Bí sử thời Trần – Trần Phước Bình

Bảo vệ sự thật của lịch sử nói chung và sự trong sáng của dòng tộc nhà Trần nói riêng là sứ mệnh của mỗi người con mang danh họ Trần và của tất cả mọi người nói chung …

Quốc sử viện (nay là Viện sử học) đầu tiên ra đời nơi vương triều Trần trước năm 1272, nhưng sử triều Trần mãi đến triều Lê Nhân Tông (1443-1453) mới được viết, năm ấy nhà Trần mất nước đã mấy thập kỷ và đất nước vừa trải qua cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Đáng chú ý trong thời gian quân Minh chiếm đóng, chúng tiến hành tịch thu toàn bộ sử sách của nước ta đem về Trung Quốc, nhằm xóa bỏ nền văn hiến Đại Việt. Chính sử nhà Trần được viết trong điều kiện đó và tồn tại đến nay là vô cùng quý. Song do không ít sử liệu đã thất truyền, trong đó có phả hệ hoàng tộc như Hoàng tông ngọc điệp soạn năm Thiệu Long thứ 10, đời Trần Thánh Tông (1267) và các bản soạn ở những đời kế nối, hoặc do quan điểm làm sử nên một số sự kiện đã bị lược bỏ. Do đó, chính sử nhà Trần còn để lại một số những tồn nghi, những thắc mắc cho đời sau.

