Chạy bộ không chỉ là sở thích. Đó là biểu hiện của sự tự kỷ luật ở những người thành công, là nơi để chiến thắng với chính mình ngay từ trong suy nghĩ…
Haruki Murakami là một trong những tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước Nhật. Ông viết những phẩm sản phẩm đầu tay của mình từ khi 29 tuổi và đến nay, khi đã 70 tuổi, Haruki Murakami vẫn là một cái tên đình đám trong làng văn học với nhiều tác phẩm nổi trội qua từng năm như “Rừng Na Uy”, “1Q84”, “Kafka bên bờ biển”, “Biên niên ký chim vặn dây cót”…
Thế nhưng, điều mà mọi người ít biết đó là, ngoại trừ khả năng viết lách, Haruki Murakami còn là một vận động viên chạy đường dài đã tham gia rất nhiều cuộc đua marathon khác nhau và đạt được nhiều kết quả tốt.
Chính bản thân Haruki Murakami từng chia sẻ, thói quen chạy bộ 10 cây số mỗi ngày đã giúp ông thay đổi cả cuộc đời. Thực tế, chạy bộ không phải là một sở thích để ông theo đuổi mà đó là nguyên tắc ông tự đặt ra cho mình khi bắt đầu kiếm sống bằng việc viết lách.
Vào thời điểm trước 29 tuổi, ông mở một quán rượu và quen với lối sống ngủ ngày làm đêm, đảo lộn đồng hồ sinh hoạt của bản thân rất nhiều. Khi ông quyết định dành toàn bộ thời gian và tâm huyết của mình vào việc viết tiểu thuyết, Haruki Murakami nhận ra rằng, là một nhà văn, mỗi lần ngồi vào bàn làm việc trước máy tính, có thể ông phải mất hàng giờ đồng hồ mới rời chỗ và đứng lên một lần. Do đó, cơ thể ông phì ra nhanh chóng, sức khỏe thể chất trở thành một vấn đề cực kỳ nan giải. Để bản thân có thể khỏe mạnh hơn, ông bắt đầu duy trì thói quen chạy bộ, thức dậy vào lúc 4 giờ sáng mỗi ngày và tập chạy khoảng 10 cây số.
Từ khi bắt đầu thói quen này, Haruki Murakami nhận ra bản thân mình đã làm việc hiệu quả hơn rất nhiều. Cuộc sống lành mạnh giúp ông trở nên minh mẫn và tỉnh táo hơn, năng lực tư duy cũng mạnh mẽ hơn, nhờ đó phát huy được khả năng sáng tạo một cách vượt trội.
Trong quyển sách “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”, tổng hợp nhiều mẩu truyện ngắn về cuộc đời chạy bộ của chính Haruki Murakami trong nhiều năm, tác giả đã viết: Chạy bộ hơn 30 năm, tham gia hơn 20 cuộc thi Marathon lớn nhỏ khác nhau, mỗi ngày đều đặn tập 10 cây số, trên những cung đường với chỉ một mình, tôi có thể dễ dàng giải phóng suy nghĩ của bản thân mình, đôi khi suy nghĩ rất nhiều nhưng cũng đôi khi chẳng có mà một chữ nào trong đầu cả.
Chạy marathon không hề giống với việc chạy nước rút. Lúc đầu, khi cơ thể còn sung sức và hưng phấn, chúng ta có thể thảnh thơi vừa chạy vừa ngắm nhìn những phong cảnh xung quanh. Nhưng khi quãng đường chạy ngày càng kéo dài, đó dần trở thành một cuộc chiến với chính bản thân mình. Thử thách khó nhất ở đây chính là việc bắt cơ thể không ngừng vượt qua những ước muốn đình công để hoàn thành đường đua rất dài hàng chục cây số như vậy.
