” Bầu Đức”, cái tên không xa lạ với công chúng. Không chỉ là một Doanh nhân lớn, theo quan điểm cá nhân tôi, ông còn là một nhân cách lớn, một tấm gương trong sáng đáng ngưỡng mộ và đáng được tri ân bởi những đóng góp cống hiến của ông đối với nền thể thao nước nhà, sự tự tôn dân tộc, trọng tình trọng nghĩa thể hiện qua nhân cách sống …
Sau này, người ta có thể không nhớ đến một Doanh nhận Đoàn Nguyên Đức, nhưng nhất định người ta sẽ nhớ đến một “Bầu Đức”, một con người trượng nghĩa dành rất nhiều tâm sức, tiền của để kiến tạo nên niềm tự hào dân tộc Việt Nam thông qua việc Xây dựng nền tảng cho đội bóng đá dẫn đến chiến thắng dành huy chương Vàng SEA GEMAS 30.
Tôi đến Campuchia vào những ngày cuối tháng 10. Như đã hẹn trước từ ở Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai đồng ý đón tôi tới thăm trang trại của họ ở Rattanakiri – nằm ngay cạnh khu bảo tồn thiên nhiên Lompat nổi tiếng của Campuchia.
Hành trình từ Siem Reap đến Rattanakiri kéo dài bất thường vì chúng tôi đi lạc trong rừng suốt nhiều tiếng. 12h đêm, xe mới về đến trang trại. Người đứng đầu phía Hoàng Anh Gia Lai tại Campuchia khi đó vẫn chưa ngủ, chờ để đón chúng tôi ngay tại cửa xe, lo lắng và ái ngại vì chuyến đi không được thuận lợi như dự kiến.
Tất cả mọi người đều cố mong tôi thông cảm vì “phải xếp cho chị nghỉ ở phòng chủ tịch đêm nay thôi, chứ cũng không còn một phòng đơn nào nữa. Phòng không có nhà vệ sinh riêng đâu, nhưng yên tâm, đó là phòng tốt và an toàn nhất ở đây”.
Nằm ở lầu 3, phía sau cánh cửa gỗ không bao giờ khóa là căn phòng của bầu Đức, có diện tích rất nhỏ, chắc cỡ 15m2. Vị trí của nó là ngay đầu cầu thang, khiến tôi thắc mắc vì sao người đàn ông từng giàu có nhất Việt Nam (theo giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán) lại chọn căn phòng vừa có thể gọi là chính, lại có thể gọi là rất phụ này để nghỉ ngơi?
Ngay khi mở cửa vào, tất cả mọi thứ trong phòng đều gợi đến một so sánh đơn giản: Nó giống với tất cả các nhà khách, nhà nghỉ cấp huyện mà tôi từng có cơ hội đến khi đi công tác tỉnh.
Tôi bắt đầu quan sát kỹ hơn vì tò mò, từ chiếc bàn làm việc. Trên bàn là tivi, bút, giấy. Mặt bàn khá sạch. Một tủ lạnh cá nhân bé bé rất giống loại trong các khách sạn, đặt ngay cạnh bàn làm việc. Trong tủ lạnh có 3 chai nước suối. Ngay cạnh giường là giá treo đồ. Chiếc tủ sắt nhiều ngăn nằm ở một góc khác, phù hợp với việc chứa tài liệu hơn là dùng cho phòng ngủ.
Điểm nhấn và chiếm không gian nhất ở căn phòng này là chiếc giường có màn treo sẵn. Chủ nhân của chiếc giường này chính ra không hề là một người cầu kỳ về gu thẩm mĩ. Màu sắc, kiểu dáng… của ga gối đều gợi lên cảm giác rất phổ thông, một kiểu mà phố huyện chắc đã bày bán cả chục năm nay rồi. Chăn màn có mùi ấm áp và gần gũi, giống như kiểu vải phơi được nắng, giòn tan, sạch sẽ, dễ dàng làm hài lòng vị khách bộ hành đang mệt mỏi.