Nay muốn làm sáng tỏ những góc khuất ấy là việc làm không dễ, mức độ thành công có căn cứ khoa học lịch sử không nhiều. Thế nhưng sách “Đền thờ Tổ Họ Trần Việt Nam”, do hai cụ Trần Văn Sáu và Trần Đại Thanh biên soạn (sách tái bản lần 2, không thấy ghi năm ấn hành), thấy chép không ít những sự kiện và con người thuộc bí sử thời Trần mà truy nguyên xuất xứ thì đều do nơi Hội thảo khoa học này, của Nhà sử học danh tiếng kia … Xin trích một số đoạn của sách này như sau:
Tại trang 16, viết về Linh (Ninh) tổ Trần Hấp: “… Linh (Ninh) tổ Trần Hấp sinh ra Trần Lý và Hoằng Nghị đại vương thượng đẳng phúc thần, có huy danh đầy đủ là Trần Thủ Huy – Thân phụ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ. Nuôi nấng dưỡng dục con cái trưởng thành, cụ Trần Hấp ngày càng hợp tính nết với con trai thứ, cụ đã thu xếp về ở cùng với thứ nam Trần Thủ Huy, cụ chuyển cả bát hương thờ Thủy tổ Trần Kinh về thờ tại nhà con trai thứ, khiến cho Trần Thủ Huy xác định rõ vai trò trách nhiệm trong gia đình mà ra công học tập rèn đức, luyện tài để sau đó trở thành một vị tướng mưu lược, văn võ song toàn (Hoằng Nghị đại vương) giúp triều Lý lập được chiến công hiển hách”.
-Trang 20, viết về Đức Hoằng Nghị đại vương: “… Đồng thời căn cứ cổ phả họ Trần Đại Việt do thống tôn đời thứ 27 Trần Đình Nhân còn lưu giữ được, thì Đức Hoằng Nghị đại vương – Thượng đẳng phúc thần có húy danh là Trần Thủ Huy chính là thân phụ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ. Theo thông tục kiêng gọi húy danh mà chỉ gọi danh thần trong sắc vua phong của ngài là Hoằng Nghị Đại Vương … Khoảng năm 1138-1175, cụ chuyển lên Bến Trấn (nay thuộc thôn Phương La, Xuân La, Trác Dương cũng xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, Thái Bình) … Nhà Lý hết vận … anh em họ Trần phải đưa Lý Huệ Tông về nhà cụ Trần Lý tại Long Hưng lánh nạn, đồng thời giúp nhà Lý phá tan quân giặc. Cụ Hoằng Nghị đã anh dũng hy sinh vào trung tuần tháng 8 âm lịch trong trận đánh cuối cùng với giặc Quách Bốc. Khi dẹp xong loạn lạc, vua Lý Huệ Tông về Thăng Long điều hành đất nước đã phong cụ Trần Thủ Huy là Đức Hoằng Nghị đại vương Thượng đẳng phúc thần, và cho xây miếu thờ tại thôn Ứng Mão phủ Long Hưng ”.
Lịch sử những thập niên cuối triều Lý đến nay đã trên 800 năm. Vậy mà sách “Đền thờ Tổ Họ Trần …” mô tả lịch sử như vừa mới đi qua, và tác giả như là những nhân chứng sống trong các sự kiện lịch ấy ? Nhưng kỳ thực phần lớn những bí sử được ghi trong sách chỉ là sự “sáng tạo, biến dạng” đã góp phần cải đổi cổ sử thành loạn sử. Bởi sau nhiều năm tranh luận về nhân vật Trần Hoàng Nghị đều không tìm thấy sách sử, thần phả, ngọc phả, thần sắc hay văn bản học nào nêu tên và hành trạng công tích của Ngài ? Cụ Trần Ngọc Bảo – Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hội đồng Trần tộc Việt Nam đã nhận xét rất đúng: “Đảo lộn lịch sử, đảo lộn phả hệ họ Trần”.
Như trên đã dẫn, chỉ cần soạn sách “Đền thờ Tổ Họ Trần Việt Nam” do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Hội Unesco Bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam bảo trợ, thì chỉ vài trang chữ thôi đã biến Trần Hoàng Nghị nơi gia phả chi họ Trần thôn Phương La, thành công thần triều Lý và là khai quốc triều Trần, là cha đẻ của Trần An Quốc và Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ nơi chính sử. Và chỉ cần chép thêm một đoạn: “cụ Trần Hấp ngày càng hợp tính nết với con trai thứ, cụ đã thu xếp về ở cùng với thứ nam Trần Thủ Huy, cụ chuyển cả bát hương thờ Thủy tổ Trần Kinh