Nam quốc Sơn hà – Thiên anh hùng ca, là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Dân tộc Việt Nam của Đại tướng quân Lý Thường Kiệt sẽ mãi bất diệt với thời gian …
Bài thơ thần trên sông Như Nguyệt
Bập bùng lửa thiêng tiếp bước ra sa trường .
Hận thù sục sôi lũ giặc Tống cướp nước .
Lửa khói ngút trời Làng xóm điêu tàn .
Đất nước Nam vùng lên quyết giành lại nước non .
Từng lớp trai làng đi chinh chiến .
Sá chi da ngựa bọc thây dưới ngọn cờ Lý Tướng Quân .
Lũ giặc tham tàn không chốn dung thân.
Dưới ngọn cờ Lý Tướng Quân .
Giang sơn gấm vóc vang khúc khải hoàn .
Lý Thường Kiệt với bài thơ “Nam quốc sơn hà”
Cuối năm Bính Thìn (1076), nhà Tống ồ ạt đưa quân sang xâm lược nước ta. Quân đội Đại Việt lúc bấy giờ do Lý Thường Kiệt chỉ huy, tuy đã chủ động chuẩn bị đối phó từ trước, vẫn chống cự một cách rất khó khăn. Giặc tràn xuống bờ Bắc sông Cầu và đội quân tiên phong của chúng đã bước đầu chọc thủng được chiến tuyến Như Nguyệt.
Chiến tuyến vỡ, một mảng quan trọng trong niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của quân sĩ ta cũng theo đó mà tan vỡ. Muốn giành lại được thế chủ động, trước phải đập tan đội quân tiên phong của giặc, mà muốn đập tan đội quân tiên phong này, trước phải tìm cách lấy lại và kích động mạnh mẽ tinh thần của quân sĩ. Nhận rõ điều đó, Lý Thường Kiệt đã bí mật đang đêm cho người vào đền thờ Trương Hát ở ngay bên bờ sông Cầu, đọc to bài thơ không đề sau đây:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Sông núi nước Nam, vua Nam(1) ở
Rành rành ghi rõ ở sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Binh sĩ nghe lời thơ, tinh thần phấn chấn hẳn lên, ai ai cũng cố sức đánh giặc. Đội quân tiên phong của nhà Tống bị đập tan, chiến tuyến sông Cầu cũng mau chóng được hàn lại. Giặc từ đó bị giam chân ở bờ Bắc sông Cầu, tiến thoái lưỡng nan. Đến đầu năm Đinh Tị (1077), chúng bị Lý Thường Kiệt mở trận quyết chiến chiến lược ở Như Nguyệt, đánh cho tan tành.
Trần Minh Cường – Sưu tầm