Trong lịch sử Việt Nam, triều đại nhà Trần, trị vì 175 năm (1225-1400) với 12 vị vua, là một thời đại hưng thịnh nhất của dân tộc Việt được khắc ghi vào trang sử vàng dân tộc với chiến công lừng lẫy 3 lần đánh tan đế chế xâm lược giặc Nguyên-Mông, đội quân xâm lược lớn mạnh nhất thời kỳ đó …
Lược sử 12 đời vua triều đại Nhà Trần
- Trần Thái Tông (Trần Cảnh, 1225 – 1258)
Sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần – 1218, con thứ của ông Trần Thừa và bà họ Lê. Tổ tiên Nhà Trần là Trần Kính vốn gốc ở Đông Triều (Quảng Ninh) chuyên nghề đánh cá, đến ở hương Tức Mạc, phủ Thiên Trường (nay là xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định), sinh ra Trần Hấp, Trần Hấp sinh ra Trần Lý.
Trần Lý sinh raTrần Thừa, Trần Tự Khánh và Trần Thị Dung. Trần Thủ Độ là cháu họ, được Trần Lý nuôi nấng từ nhỏ coi như con. Trần Thừa sinh ra Trần Liễu và Trần Cảnh là con trai, sau có mối tình với cô thôn nữ ở thôn Bà Liệt tên là Tần, sinh ra Trần Bá Liệt. Dưới sự đạo diễn của Trần Thủ Độ, lúc đó là Điện Tiền chỉ huy sứ, ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu – 1225, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh.
Ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu – 1225, Trần Cảnh chính thức lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Kiến Trung, phong Lý Chiêu Hoàng làm Chiêu Thánh Hoàng hậu, phong Trần Thủ Độ là Thái sư thống quốc hành quân vụ chinh thảo sự.
Mùa hạ, tháng 6 năm Nhâm Thìn – 1232, vua Trần Thái Tông ban bố các chữ quốc huý và miếu huý.
Vì Tổ nhà Trần là Trần Lý mới đổi họ Lý sang họ Nguyễn. Năm Đinh Dậu – 1237, Trần Thái Tông lấy Chiêu thánh Hoàng hậu đã 12 năm mà chưa có con. Trần Thủ Độ và vợ là công chúa Thiên Cực ép vua Trần Thái Tông bỏ Chiêu Thánh để lấy chị dâu (vợ Trần Liễu) là công chúa Thuận Thiên đã có mang 3 tháng làm Hoàng hậu. Trần Liễu tức giận đem quân ra sông Cái làm loạn. Còn vua Trần Thái Tông đang đêm bỏ trốn lên chùa Phù Vân, núi Yên Tử, Quảng Ninh để phản đối.
Trần Thủ Độ dẫn các triều thần lên núi mời vua trở về kinh sư. Vua nói: “Vì trẫm non trẻ chưa cáng đáng nổi sứ mệnh nặng nề, phụ hoàng lại vội lìa bỏ, sớm mất chỗ trông cậy, nên không dám giữ ngôi vua mà làm nhục xã tắc”.
Trần Thủ Độ cố nài xin nhiều lần, vua vẫn không nghe, mới bảo mọi người rằng: “Xa giá ở đâu là triều đình ở đó”. Rrồi sai người xây dựng cung điện. Bấy giờ nhà vua mới chịu về kinh đô.
Trần Liễu làm loạn ở sông Cái được vài tuần, lượng thấy thế cô, bèn ngầm đi thuyền đến chỗ vua xin hàng, anh em nhìn nhau mà khóc.
Trần Thủ Độ nghe tin, đến thẳng thuyền vua, rút gươm định giết Trần Liễu. Nhà vua phải lấy thân mình che đỡ cho anh. Trần Thủ Độ tức lắm ném gươm xuống sông nói: “Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịch thế nào?”
Vua nói giải hoà, rồi bảo Trần Thủ Độ rút quân về.