về thờ tại nhà con trai thứ, khiến cho Trần Thủ Huy xác định rõ vai trò trách nhiệm trong gia đình mà ra công học tập rèn đức, luyện tài để sau đó trở thành một vị tướng mưu lược, văn võ song toàn (Hoằng Nghị đại vương) giúp triều Lý lập được chiến công hiển hách”, thì đã làm đảo lộn phả hệ hoàng tộc nhà Trần, gán cho phụ thân của Trần Thủ Độ (lịch sử không để lại húy danh), lên làm anh của Nguyên tổ Trần Lý, với danh xưng Hoằng Nghị đại vương Thượng đẳng phúc thần, và đặc biệt hơn là làm vị tổ cao nhất của họ Trần Việt Nam, và hậu duệ chi Phương La là cụ Trần Văn Sen thành trưởng tộc họ Trần (Việt Nam).
Vùng đất hương Tinh Cương (xã Thái Đường, huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng, nay thuộc thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) nơi cất táng lăng tẩm nhiều đời hoàng đế, hoàng hậu nhà Trần, và cũng là nơi đặt ngôi mộ tổ “phát đế vương” mà dòng Thiên hoàng chính phái nhà Trần tại Nghệ An lời tựa tộc phả còn ghi chép. Cho nên cũng có thể nói hương Tinh Cương là nơi phát tích đế vương nhà Trần, nhưng không đồng nghĩa là qúy hương, bản quán nhà Trần, mà quý hương nhà Trần ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay thuộc huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định). An Nam chí lược của Lê Tắc xác nhận: “Đến nhà Trần nối theo nhà Lý lấy đất ấy đặt thêm 3 phủ nữa là: Long Hưng, Thiên Trường, Trường An”, và giải thích: “Long Hưng phủ tên cũ là Đa Cương hương, tổ tiên họ Trần lúc còn hàn vi đi qua một cái cầu khe, khi qua rồi, ngoảnh lại không thấy cầu nữa. Chẳng bao lâu họ Trần được nước, người ta gọi khe ấy là Long Khê, nên đổi tên Đa Cương làm Long Hưng. Thiên Trường phủ tên cũ là Tức Mặc hương, nơi phát tích họ Trần. Đến khi họ Trần được nước, xây một hành cung tại đó, mỗi năm đến 1 lần, để tỏ ra là không bỏ quên chỗ phát tích của ông bà, rồi đổi tên làm Thiên Trường phủ, chỗ ấy có nước thủy triều chảy quanh thành, 2 bên bờ mọc đầy cây hoa, khí thơm ngát người, hoa thuyền qua lại giống như cảnh tiên vậy”.
Dòng dõi tôn thất nhà Trần, gốc tích họ Trần xã Duyên Hưng (xưa thuộc tổng Duyên Hưng thượng, huyện Nam Trực, Nam Định), do cụ Tú Tiến viết, lược trích như sau: “… Xét trong sách sử Việt thì họ Trần ta thuộc dòng dõi vua nhà Trần ở Tức Mặc … Từ trước truyền lại thì họ Trần ta vốn phát tích từ họ Trần Tức Mạc, nhưng không có sổ sách chính xác, đến đời cụ Trần Tuấn Tài tức cụ Huyện Hạo làm tri huyện Vị Xuyên tỉnh Tuyên Quang là cháu 6 đời của cụ Thủy tổ đến làng An Giàng để tìm tôn phái, nhưng sách ghi chép không đủ tin chắc, chỉ chép được các tên húy của cụ cao cao tổ là … Sau này được xem hai quyển Hoàng Việt Xuân Thu dã sử của những nhà quan to mới có… Sách này viết: “… Hồ Quý Ly truy bắt … ông Trần Cảo (hậu duệ vua Trần) liền trốn thoát không biết đi đâu, lúc ấy con trai ông Trần Cảo còn nhỏ vẫn ở với mẹ là Thái phu nhân ở An Giàng mà Hồ Quý Ly không biết. Gốc tích họ Trần ở An Giàng cũng từ đấy. Như thế đủ bằng chứng để tin được mà không nghi ngờ gì nữa, nếu không khảo cứu được 2 quyển dã sử này thì có truyền lại sau này con cháu cũng chưa chắc đã tin dòng dõi họ ta xuất phát từ họ Trần Tức Mặc. Vả lại tôi sinh sau các cụ tiên tổ hàng vài trăm năm, trải qua hàng sáu bảy đời mà còn phải tìm tòi mãi mới biết được tông tích, nếu không có tộc phả ghi chép chính xác thì hàng ngàn năm về sau này căn cứ vào đâu mà biết gốc tích nòi giống mình, có đáng tiếc không …”.