Chỉ có chiếc đệm mang lại cảm giác hoàn toàn khác, dễ chịu và biết nâng đỡ cơ thể một cách nhẹ nhàng. Hình như chủ nhân căn phòng này làm cao su, nên tấm đệm thậm chí còn hơn đứt bộ đệm ở khách sạn 5 sao đêm qua tôi vừa nằm.
Hôm sau, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá vườn chuối vào lúc 6h sáng và phải sử dụng ô tô, bởi không ai có thể đủ sức đi bộ ra vườn chuối với tổng diện tích lên đến hơn 8.000 ha. Công tơ mét trên xe cho thấy, đến hết ngày chúng tôi đã đi được 175km trong tổng số 500km đường giao thông nội bộ ở trang trại này.
13h00 ngày 25/10/2019, sau bữa cơm trưa giữa vườn chuối, mọi người đi nghỉ tránh cái nắng gay gắt của vùng cao nguyên Rattanakiri Campuchia, tôi đã tình cờ gặp và trò chuyện với chị Trương Thị Tiên, nhân viên tạp vụ tại dự án Hoàng Anh Gia Lai Campuchia.
Thanh An: Chị ở đây lâu chưa?
Trương Thị Tiên: Mình qua Campuchia được hơn 3 năm rồi. Việc của mình là dọn dẹp tạp vụ, ban đầu chưa quen việc quen vườn, cũng lo lắm. Mà hồi đó ở đây còn hoang vắng lắm. Nhiều hôm chú Ba Đức qua, gần 12 giờ đêm chú mới họp xong với mọi người. Lúc đó mình mới bắt đầu đi dọn vì sợ sáng mai làm không kịp. Vừa làm mà nước mắt cứ chảy hoài. Người ta đi ngủ hết rồi, đây là công việc của mình thì mình thức thôi, nhưng vì bóng tối um tùm nên sợ ma lắm.
Bây giờ dự án phát triển khinh khủng rồi. Xưa cả vườn có hơn 1.000 người làm thì bữa nay nhận thêm nhiều thiệt nhiều người, đông um xùm luôn. Rồi xe cộ nửa đêm đầu sáng cứ chạy tới chạy lui. Nói chung vui lắm.
Xe chở khách nè, chở công (container) nè; khách hàng nước ngoài có khi cả mười nhóm đến liên miên, cả chuyên gia nữa. Rồi cán bộ người Việt bây giờ sang đông lắm. Mình có bạn có bè nên cứ tối đến là ra sân ngồi chơi nói chuyện. Điện thắp sáng trưng, không còn biết sợ như mấy năm trước. Có khi trung tâm thị xã cũng không vui bằng ở đây.
Thanh An: Ông Ba Đức có hay sang không chị?
Trương Thị Tiên: Ít lắm. Nói chung có tháng ổng qua 3 lần, có tháng ông qua 2 lần, có tháng thì không qua. Mà mỗi lần ổng qua chỉ dăm ba ngày thôi nên ổng cứ đi làm miết có khi từ 4h sáng cho đến 11h đêm mới nghỉ.
Có hôm trưa về, dọn cơm lên rồi thấy nhoáng qua một cái, ông kêu: “Dọn trái cây tráng miệng con”. Mình bưng trái cây lên, mới tính nhanh như vậy, chắc chắn ông chỉ đủ ăn được một chén cơm. Tại vì ổng mới ngồi xuống là mình quay lưng đi vô bếp, đặt cái khay lên bệ thì ổng kêu ông ăn xong rồi. Hỏi thử sao mà kịp ăn hai ba chén cơm? Ăn một chén cơm còn là nhanh đó.
Ổng lớn tuổi rồi mà thấy ổng làm lụng quần quật miết, thấy cực đúng không?
Mình làm công ăn lương tưởng là đủ vất vả rồi, nhìn thấy ổng vất vả gấp nghìn lần để tạo dựng cơ ngơi, rồi buôn bán với khắp người Nhật, người Trung, người Hàn để trả lương cho mấy chục nghìn người. Người Campuchia đi làm ở đây, người ta cũng biết ơn ổng vô đây khai hoang tạo việc làm cho người bao nhiêu tỉnh.
