Trong 3 lần kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên xâm lược, quân dân Đại Việt đã trải qua 10 trận đánh lớn với chiến công chói lọi đã đi vào sử sách dân tộc …
Bình Lệ Nguyên (1258): Đây là cuộc đụng độ đầu tiên giữa quân, dân nhà Trần với đội quân xâm lược hung hãn đến từ Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy. Trận đánh diễn ra vào ngày 17/1/1258 tại Bình Lệ Nguyên (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Đối đầu với đội quân Mông Cổ, quân đội nhà Trần dưới sự chỉ huy trực tiếp của vua Trần Thái Tông đã thất bại, không thể ngăn cản bước tiến quân thù. Nghe theo lời của tướng Lê Tần (Lê Phụ Trần), vua cho lui binh chiến lược, tránh đối đầu trực tiếp với quân thù đang mạnh.
Đông Bộ Đầu (1258): Rút lui chiến lược tại Bình Lệ Nguyên là quyết định chuẩn xác vừa giúp quân ta tránh tổn thất, vừa khiến quân địch không thể “đánh nhanh thắng nhanh”. Sau hơn 10 ngày chờ cho quân địch mệt mỏi, vua tôi nhà Trần tung quân ra đánh, tiến vào đại bản doanh của địch, làm nên chiến thắng Đông Bộ Đầu (28-29/1/1258). Thất bại trong trận Đông Bộ Đầu buộc đội quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy phải bỏ chạy về. Cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ nhất giành thắng lợi.
Vạn Kiếp – Lục Đầu (1285): Đây là trận đánh lớn đầu tiên giữa quân đội đôi bên trong cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ 2 (1285). Sau một loạt trận đánh trước đó, Trần Hưng Đạo quyết định lui binh về Vạn Kiếp. Ngày 11/2/1285, quân Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy theo hướng thủy, bộ tiến vào Vạn Kiếp. Quân ta chống giữ suốt 3 ngày liền, trước thế mạnh của địch, Hưng Đạo Vương buộc phải cho quân lui xuống thuyền. Cùng lúc, vua Trần tung 100.000 quân dự bị ở Thăng Long ra Lục Đầu để chặn địch vào Thăng Long. Sau những trận đánh ở đây, quân Trần tiếp tục lui binh, thực hiện rút lui chiến lược.
Chương Dương cướp giáo giặc (1285): Trận Chương Dương độ diễn ra tại bến Chương Dương (nay thuộc địa phận huyện Thường Tín, Hà Nội) vào khoảng tháng 5, 6 Âm lịch (1285). Trong trận đánh này, các lực lượng quân Trần đã tập kích phá tan căn cứ thủy quân Nguyên, tạo mở ra thời cơ đánh úp đại bản doanh địch, tái chiếm kinh thành Thăng Long. Thượng tướng Trần Quang Khải đem quân vào Thăng Long, cảm khái trước sự dũng mãnh của dũng sĩ và nhân dân đã xuất khẩu thành thơ: Chương Dương cướp giáo giặc / Hàm Tử bắt quân thù / Thái bình nên gắng sức / Non nước ấy nghìn thu.
Hàm Tử bắt quân thù (1285): Sau cuộc rút lui chiến lược về Thiên Trường (Nam Định) từ tháng 2/1285 để vào Thanh Hóa, vua tôi nhà Trần bắt đầu mở cuộc phản công vào các cứ điểm quan trọng của quân Nguyên tại vùng Khoái Châu, Hưng Yên. Trận quyết chiến tại cửa Hàm Tử diễn ra vào cuối tháng 5/1285, 50.000 quân do Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chỉ huy đã nhanh chóng giành thắng lợi. Chiến thắng Hàm Tử góp phần tiêu diệt và quét sạch 500.000 quân Nguyên ra khỏi bờ cõi, giải phóng hoàn toàn Đại Việt.
Trận Tây Kết (1285): Sau các chiến thắng Hàm Tử, Chương Dương, Trần Hưng Đạo chia quân chặn các ngả đường không cho Thoát Hoan và Toa Đô liên lạc với nhau. Tiếp đó, Vương đem binh đến Tây Kết tấn công quân Nguyên, đặt phục binh bắt sống Toa Đô. Quân ta càng đánh càng mạnh, quân địch chống cự không nổi, Ô Mã Nhi và Toa Đô phải đem tàn quân chạy ra biển, tiếp tục bị phục binh của ta đổ ra vây đánh. Trong trận đánh này, Toa Đô bị tướng Nguyễn Khoái bắn chết, Ô Mã Nhi chạy vào Thanh Hóa, tiếp tục bị truy đuổi, phải dùng thuyền trốn chạy về nước. Trận đánh Tây Kết thắng lợi rực rỡ, toàn bộ 80.000 quân Nguyên bị chúng ta bắt sống và tiêu diệt.
Truy kích Như Nguyệt – Vạn Kiếp – Vĩnh Bình (1285). Sau thắng lợi ở Tây Kết, quân dân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo tiến hành truy kích quân Nguyên trên khắp Đại Việt với những trận đánh ở Như Nguyệt – Vạn Kiếp – Vĩnh Bình khiến quân Nguyên bỏ chạy. Cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ 2 giành thắng lợi.
Chiến thắng Vân Đồn (1288): Đây là trận đánh ghi dấu ấn lớn của tướng Trần Khánh Dư vào tháng 1/1288. Trong trận đánh này, quân Trần đã đánh bại đoàn thuyền lương của quân Nguyên do Trương Văn Hổ chỉ huy. Toàn bộ 14.300 thạch lương bị đánh chìm khiến đạo quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy đi vào nước ta trước đó hoàn toàn tê liệt.
Ải Nội Bàng (1288): Biết tin đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ bị đánh chìm ở Vân Đồn (Quảng Ninh), quân Nguyên hoàn toàn hoảng loạn và suy sụp. Thoát Hoan quyết định rút quân về nước theo 2 đường thủy bộ. Đích thân Thoát Hoan chỉ huy đạo quân bộ rút về Trung Quốc. Khi đến ải Nội Bàng (Lạng Sơn), đạo quân Nguyên bị phục binh của Phạm Ngũ Lão đổ ra đánh, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng thoát thân.
Bạch Đằng lần thứ 3 (1288): Màn đụng độ cuối cùng giữa quân, dân Đại Việt với kẻ địch trong 3 lần chiến thắng chống Mông – Nguyên. Trận đánh diễn ra vào 9/4/1288. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trần Hưng Đạo cùng 2 vua Trần, bằng thế trận cắm cọc xuống sông Bạch Đằng dụ địch mắc bẫy, quân Trần đã tiêu diệt toàn bộ đạo thủy quân giặc Nguyên Mông trên đường tháo chạy về nước.