Về địa danh lịch sử thôn Lưu Gia, Hải Ấp, ĐVSKTT duy nhất một lần chép: “Trị Bình Long Ứng thứ 5 (1209), Hoàng thái tử (Sảm) đến thôn Lưu Gia ở Hải Ấp nghe tiếng con gái của Trần Lý có nhan sắc bèn lấy làm vợ. Nhà Trần Lý nhờ nghề đánh cá nên giàu,người quanh vùng theo về, nhân có quần chúng, cùng nổi lên làm giặc. Thái tử đã lấy con gái của Lý, trao cho Lý tước Minh Tự, phong cho cậu người con gái ấy là Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ”. Phân tích đoạn sử này cho biết: Hoàng Thái tử Sảm khi chạy đến thôn Lưu Gia ở Hải Ấp thì có người nói (nghe nói) Trần Lý có người con gái nhan sắc …, không hề nói Hoàng thái tử Sảm gặp con gái nhà Trần Lý ở Lưu Gia, Hải Ấp. Do đó, không có căn cứ để khẳng định Lưu Gia, Hải Ấp là quê hương nơi “đặt bát hương” thờ tổ tiên nhà Trần Lý. Lưu Gia, Hải Ấp là quê hương của Tô Trung Từ em hoặc anh trai của Tô phu nhân, tức quê ngoại của Linh Từ Trần Thị Dung. Tô Trung Từ là người giới thiệu bà Dung cháu mình với Hoàng thái tử Sảm. Chính vì lẽ đó nên Tô Trung Từ được phong làm Điện tiền chỉ huy sứ đồng thời với tước Minh Tự của người cha là Trần Lý sau khi Hoàng thái tử Sảm và bà Dung kết duyên. Có lẽ do lỗi trước thuật ở đoạn sử này chăng ? nên gần đây có người viết sách nói: “đến đời Ninh tổ Trần Hấp thì dời cư từ Tức Mặc phủ Thiên Trường về thôn Lưu Gia, Hải Ấp …” và cái địa danh “Khu Bến Trấn” chưa từng có trong lịch sử được ra đời, rồi thổi hồn vào, theo dệt thành quý hương của nhà Trần như sách “Đền thờ tổ họ Trần …” đã chép.
Việc sang Trung Quốc, tỉnh Hồ Nam, thị trấn Nhạc Dương, gặp chủ quán cafee bên hồ Động Đình là Trần Đình Nhân thống tôn đời thứ 27 của Trần Ích Tắc, hoặc qua đường ngoại giao của 2 Viện sử học Việt Nam và Trung Quốc, để xin Photo bản cổ phả do Trần Ích Tắc biên soạn, nhằm khẳng định đúng hay không đúng những điều trích dẫn nơi sách “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam”. Và tộc phả chi họ Trần thôn Phương La là bản Hán tự càng tốt, nếu được công khai và được các Nhà Gia phả học khảo cứu thì việc xác định ngài Trần Hoàng Nghị có quan hệ hay không có quan hệ với dòng dõi tôn thất nhà Trần là điều không khó. Cả hai việc này đều ở trong tầm tay của Viện sử học ?
Ngoài những vấn đề nêu trên, sách “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam” còn có mấy sự kiện và nhân vật được “lấy râu ông nọ, cắm cằm bà kia”, làm cho lịch sử mất tính trung thực. Cụ thể như:
-Trần An Quốc anh trai của Trần Thủ Độ, được Đại Việt sử ký chép duy nhất một lần: “Thiệu Long năm thứ 7 (1264) tháng giêng, Thái sư Trần Thủ Độ chết (thọ 71 tuổi) truy tặng …. Thái Tông có lần muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm tể tướng. Thủ Độ tâu: “An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra sao ?”. Vua bèn thôi”. Theo đó, An Quốc chưa thấy có tài liệu nào được phong tước đại vương, và An Quốc là anh trai duy nhất được chính sử ghi chép. Vậy mà sách này trang 30, viết: “Đức tổ Hoằng Nghị đại vương Thượng đẳng phúc thần Trần Thủ Huy sinh 3 quý tử là: Trần An Quốc đại vương, vợ là công chúa Thiềm Hoa. Trần An Hạ đại vương, vợ là Đàm Thị Chiêu Trinh. Trần An Bang (tức Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ), vợ là Trần Thị Dung”. Và tại trang 31 chép: “Hiện nay ở thôn Vũ Bị, xã Vũ Bản huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, còn đình thờ An Quốc đại vương, công chúa Thiềm Hoa (vợ ông) và người con trai là Cự Việt Tín hầu. Có 5 đạo sắc phong của nhà vua …”. Theo các nguồn xác thực khác thì đền tại thôn Vũ Bị xã Vũ Bản thờ vợ chồng danh tướng công thần khai quốc nhà Lý là Thái sư Á vương Đào Cam Mộc và công chúa nhà Lý là Thiềm Hoa An Quốc, và khẳng định đã tìm thấy Ngọc phả Đào Cam Mộc và công chúa Thiềm Hoa An Quốc trong khuôn viên chùa Vũ Bị, ngọc phả lập năm 1502, chép Đào Cam Mộc sinh năm 942 tại xã Định Tiến, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Chính sử chép ông mất năm Thuận Thiên thứ 6 (1015).