Nhà vua lấy đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang (nay là Đông Triều, Yên Hưng, Quảng Ninh) là đất thang mộc và phong cho anh là Yên Sinh Vương.
Hoàng hậu Thuận Thiên sau sinh ra Quốc Khang, thái tử Hoảng, Quang Khải, Nhật Vĩnh, ích Tắc, Nhật Duật đều được phong Vương, và các công chúa Thiều Dương, Thuỵ Bảo.
Ngày 24 tháng 2 năm Mậu Ngọ – 1258, vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Hoảng, đây là một cách tập sự cho con quen với việc trị nước. Triều đình tôn Thái Tông lên làm Thái Thượng hoàng để cùng coi việc nước.
Ngày mồng 1 tháng 4 năm Đinh Sửu – 1277, Thái Thượng hoàng mất, thọ 60 tuổi, trị vì được 33 năm, làm Thái Thượng hoàng 19 năm.
- Trần Thánh Tông (Trần Hoảng, 1258 – 1278)
Là con trưởng dòng đích của Thái Tông, mẹ là Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng Thái hậu Lý Thị, sinh ngày 25 tháng 9 năm Canh Tý – 1240. Ngày 24 tháng 2 năm Mậu Ngọ – 1258 lên ngôi hoàng đế đổi niên hiệu là Thiệu Long năm thứ 1.
Thánh Tông là một vị vua nhân từ độ lượng, hết lòng chăm lo việc nước. Về đối nội, nhà vua khuyến khích khai khẩn đất hoang, mở mang điền trang thái ấp bằng cách chiêu tập những người nghèo đói lưu lạc, giúp họ an cư lạc nghiệp. Nhà vua khuyến khích việc học hành bằng cách mở các khoa thi để lựa chọn người tài mà trọng dụng, thời Trần đã xuất hiện “Lưỡng quốc Trạng nguyên” Mạc Đĩnh Chi, nhà sử học Lê Văn Hưu đã viết bộ quốc sử đầu tiên của nước ta là “Đại Việt sử ký”.
Về đối ngoại. Lúc đó nhà Nguyên đã chiếm toàn bộ Trung Quốc của nhà Tống, đang chuẩn bị điều kiện để thôn tính Đại Việt, chúng sai sứ sang phong Vương cho Vua Trần Thánh Tông và bắt nước ta cứ 3 năm một lần cống nạp nho sĩ, thầy thuốc, thầy bói, thầy tướng số và những nghệ nhân giỏi mỗi loại 3 người cùng với những sản vật: sừng tê giác, ngà voi, đồi mồi, châu báu và những vật lạ khác, chúng còn đòi đặt quan Chưởng ấp giám sát các châu quận Đại Việt để chuẩn bị xâm lược nước ta.
Vua Trần Thánh Tông đã thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo những rất kiên quyết, nhằm bảo vệ danh dự và nền độc lập của Tổ quốc. Mặt khác, quan tâm đến việc luyện tập quân sĩ, tích trữ lương thực, vũ khí chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ hai. Vua Trần Thánh Tông ở ngôi được 20 năm, làm Thái Thượng hoàng 12 năm. Ngày 25 tháng 5 năm Canh Dần – 1290 Thái Thượng Hoàng mất ở cung Nhâm Thọ, hưởng thọ 51 tuổi.
- Trần Nhân Tông (Trần Khâm, 1279-1293)
Con trưởng Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng thái hậu, sinh ngày 11 tháng 11 Mậu Ngọ – 1258, ngày mồng 1 tháng Giêng năm Kỷ Mão – 1279 lên ngôi Hoàng đế đổi niên hiệu là Thiệu Bảo.
Vua Trần Nhân Tông là một vị vua nhân từ, hoà nhã, cố kết lòng dân, quyết đoán, hết lòng vì dân vì nước trong thời gian 14 năm ở ngôi khi đất nước Đại Việt ta trải qua hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ.
