Trong túi có tiền, trong thân vô bệnh, trong tâm vô sự …

Làm sao để có Hạnh phúc ở tuổi trung niên: Trong túi có tiền, trong thân vô bệnh, trong tâm vô sự… 

Dưới đây là những kiến thức rất đáng quan tâm được chia sẻ từ chị Trần Phúc Ái, chuyên gia chăm sóc sức khoẻ, thành viên cố vấn cao cấp của Hội Doanh nhân họ Trần Hà Nội.

Chị Trần Phúc Ái đứng ở giữa, mặc vest màu xanh

Người đến tuổi trung niên, làm thế nào để cuộc sống hạnh phúc? Một ngàn người thì sẽ có một ngàn đáp án khác nhau. Cuộc sống này, không gì hơn là trong túi có tiền, trên thân vô bệnh, trong tâm chẳng lo lắng điều gì…

TRONG TÚI CÓ TIỀN
Đạo Đức Kinh viết: “Đại thành nhược khuyết, kỳ dụng bất tệ”.
Ý nghĩa là thứ hoàn mỹ đầy đủ nhất thì xem ra vẫn còn khiếm khuyết, nhưng tác dụng của nó lại không thể bỏ qua, không thể coi thường được.
Sự việc luôn có tính hai mặt, lấy tiền làm ví dụ: Tiền không phải là vạn năng nhưng không có tiền thì vạn sự bất năng.
Là ai cũng vậy, trước tiên cần phải tự nuôi sống bản thân, đối xử tốt với cha mẹ anh em, nuôi dạy con cái, sau đó mới có tư cách nói “Tiền không phải là tất cả”.

Người xưa dạy: ‘Một xu cũng có thể làm khó anh hùng hảo hán’. Con người khi lâm vào thế khốn cùng rất khó tránh khỏi nhụt chí, đạo lý trong đó thì chỉ cần một lần thiếu tiền là sẽ rõ.

Không chỉ người dân bình thường mà ngay cả bậc đế vương cũng có lúc sầu muộn vì tiền. Khi Tống Thái tổ Triệu Khuông Dận tung hoành tranh thiên hạ, ông chỉ là một tiểu tử nghèo khổ trong túi không có nổi một xu. Một lần thua trận và phải trốn chạy, ông đói khát không chịu nổi, vừa may lúc đó đi qua một ruộng dưa. Cụ già trông coi ruộng dưa nói: “Dưa hấu một xu một quả, không ngọt không lấy tiền”.
Triệu Khuông Dận trong người không có nổi một xu, ăn liền ba quả đều nói không ngọt. Cụ già nhìn thấu chiêu trò của ông, bèn quát: “Trông cậu tướng mạo đường đường, sao có thể làm cái việc như thế chứ?”.

Càng coi thường vật chất thì càng cần phải khống chế vật chất. Để giữ được sự tôn nghiêm của bản thân thì việc làm chủ vật chất càng trở thành điều kiện cần thiết nhất.
Đầu tiên cần có sự độc lập về kinh tế thì mới có thể độc lập về nhân cách.
Kinh tế không thể độc lập, thì hoặc phải dựa vào người khác, hoặc phải làm trái với lòng mình. Trong túi lép kẹp thì cái lưng cũng không thẳng được, nói chuyện cũng có vài phần thấp bé.

Tiền không cần nhiều, nhưng cần đủ, cũng cần phải theo kịp sự trưởng thành của con cái và tốc độ già đi của cha mẹ.
Trong túi có tiền thì mới có thể khiến bản thân và gia đình sống một cách có thể diện và tôn nghiêm.

TRONG THÂN VÔ BỆNH
Đạo Đức Kinh viết: “Danh dữ thân thục thân? Thân dữ hóa thục đa? Đắc dữ vong thục bệnh?”.
Ý nghĩa là thanh danh và sinh mệnh thì cái nào nặng cái nào nhẹ?
Sinh mệnh và của cải thì cái nào nặng cái nào nhẹ? Được và mất thì cái nào nặng cái nào nhẹ?
Lão Tử đã đưa ra một vấn đề vĩnh hằng: Con người sống trên đời, tiền tài, địa vị, danh vọng, được mất – cái nào là quan trọng hơn?

Tất cả đều không phải, vì cái quan trọng nhất, cái quan trọng hàng đầu vĩnh viễn là sức khỏe.

