một thời gian (2).

Nhà nghệ sĩ Trần Nhật Duật có tiếng là người học rộng, thiệp liệp sử sách nhất kinh thành và rất ham thích đạo giáo, thường khi mặc áo lông và đội mũ giống như đạo sĩ. Ông tìm hiểu triết lý của nhiều dân tộc khác ngoài Chiêm Thành. Ông hay đến chơi chùa Tương Phụ, nói chuyện với nhà sư người Tống, ngủ lại rồi về.

Khách nước ngoài đến kinh sư, thường được ông mời đến chơi nhà, nếu là người Tống, thì ngồi đối nhau, đàm luận suốt ngày. Sử gia Nguyên triều (Mông Cổ) tưởng ông là người Chân Định (Hà Bắc, Trung Quốc) chính cống. Nếu là người Chiêm hay người các dân tộc khác, ông đều theo quốc tục của họ mà tiếp đãi vì ông đã hiểu và tiếp thu văn hóa của ho.

Khi nhà Tống mất, năm 1274 Hồi Hột, đem 30 thuyền cùng binh lính, vợ con đến Đại Việt xin thần phục. Tất cả đều được phép ở kinh thành. Có người như Trần Trọng Vi được Thánh Tông trọng đãi, quyết tâm “Lưu lạc thà làm ma nước Việt”, chết đi được vua làm thơ điếu (4). Sau này trong quân của Trần Nhật Duật chống Mông Cổ có đạo quân Tống với quân phục Nam Tống dưới trướng. Khi quân Mông giáp trận với Trần Nhật Duật, các tướng sĩ  Mông Cổ ngạc nhiên và sợ hãi tưởng nhà Tống đã trở lại. Đây là một tác động tâm lý đánh vào quân Nguyên Mông Cổ và quân cựu-Tống dưới quyền Nguyên góp phần vào sự thua trận của quân Mông ở các trận như Hàm Tử mà Trần Nhật Duật lãnh đạo.

Năm 1280, vua quan Triều thần được tin chúa đạo Đà Giang, miền núi Tây Bắc, Trịnh Giác Mật tụ họp dân nổi lên chống lại triều đình. Lúc này nhà Nguyên cũng đang sửa soạn đại binh đánh Đại Việt. Đất nước đang trong tình trạng khẩn trương trước hiểm họa ngoại xâm lớn lao. Để tập trung tâm trí và sức lực đối phó với quân Nguyên, vua Trần Nhân Tông sai Trần Nhật Duật làm An phủ sứ Đà Giang để giải quyết gấp rút sự cố nghiêm trọng này. Vị vương tử trẻ mới 27 tuổi này, dưới cờ hiệu “Trấn thủ Đà Giang”, làm lễ ra quân lên đường đi Tây Bắc. Ông đã chinh phục tù trưởng Trịnh Giác Mật bằng phong tục “ăn bằng tay, uống bằng mũi” và được các dân tộc miền núi yêu mến như sau.

Biết được quân triều đình đến, chúa Đà Giang là Trịnh Giác Mật định ám hại nên sai người đưa thư dụ Trần Nhật Duật rằng: “Giác Mật không dám trái lệnh triều đình. Nếu ân chủ một mình một ngựa đến gặp, Giác Mật xin ra hàng ngay”. Muốn thu phục được Giác Mật, Trần Nhật Duật mặc các tướng can ngăn, một mình một ngựa đến gặp chúa Đà Giang, chỉ mang theo mấy tiểu đồng cắp tráp đi hầu. Thản nhiên đi giữa rừng gươm giáo và đám lính dân tộc miền núi sắc phục kỳ dị cố ý phô trương để uy hiếp, Trần Nhật Duật nói với Giác Mật bằng chính ngôn ngữ và theo đúng phong tục rất ngan ngạnh chí khí của dân tộc vùng Đà Giang:

“Lũ tiểu đồng của ta khi đi đường thì nóng tai trái, vào đây thì nóng tai phải.”

Trịnh Giác Mật và các đầu mục đều kinh ngạc trước sự am hiểu tiếng nói và tục lệ của Trần Nhật Duật. Khi mâm rượu, có bầu rượu và dĩa thịt nai muối, được bưng lên, Trịnh Giác Mật đưa tay mời có ý thách thức. Ông không chút ngần ngại cầm thịt ăn rồi vừa nhai vừa ngửa mặt, cầm gáo rượu bầu từ từ dốc vào mũi hết sức thành thạo như người địa phương. Trịnh Giác Mật kinh ngạc thốt lên: “Chiêu Văn Vương là anh em với ta”.