Chạy bộ không chỉ là một môn thể thao dễ dàng với một đôi giày tập đơn giản, đó còn là hành trình đối mặt với đau đớn và mệt mỏi không ngừng nghỉ. Nhưng những lúc đổ mồ hôi nhễ nhại, chạy đến khi mệt rã rời, vượt qua thử thách của bản thân mình, Haruki Murakami lại thấy rằng: “Từ thất bại và niềm vui, tôi luôn cố gắng bước ra sau khi đã hiểu thấu một bài học cụ thể. Hầu hết những gì tôi biết về viết lách đều học được từ việc chạy bộ hàng ngày. Đó là những bài học thực tế và tự nhiên”.
Ông cảm nhận tâm trí bản thân đang trở nên minh mẫn, sáng suốt hơn. Trong quá trình chạy, sự sáng tạo cũng tuôn tràn không ngừng khi rất nhiều ý tưởng tiểu thuyết nảy sinh trong đầu ông trên chính đường đua dài.
Châm ngôn của Haruki Murakami chia sẻ là: “Để giải quyết một thứ không lành mạnh, một người cần phải khỏe mạnh nhất có thể. Nói theo cách khác, một tâm hồn yếu đuối cần một cơ thể khỏe mạnh”.
Chính lối sống đúng đắn và lành mạnh này đã giúp Haruki Murakami đạt được những thành tựu rực rỡ trong văn học, trở thành một cây thường xanh bền lâu trong thế giới của những ngòi bút, không ngừng tồn tại và phát triển.
Bản thân tác giả cũng cho rằng, nếu mình không vừa là một người chạy bộ, vừa làm một tiểu thuyết gia, các tác phẩm của ông sẽ rất khác so với bây giờ, tuy thật khó để nói khác như thế nào, nhưng thứ gì đó chắc chắn sẽ khác. Điều đó càng chứng tỏ quan điểm rằng, đối với nhà văn, chạy bộ không chỉ mang ý nghĩa với việc tìm kiếm sự cân bằng, mà đó còn là sức mạnh dẫn dắt ngòi bút.
Biết quan tâm tới sức khỏe thể chất là biểu hiện của một người thực sự có tầm nhìn xa trông rộng và có nề nếp kỷ luật mạnh mẽ. Họ luôn buộc bản thân phải phát triển những thói quen tốt để duy trì một sức khỏe tốt. Nếu không có cơ thể khỏe mạnh, một tâm trí minh mẫn thì mọi nỗ lực để làm giàu, phát triển đều trở nên vô nghĩa. Đây cũng là lý do tại sao nhiều doanh nhân có thói quen tập thể dục và đọc sách. Họ làm không vì sở thích cá nhân, mà coi đó là một nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện mỗi ngày nếu muốn bản thân có thể đi thật xa và đi thật lâu.
Khi nhắc đến công việc bàn giấy, công sở, gần như chúng ta ai cũng có thể kể ra hàng loạt ảnh hưởng xấu do nghề nghiệp mang tới như là ít vận động, ngồi nhiều, dễ mắc các bệnh về cột sống, thị lực, hệ hô hấp,… Ngoài những người làm việc theo giờ hành chính còn có những người theo nghiệp freelancer cũng thường xuyên tiếp xúc với máy tính thậm chí còn phải đối mặt với thói quen làm việc không tuân theo giờ giấc cố định, thức khuya, dậy muộn, mất cân bằng về đồng hồ sinh hoạt… Do đó, sức khỏe của họ lại càng suy giảm trầm trọng hơn.
Làm việc chăm chỉ là quan trọng, nhưng một cơ thể khỏe mạnh mới là tiền đề quan trọng nhất cần đặt lên hàng đầu. Sức khỏe chính là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự nghiệp có thể phát triển lâu dài hơn. Vì cuộc sống là một chặng đường dài, bạn muốn đi thật xa, phải có hành trang và thể lực đủ vững.
Nguồn: Càfef – Sưu tầm
BAN TRUYỀN THÔNG
TRẦN MINH CƯỜNG