Mà ở đây, ai cũng thương chú Ba hết. Mấy người ai cũng nói: Tội nghiệp ông Ba Đức giàu có đâu không biết, chưa thấy sự hưởng thụ của ổng đâu nhưng đi làm thì ổng cực nhất trong mấy nghìn người.
Làm cực vậy mà ổng có la gì ai bao giờ đâu.
Thanh An: Ông ấy không bao giờ la mắng ai?
Trương Thị Tiên: Không! Mình làm hơn 3 năm trời mà chưa bao giờ thấy chú Ba kêu hay la ai một tiếng nào, cũng chưa bao giờ nhân viên làm những điều ổng không hài lòng mà ổng kêu đuổi việc đuổi đồ, hay thóa mạ. Nói chung giàu có khinh khủng ở đâu không ai biết, nhưng nhìn cách ổng sống với mọi người, thấy ổng thân thiện như một gia đình.
Ai chào ổng thì ổng cũng gục đầu chào bình thường. Sáng mình lau dọn mà thấy ổng, giật mình ngước lên mới nói: “Con chào chú!” Mình thấy cái vui vẻ của ổng khi ổng gật đầu chào lại là mình vui. Không có cấp trên vai vế một cái gì đâu. Chú Ba sống vậy nên anh em ai cũng thương.
Bình thường ông không nề hà chuyện tấm áo manh quần, nhanh gọn để mà làm việc. Chính mấy ông sếp nông trường, hồi lúc ra ăn cơm còn bận quần áo ngon lành hơn chú Ba. Nếu mà nhìn vô chắc không ai cho ổng là sếp lớn nhất đâu. Đây là mình biết chú Ba Đức, rồi mình biết ổng là sếp lớn. Chứ như khách nước ngoài nhìn vô để tìm ra được ông sếp HAGL chắc không biết nổi ông nào.
Ổng còn hơn cả cái ông nông dân nữa thì nghĩ làm sao?
Thanh An: Có thể vì tính cách đó mà tôi thấy căn phòng của ông ấy rất đơn giản?
Trương Thị Tiên: Đơn giản vậy thôi chị, không có gì hết. Chỉ có tivi với cái tủ đồ trống cho ổng để quần áo, bàn làm việc thêm tủ lạnh nhỏ xíu với máy lạnh vậy thôi. Hôm nào chú qua mình có bỏ mấy chai nước lạnh vô. Ổng ưng thì uống, không thì ổng để đó. Rồi vậy thôi chứ không có gì hết.
Do bữa nay là đông khách đến mua chuối ở hết phòng nên giám đốc công ty mới quyết định dọn phòng chú cho chị ở, chứ phòng chú Ba là không có ai được ở đâu.
Thường xuyên cứ năm ba bữa, chú Ba không qua thì mình cũng tự lên quét dọn, mở cửa cho thoáng. Chừng nào chú Ba qua thì mình thay đệm, thay ga gối trước để chú bước vô phòng là sạch sẽ không bị thiếu hơi người. Mà phòng của ổng là phòng bé nhất, có hơn 15m2 à.
Thanh An: Có cảm giác như không phải phục vụ mà là chị đang chăm sóc ông ấy?
Trương Thị Tiên: Không phải chỉ có mình đâu, bữa nào chú sang là các chị nuôi ở đây cũng chuẩn bị một chén muối ớt chanh. Bữa nào cũng như bữa nào vậy. Hay lắm, như là món ruột vậy á. Rau luộc bữa nào cũng có một đĩa, thêm con cá nướng.