Sau 14 năm ở ngôi Vua, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Anh Tông, làm Thái thượng Hoàng rồi sau đi tu, trở thành Thuỷ tổ của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Năm 1308, Trần Nhân Tông qua đời tại Am Ngoạ Vân núi Yên Tử (Đông Triều, Quảng Ninh ngày nay) thọ 51 tuổi.
- Trần Anh Tông (1293 – 1314)
Tên huý là Thuyên, con trưởng của Trần Nhân Tông và mẹ là Khâm Từ Bảo Khánh hoàng thái hậu, có hai em là Huệ Võ Vương Quốc Chuẩn và em gái là Huyền Trân công chúa.
Trần Anh Tông khéo biết kế thừa sự nghiệp của tổ tiên, cho nên thời cuộc đi đến thái bình, chính trị trở nên tốt đẹp, văn vật chế độ ngày càng thịnh vượng, cũng là một vua tốt của triều Trần.
Ngày 18 tháng 3 năm Giáp Dần – 1314 nhường ngôi cho thái tử Mạnh. Mất năm Canh Thân – 1320, trị vì được 21 năm, thọ 54 tuổi.
- Trần Minh Tông (1314 – 1329)
Tên huý là Mạnh, con thứ tư của Trần Anh Tông. Mẹ là Chiêu Hiền hoàng thái hậu Trần Thị, con gái của Bảo Nghĩa đại vương Trần Bình Trọng, sinh năm Canh Tý – 1300.
Trần Minh Tông có lòng nhân hậu, biết tôn trọng nhân tài nên có nhiều hiền thần dưới trướng như Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Nguyễn Trung Ngạn, Đoàn Nhữ Hài, nhưng đã quá tin bọn nịnh thần giết oan chú ruột, đồng thời là bố vợ là Huệ Võ Vương Trần Quốc Chẩn, một lỗi lầm lớn của Trần Minh Tông.
Năm ất Tỵ – 1329 nhường ngôi cho thái tử Vượng.
Ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu – 1357, Minh Tông mất, thọ 58 tuổi.
- Trần Hiến Tông (1329 – 1341)
Tên huý là Vượng, con bà Minh Từ hoàng thái phi Lê Thị, sinh ngày 17 tháng 5 năm Kỷ Mùi – 1319. Năm 1329 lên ngôi vua mới 10 tuổi, ở ngôi 12 năm, nhưng việc điều khiển triều chính đều do Thượng hoàng Minh Tông đảm nhận.
Năm Tân Tỵ – 1341 Trần Hiến Tông mất, thọ 23 tuổi.
- Trần Dụ Tông (1341 – 1369)
Tên huý là Trần Hạo, con thứ 10 của Minh Tông, do Hiến Từ hoàng hậu sinh ra. Vua rất thông tuệ, học vấn cao minh, chăm lo việc võ, sửa sang việc văn, cho nên đời Thiệu Phong chính sự tốt đẹp.
Năm 1358 đổi niên hiệu là Đại Trị. Thượng hoàng Minh Tông mất, các trung thần như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn cũng đã mất, bọn gian thần kéo bè kéo đảng, Dụ Tông thì rượu chè chơi bời quá độ khiến cho triều đình đổ nát, giặc giã nổi lên như ong, nhân dân cực khổ trăm bề. Chu Văn An dâng “Thất trảm sớ” xin chém đầu 7 tên gian thần, nhưng vua không nghe, ông liền treo ấn từ quan về dạy học.
Năm Kỷ Dậu – 1369 vua Dụ Tông mất, ở ngôi được 28 năm, thọ 34 tuổi.
Dụ Tông mất thì bão táp ở cung đình nhà Trần nổi lên vì bà Hoàng thái hậu nhất định đòi lập người con nuôi của Cung Túc Vương là Dương Nhật Lễ lên ngôi. Mẹ Nhật Lễ là một đào hát đã lấy kép hát là Dương Khương có thai rồi mới bỏ chồng mà lấy Cung Túc Vương sinh ra Nhật Lễ.