Trần Nhật Duật đáp lại “chúng ta từ xưa nay vẫn là anh em”. Trần Nhật Duật sai tiểu đồng mở tráp lấy ra những chiếc vòng bạc trao cho từng đầu mục Đà Giang. Những người cầm đầu đạo Đà Giang hoan hỉ đón lấy tặng phẩm kết nghĩa theo đúng tục lệ của họ từ tay Trần Nhật Duật mà họ vừa nhận làm anh em. Đà Giang đã được quy thuận như thế: không đổ một giọt máu, không mất một mủi tên. Trong chuyến đi trấn an Đà Giang này, Trần Nhật Duật cũng được một người Mường tên là Ma Văn Khải tặng một quyển sách dật sử viết bằng Man ngữ do tổ 5 đời là Ma Văn Cao soạn nói về cuộc đời của người Thổ tên Hoàng Quỳnh dưới triều Lý Thần Tông. Trần Nhật Duật sau này dịch từ Man ngữ ra chữ Hán với nhan đề “Lĩnh Nam dật sử” năm 1297. Đây là một bộ sách viết theo lối tiểu thuyết dài Trung hoa rất ly kỳ chia ra làm 28 hồi, giống như tiểu thuyết kiếm hiệp hiện đại, rất có giá trị về phương diện dân tộc, địa lý tư tưởng và văn hóa học (6). Trần Nhật Duật sau đó đã cùng Trịnh Giác Mật và vợ con về kinh thành gặp vua (5).

Thời vua Trần Nhân Tông, sứ giả sứ Sách Ma Tích (?, có lẽ là Sri Vijaya ở vùng đảo Sumatra) sang cống, không tìm được người phiên dịch. Cả Thăng Long chỉ có một minh Trần Nhật Duật dịch được. Đó là vì từ thời Thượng hoàng Trần Thái Tông, chàng vương tử Trần Nhật Duật đã chịu khó giao du với họ và học được tiếng nước họ rồi. Vua Nhân Tông thán phục, thường nói đùa: “Chiêu Văn vương có lẽ không phải người Việt mà là hậu thân của giống Phiên, Man”.

Khi đã làm tể tướng, ông vẫn thường đến chơi nhà người Hoa kiều là Trần Đạo Chiêu, nói chuyện phiếm với nhau hàng giờ. Theo lệ cũ, sứ giả nước ngoài đến Thăng Long, tể tướng tiếp sứ không được cùng ngồi nói chuyện, phải thông qua một người phiên dịch, sợ hoặc có sự gi lầm lỗi thì đỗ cho người phiên dịch. Trần Nhật Duật thì không thế, mỗi khi tiếp sứ Nguyên đều nói chuyện trực tiếp, không muốn người phiên dịch. Đến khi sứ về nơi nghỉ thì dắt tay nhau cùng vào, ngồi uống rượu vui vẻ như bạn bè. Điều này chứng tỏ đặc tính con người nghệ sĩ của ông khi chúng ta biết rằng cách đó không lâu ông đã cầm quân chống Nguyên Mông Cổ xâm lăng. Trong số những người Tống đến ở Đại Việt có người phường hát tên Lý Nguyên Cát mang đến đất Việt lối “tuồng truyện”. Lý Nguyên Cát thường đến dinh của Trần Nhật Duật chơi, nơi mà “không ngày nào không mở cuộc hát xướng, làm trò”. Lối hát này sau được truyền vào cung vua và con của người đào hát tên Dương Nhật Lễ (con nuôi của thái tử đời vua Trần Minh Tông) được lên làm vua trong thời gian ngắn (4). Dương Ngọc Lễ suýt lật đổ triều Trần sớm hơn 30 năm, nếu không nhờ Trần Nghệ Tông rút về trấn Đà Giang nơi Trần Nhật Duật đã thu phục trước đây, để từ đó khôi phục lại ngôi vua cho nhà Trần.

Trần Nhật Duật là người nhã nhặn độ lượng, mừng giận không lộ ra sắc mặt. Trong nhà không hề chứa roi vọt để đánh đầy tớ. Cũng có khi ông đánh, thì trước hết kể tội lỗi rồi sau mới đánh. Mặc dầu tài hoa phóng khoáng nhưng trong việc nước ông rất trung thực và thẳng thắng. Việc nước và việc cá nhân là hai việc riêng biệt không thể để lẫn lộn. Vợ ông là Trịnh Túc phu nhân từng có việc nhờ cậy nói riêng với ông ở nhà. Ông giả tảng gật đầu. Đến khi ra phủ, người thư ký đem việc ấy trình voi ông, ông không cho.

Để kết thúc về con người của ông, có một câu chuyện như sau. Có một lần có người kiện kẻ gia tỳ (người đầy tớ gái) của ông với Quốc Phụ (có lẽ là Huệ Vũ Đại Vương Trần Quốc Chân). Quốc phụ sai gia đồng đến bắt người đầy tớ. Cô đầy tớ gái chạy vào trong phủ tể tướng, người đi bắt đuổi đến nhà giữa, bắt trói, ầm ỉ. Vợ ông khóc nói: ” Ông là tể tướng mà bình thường cũng là tể tướng, chỉ vì ông nhân nhu quá cho nên người ta mới khinh thường đến thế thôi”. Trần Nhật Duật vẫn tự nhiên chẵng nói lại câu gì, chỉ khẽ sai người bảo người đầy tớ gái rằng:

” Mày cứ ra, đâu đâu cũng đều có phép nước.”

Trần Nhật Duật xứng đáng là danh nhân Việt Nam, văn võ toàn tài, có thể được xem là ông tổ của ngành ngoại giao Việt Nam. Tuy làm đến chức tể tướng và thái sư nhưng không bao giờ tham lam quyền lực bởi vì sống trong lòng ông là một tinh thần nghệ sĩ độ lượng trong nét khảng khái và nhân hòa.

 

Trần Minh Cường – Sưu tầm

 

Trả lời