Chẳng qua nấu mâm cao cỗ đầy là để ổng đãi khách. Còn với chú Ba, món sở thích của chú thì mình thấy giản dị lắm. Nó giống như một người nông dân bình thường vậy. Chứ không có chuyện “tao qua là mày phải giật heo giật bò hay làm cái nọ làm cái kia cho tao ăn”. Hồi giờ mình cứ nghĩ, ủa sao ổng ăn bình thường vậy? Mình bảo bếp là “ổng đi cả ngày trời, ổng mệt thì phải cho ổng ăn cái gì cho có sức khỏe chứ. Ăn muối ớt làm chi?”. Mấy người mới kêu: “Bớt giỡn đi, không có muối là mệt với ổng đó”.
Thanh An: Thú vị thật! Ngoài muối ớt chanh ra ông ấy còn thích ăn gì?
Trương Thị Tiên: Nói chung chú Ba làm việc quên ăn quên uống, kiểu không tả được. Mình cứ tưởng tượng có công việc gì đi nữa thì mình làm cả ngày mệt rã rời, mình cần nhất ăn miếng cơm để lấy lại sức rồi tiếp tục làm việc. Nhưng với chú Ba, công việc là một công khoán, phải làm cho xong trách nhiệm đó rồi mới tính tới ăn uống, sức khỏe của mình sau.
Đi bên cạnh chú lúc nào cũng có một hũ sắn dây. Những khi đói bụng quá, ổng mà ở đây thì mình pha cho ổng, còn ổng đi trên xe trên đường, hay qua nông trường thì ổng nhờ tài xế pha cho. Rồi lúc nào mình cũng đùm cho nải chuối gửi tài xế cầm đi, để ở đồng không kịp ăn cơm, lỡ lên xe đói bụng ổng có cái mà lót dạ. Ổng thích ăn chuối. Mà cũng không đòi hỏi nha.
Nhiều khi hỏi tài xế của ổng là trên xe chú Ba có cái gì ăn không mà chú ăn cơm ít vậy? Ý là mình nghĩ chắc ổng phải ăn cái gì đặc biệt của người quan trọng. Tài xế kêu không ăn gì cả, ngồi trên xe ổng uống miếng nước rồi thôi. Thêm sắn dây hồi nào đói thì ông uống một miếng cho nó mát mẻ. Vậy là xong. Chứ không có gì đâu.
Còn bữa nào mà mình thấy ổng qua, nếu bếp có đậu là mình nấu chè để ông ăn cho mát. Mà ổng cũng hay ăn đêm. Ví dụ, ông họp xong lúc chín mười giờ đêm, bưng ly chè ra ông ăn miếng rồi ông lên lầu. Hồi giờ mình ra đời đi làm mà nhìn người, thì thấy chú Ba sống hay thiệt.
Chú Hưng (tên thường gọi của ông Nguyễn Quan Anh – Phó Tổng giám đốc HAGL Agrico, Tổng giám đốc HNG Campuchia)
Thanh An: Mọi người ở đây có học theo ông ấy không?
Trương Thị Tiên: Mình thấy chú Hưng (tên thường gọi của ông Nguyễn Quan Anh – Phó Tổng giám đốc HAGL Agrico, Tổng giám đốc HNG Campuchia) cũng giống chú Ba. Ổng cũng không đời nào ổng nói gì ai hết. Chú Hưng sống cũng giản dị.
Ví dụ trong công việc ông nói gắt gao vậy thôi, chứ hết công việc rồi là anh em ngồi chia sẻ góp ý nhau, cái gì sai trái là cũng đối xử hài hòa lắm. Thỉnh thoảng xuống nhà bếp là cũng nói chuyện, hỏi thăm. Rồi mấy đứa trong công ty cũng đùa giỡn với chú bình thường.
Được 2 ông sếp này hay vậy. Mình mến lắm đó. Ông Chủ tịch cũng mến mà ông Giám đốc cũng mến. Chứ nhiều người họ giàu, họ làm sếp, họ sống khác không có giống chú Ba này đâu.
Ủa mà chị đã tiếp xúc với chú Ba nhiều chưa?
Thanh An: Dạ chưa.
Trương Thị Tiên: Ổng cũng dễ mà./.
Nguồn: Tri thức trẻ …
BAN TRUYỀN THÔNG
TRẦN MINH CƯỜNG (Sưu tầm)