Nhật Lễ lên làm vua muốn cải họ Dương để dứt ngôi nhà Trần. Hắn giết bà Hoàng Thái Hậu và Cung Định Vương. Cung Tĩnh Vương hoảng sợ bỏ trốn lên Đà Giang.
Các tôn thất nhà Trần hội nhau khởi binh giết chết Nhật Lễ rồi lên Đà Giang rước Cung Tĩnh Vương về làm vua, tức là Trần Nghệ Tông.
- Trần Nghệ Tông (1370 – 1372)
Tên huý là Trần Phủ, con thứ ba của Minh Tông, mẹ đẻ là thứ phi họ Lê, ở ngôi được 2 năm, nhường ngôi 27 năm, thọ 74 tuổi.
Vua dẹp yên được nạn bên trong, khôi phục cơ đồ nhà Trần, song cung kính kiệm ước thì có thừa mà cương nghị, quyết đoán lại không đủ. Bên ngoài, vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga đem quân vượt biển vào cửa Đại An tiến đánh kinh đô Thăng Long, quân Trần chống không nổi. Vua Nghệ Tông phải bỏ kinh thành chạy sang Đình Bảng lánh nạn. Quân Chiêm Thành vào đốt sạch cung đình, bắt đàn bà con gái, lấy hết tiền bạc châu báu rồi rút quân về. Ngày 9 tháng 11 năm Nhâm Tý – 1372, Nghệ Tông nhường ngôi cho em là Trần Kính, lui về Thiên Trường làm Thái thượng hoàng.
- Trần Duệ Tông (1372-1377)
Tên huý là Kính, con thứ 11 của Minh Tông, em Nghệ Tông, mẹ là Đôn Từ hoàng thái phi. Sinh ngày 2 tháng 6 năm Đinh Sửu – 1337. Khi Nghệ Tông lánh nạn Trấn Kính chiêu mộ quân lính, vũ khí, lương thực để đánh Nhật Lễ, đón Nghệ Tông về, nên được nhường ngôi, làm vua được 5 năm, thọ 41 tuổi. Duệ Tông ương gàn, cố chấp, không nghe lời can, khinh thường quân giặc nên mang hoạ vào thân.
Tháng 12 năm 1376, nghe lời tấu man của Đỗ Tử Bình (trấn thủ Hoá Châu), nhà vua thân chinh đem 12 vạn quân đi đánh Chiêm Thành, tháng Giêng năm 1377 đại quân tiến đến cửa Thị Nại (Quy Nhơn). Chế Bồng Nga dựng trại bên ngoài thành Đồ Bàn (Bình Định) rồi cho Mục Bà Na đến trá hàng nói là Chế Bồng Nga đã bỏ thành chạy trốn. Ngày 24 tháng Giêng, vua thúc quân tiến vào thành. Đại tướng Đỗ Lễ can mãi vua không nghe cứ tiến quân đến chân thành Đồ Bàn thì quân Chiêm Thành ở bốn phía đổ ra đánh, quân ta thua to. Vua chết trong đám loạn quân.
- Trần Phế Đế (1377-1388)
Tên huý là Trần Hiệu, con trưởng của Duệ Tông, mẹ là bà Gia Từ hoàng hậu Lê Thị, sinh ngày 6 tháng 3 năm Tân Sửu – 1361. Khi Duệ Tông chết ở mặt trận phương Nam, Nghệ Tông lập Hiệu lên ngôi vua.
Vua u mê, nhu nhược không làm được việc gì, uy quyền ngày càng về tay Hồ Quý Ly.
Năm Mậu Ngọ – 1378, quân Chiêm Thành lại sang đánh Nghệ An, rồi theo sông Đại Hoàng vào cướp phá kinh đô Thăng Long một lần nữa.
Ngày 6 tháng 12 năm 1388, thượng hoàng Nghệ Tông giáng Phế Đế xuóng làm Linh đức Đại vương, sau đó bắt thắt cổ chết, và lập con út của mình lên làm vua là Trần Thuận Tông.