– An Hạ đại vương và vợ là Đàm Thị Chiêu Trinh, được thờ tại đình An Hạ tại thôn Miễu (xóm 1), xã Đông Quang, huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình, được nhiều dịch giả dịch thuật, xin lược trích: “… An Hạ vương là cháu của vua (Lý) Anh Tông (1138-1176), là bậc sang quý lắm vậy. Ngài vốn là người ở sách Động Nhuế, được hoàng hậu Cao Tông họ Đàm là chị, và Thái phó Đàm Dĩ Mông là anh, gả em gái là Đàm Chiêu Trinh tức phu nhân An Hạ vương. Vào năm Thiên Gia Bảo Hựu (1202-1204) Ngài phụng mệnh đi dẹp giặc Chiêm, được nhân dân ủng hộ theo về. Xét công lao ấy phong tước An Hạ vương, cho trấn nhậm đất Nghệ An. Đến Trần quốc triều, năm Mậu Thìn – Thiệu Long thứ 11 (1268) tháng 8 nhuần ngày mồng 3, vương và phu nhân mất. Được tin, Trần Thánh Tông vô cùng thương xót, cho làm lễ truy niệm, cho khắc vào bia đá … Gia phong “Hoàng tông vinh tộc (ban họ Trần nhà vua) quý thịnh linh ứng diễn phúc phù tộ hoằng độ thâm lược An Hạ đại vương”, bà phi được phong “Đàm thị tộc huân hạnh tiêu Chiêu Trinh phu nhân”. Chuẩn cho 2 cỗ quan tài đồng đưa về táng tại Ninh Cường thổ phụ nguyên quán Đàm thị, cho lập lăng miếu từ sở, cho dựng bia chí, sức cho dân bổn ấp phụng thờ, tế lễ hàng năm”. An Hạ đại vương chính xác là cháu ruột của vua Lý Anh Tông và tước An Hạ đại vương do triều Trần Thánh Tông gia phong sau khi An Hạ mất. Sự thật bia ký và thần phả này đã bác bỏ hoàn toàn sự nối kết An Hạ đại vương làm anh trai của Trần Thủ Độ.
Bí sử thời Trần một phần nào đó đã được các Nhà sử học chân chính làm sáng tỏ. Nhưng với sách “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam” thì hoàn toàn không có, mà thực chất là những loạn sử nghiêm trọng. Ấy vậy mà tại trang 65, viết về “Người anh hùng tâm tài tỏa sáng”, có đoạn: “Phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo làm sáng tỏ những bí sử thời Trần”. Và trong Chúc văn dâng hương Đức Trần Hoằng Nghị Đại Vương cũng không thấy một điển cố nào nói về dòng dõi hoàng tộc hay công trạng của Ngài.
Xưa, ông Yết Hề Tư nói về việc làm sử: “Việc soạn sử lấy việc dùng người làm gốc. Người có văn học mà không biết cách chép sử, không thể cho dự vào Sử quán; người có văn học lại kiêm biết cách soạn sử, nhưng bụng dạ bất chính, cũng không được dự” – Trích: Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, mục Tôn chỉ và ý nghĩa trọng yếu của việc soạn sử.

Việc giải quyết tình trạng “sử tặc” hiện nay là trách nhiệm của Viện sử học, hoặc Viện sử học tham mưu cho Đảng và Nhà nước giải quyết. Công việc ấy không thuộc về Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, hay Hội Unesco Bảo tồn văn hóa dân tộc.

Quảng Nam, tháng 2/2020
Trần Phước Bình.

(Chú: Ngôi mộ tổ họ Trần “Phát đế vương”, theo gia phả dòng Nghệ An ghi: “ tọa Càn hướng Tốn”, và mô tả đặc điểm các hướng, thì ngôi mộ này rất có thể ở thôn Tam Đường (Tinh Cương), và là mộ ẩn (tàng mộ) nên không phải canh giữ lúc họ Trần chưa lên ngôi hoàng đế. Nếu đặt La Bàn, các hướng đều trùng khớp như mô tả thì mộ rất có thể được xác định).

Trở về nơi nhà Trần xuất hiện…

Toạ đàm khoa học về nhân vật lịch sử hư cấu Trần Hoằng Nghị …

 

BAN TRUYỀN THÔNG
TRẦN PHÚC ÁI

Trả lời