Sức khỏe là hòn đá tảng đặt nền móng cho sinh mệnh, là sự đảm bảo cho tất cả các hạnh phúc thế gian. Sức khỏe là số 1, gia đình, sự nghiệp, địa vị, tài sản đều là những số 0. Có số 1 đứng trước thì những số 0 phía sau đó mới làm nên giá trị. Không có số 1 đứng đầu thì bao nhiêu số 0 ở phía sau cũng trở nên vô nghĩa.

Do đó mới nói: Có tiền mà không có sức khỏe thì tất cả đều là vô ích.
Người xưa dạy: “Không bệnh nhẹ thân”, thân thể khỏe mạnh mới là hạnh phúc lớn nhất. Điểm này bình thường rất ít người nhận ra, chỉ những ai đã mắc trọng bệnh rồi mới có được thể nghiệm sâu sắc.

Người thế tục truy cầu lợi ích, không tiếc cái giá tổn hại thân thể mình. Tuổi trẻ đem sinh mệnh ra đổi lấy tiền, đến khi có tuổi thì lại lấy tiền mua sinh mệnh.
Người đến tuổi trung niên mới nhận ra rằng: Thân thể không chỉ thuộc về chính mình, mà hạnh phúc của cả gia đình đều liên quan đến tấm thân. Một khi mắc trọng bệnh, không chỉ bản thân chịu đau khổ giày vò, mà còn liên lụy đến cả gia đình, thân nhân trên dưới đều cõng thêm gánh nặng.

Sức khỏe cũng là trách nhiệm. Giữ gìn sức khỏe không chỉ là có trách nhiệm đối với bản thân mà còn là có trách nhiệm đối với cả gia đình.
Vậy nên, yêu thương bản thân, yêu thương người nhà thì hãy quan tâm chăm sóc tốt sức khỏe của chính mìn

TRONG TÂM VÔ SỰ
Đạo Đức Kinh viết: “Trí hư cực, thủ tĩnh đốc”.
Ý nghĩa là dốc sức khiến cái tâm đạt đến cảnh giới hư tĩnh thì có thể giữ được sự yên tĩnh, yên bình của cuộc sống.
“Hư” nghĩa là thanh trừ những tạp niệm và dục vọng trong nội tâm.
“Tĩnh” nghĩa là yên ổn, yên định, lòng không tạp niệm, không bị xáo động bởi ngoại vật.
Trang Tử nói: “Hư thất sinh bạch”, nghĩa là tâm con người giống như một căn phòng, nếu nhét đầy đồ vật thì đèn dẫu sáng đến mấy cũng không chiếu sáng tới.
Thế giới không ngừng thay đổi, luôn luôn có ngoại vật làm nhiễu loạn cái tâm của chúng ta.
Nội tâm cứ động theo ngoại vật thì sẽ khiến con người càng ngày càng trở nên nóng nảy bồn chồn, càng ngày càng bất an. Nội tâm yên tĩnh thì sẽ không có nút thắt trong tâm. Không có nút thắt trong tâm thì sẽ nhẹ nhàng thoải mái, ung dung tự tại.
Người xưa nói: “Trong tâm hữu sự thì cả thế gian cũng trở thành nhỏ bé chật chội, trong tâm vô sự thì một chiếc giường cũng trở nên rộng lớn”.
Cuộc sống chính là đem niềm vui và yên tĩnh vào trong tâm, hòa tan hết thảy những phiền não và ưu sầu.
Thiền ngữ có câu nói: ‘Ngày ngày đều là ngày đẹp, giờ giờ đều là giờ tốt’.
Một người nếu có được cuộc sống ngày ngày đều hạnh phúc, giờ giờ đều an vui thoải mái thì điều trước tiên là có được tâm tình thư thái.
Phiền não thường là do tự bản thân tìm đến. Trên đời vốn vô sự, người tầm thường tự nhiễu sự. Thế nên muốn giải thoát khỏi lao tù phiền não thì cần buông bỏ hết thảy tạp niệm trong tâm, giữ được cái tâm vô sự thì nhất định sẽ hưởng thụ được yên bình.

Trong túi có tiền, cả đời sống vô lo. Trên thân vô bệnh, cả nhà vui phơi phới. Trong tâm vô sự, sinh mệnh thư thái tự tại.

Chúc bạn đọc sức khỏe bình an vạn sự như ý!

 

BAN TRYỀN THÔNG
TRẦN PHÚC ÁI

Trả lời