- Trần Thuận Tông (1388-1398)
Tên huý là Trần Ngung, là con út của Nghệ Tông, ở ngôi được 10 năm, xuất gia hơn 1 năm, thì bị Hồ Qúy Ly giết, thọ 22 tuổi. Vua chỉ ngồi giữ ngôi không, còn việc nước thì ở trong tay bố vợ là Hồ Quý Ly.
Năm Kỷ Tỵ – 1389, Chế Bồng Nga lại đem quân sang đánh Đại Việt, Hồ Quý Ly đưa quân cự chiến nhưng thua trận phải rút chạy. Thượng hoàng sai đô tướng là Trần Khát Chân đem quân đi chặn giặc.
Tháng Giêng năm Canh Ngọ (1390), Chế Bồng Nga đi thị sát trận địa của Trần Khát Chân ở Hải Triều (Hưng Nhân, Thái Bình và Tiên Lữ, Hưng Yên) nhân có tên tiểu thần của Chế Bồng Nga là Ba Lậu Kê bị Chế Bồng Nga trách phạt, chạy sang hàng quân ta cho Trần Khát Chân hay dấu hiệu đặc biệt của thuyền chở Chế Bồng Nga. Trần Khát Chân đã ra lệnh các cây súng (hoả súng) nhất tề nhả đạn, bắn trúng thuyền Chế Bồng Nga, xuyên suốt ván thuyền. Chế Bồng Nga trúng đạn chết tại trận. Trần Khát Chân chém đầu Chế Bồng Nga đem về triều dâng vua và Thượng hoàng.
Tướng Chiêm Thành là La Ngai đem tàn quân chạy về nước chiếm ngôi vua. Hai con của Chế Bồng Nga là Chế Ma Nô Đà Nan và Chế Sơn Nô sợ bị giết đã chạy sang hàng Đại Việt, được vua Trần trọng dụng.
Ngày 15 tháng 12 năm Giáp Tuất – 1394, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mất, Hồ Quý Ly lên làm phụ chính Thái sư, thâu tóm toàn bộ quyền bính để dễ đường cướp ngôi vua. Hồ Quý Ly quyết định dời đô vào Thanh Hoá, xây thành Tây Đô ( ở động An Tôn, Vĩnh Lộc).
Tháng 11 năm 1397 Hồ Quý Ly bức vua Thuận Tông phải dời kinh về Tây Đô.
Tháng 3 năm 1398 ép Thuận Tông nhường ngôi cho con trai là Trần án để đi tu ở cung Bảo Thanh tại nuí Đại Lại (Thanh Hoá).
- Trần Thiếu Đế (1398-1400)
Tên huý là Trần Án, mưói 3 tuổi lên kế nghiệp tức là Thiếu Đế.
Hồ Quý Ly xưng là Khâm đức Hưng liệt Đại Vương, rồi sai người giết con rể là Thuận Tông.
Ngày 28 tháng 2 năm Canh Thìn – 1400, Hồ Quý Ly bức Thiếu Đế nhường ngôi.
Triều Trần kể từ Trần Thái Tông Đến Trần Thiếu Đế là 12 đời vua, trị vì được 175 năm.
Dân tộc ta rất đáng tự hào dưới triều Trần, có những vị vua anh hùng như Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông đã lãnh đạo quân dân Đại Việt ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên – Mông, một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới bấy giờ, một đế quốc rộng mông mênh từ bờ Thái Bình Dương đến Hắc Hải.
Song cơ nghiệp nhà Trần suy vi từ Dụ Tông, Nghệ Tông.
Dụ Tông thì hoang chơi vô độ, bỏ bễ chính sự, làm loạn kỷ cương phép nước, làm cho dân nghèo, nước yếu.
Nghệ Tông thì nhu nhược không biết dùng hiền thần mà chỉ nghe bọn nịnh thần, làm cho cơ nghiệp nhà Trần về tay kẻ khác.
BAN TRUYỀN THÔNG
Trần Minh Cường – sưu tầm