Trần Hưng Đạo – Thánh tướng hiền minh của dân tộc Việt

TIỂU SỬ
TRẦN QUỐC TUẤN

Trần Quốc Tuấn là con An-sinh vương Trần Liễu và là cháu gọi vua Trần Thái tôn bằng chú ruột. Ông sinh vào khoảng năm 1226, 1227, 1228 hoặc 1229 gì đó, nguyên quán ông ở làng Tức-mặc, huyện Mỹ-lộc, tỉnh Nam-định, nay thuộc tỉnh Nam-hà.

Khi quân Mông-cổ sang xâm lược nước ta lần thứ nhất (1257), ông tham gia cuộc kháng chiến. Năm 1283 khi quân Mông-cổ sắp sửa mở cuộc xâm lược lần thứ hai vào nước Đại Việt, Trần Quốc Tuấn được cử làm Quốc công Tiết chế toàn bộ quân đội của nhà Trần. Đầu năm 1285, năm mươi vạn quân Mông-cổ do Thoát Hoan chỉ huy từ biên giới tỉnh Quảng-tây đánh vào nước Đại Việt, trong khi ấy mười vạn quân Mông-cổ khác do Toa-đô chỉ huy từ Chiêm-thành tiến ra Bắc. Thế giặc quá mạnh, triều đình phải bỏ Thăng-long, rút vào Thanh-hóa. Ở những nơi quân giặc chiếm đóng, nhân dân làm vườn không nhà trống. Tức giận, quân giặc đi đến đâu cướp phá và giết chóc nhân dân đến đấy. Vua Trần Nhân tôn lo sợ, hỏi Trần Quốc Tuấn: “Hay ta tạm hàng để cứu muôn dân?” Quốc Tuấn khảng khái trả lời: “Nếu bệ hạ muốn hàng, trước hết hãy chém đầu thần đi đã”.

Để giáo dục cho các tướng sĩ phép dùng binh đánh giặc giữ nước, Trần Quốc Tuấn đã căn cứ vào các sách binh pháp của Tôn Vũ và Ngô Khởi mà soạn ra sách Binh gia diệu lý yếu lược hay Binh thư yếu lược. Ông lại viết Hịch tướng sĩ để khích lệ lòng yêu nước và chí căm thù của các tướng sĩ đối với quân xâm lược.

Do chiến lược, chiến thuật đúng đắn của Trần Quốc Tuấn, do tinh thần quyết chiến của quân đội, đầu Tháng Năm năm Ất dậu (1285), quân đội nhà Trần đánh bại quân của Toa-đô ở cửa Hàm-tử làm cho Toa-đô phải đem tàn quân chạy về cửa biển Thiên-trường. Ngay sau đó, Trần Quốc Tuấn lại nhanh chóng tập trung quân đội, bất ngờ đánh vào căn cứ giặc ở Chương-dương, và đã tiêu diệt hầu hết quân Mông-cổ đóng ở đấy. Thoát Hoan thấy Chương-dương bị đánh, vội cho quân từ Thăng-long đến cứu viện Chương-dương. Quân Mông-cổ vừa rời khỏi Thăng-long được một quãng, thì bị quân phục kích của Trần Quốc Tuấn đổ ra chặn đánh và tiêu diệt. Được tin Chương-dương bị hạ, viện binh bị diệt, Thoát Hoan hoảng sợ, vội cùng với bọn A-thích mang quân Mông-cổ vượt sông Hồng chạy sang các căn cứ quân Mông-cổ ở miến đất là tỉnh Hà-bắc ngày nay.

Sau khi đại thắng ở Chương-dương, và đuổi Thoát Hoan ra khỏi Thăng-long, Trần Quốc Tuấn mang quân quay lại tiêu diệt lộ quân của Toa-đô ở Tây-kết, và đến cuối tháng Năm năm Ất dậu (1285), quân Trần lại đại thắng ở Tây-kết, nguyên soái Toa-đô bị chém đầu ngay tại trận, Ô-mã-nhi sợ hãi phải chạy vào Thanh-hóa. Quân Trần thừa thắng truy kích, bắt sống được mấy vạn quân Mông-cổ.

Các trận thắng trên buộc Thoát Hoan và toàn bộ quân Mông-cổ phải rút lui. Nhưng trên đường rút về Trung-quốc quân Mông-cổ bị quân đội của Trần Quốc Tuấn phục kích, và bị chết rất nhiều. Thoát Hoan phải chui vào một cái thùng đồng mới trốn được về Trung-quốc..

Năm Đinh hợi (1287) quân Mông-cổ do Thoát Hoan chỉ huy lại xâm lược nước Đại Việt lần thứ ba. Vua Trần Nhân tôn hỏi ý kiến Trần Quốc Tuấn, Quốc Tuấn tuyên bố: “Bây giờ quân ta đã quen chiến đấu, quân giặc từ xa đến mỏi mệt, và chúng còn đang khiếp sợ về những trận thua trước, mất cả nhuệ khí… Năm nay đánh giặc có phần dễ hơn trước”.

Đầu năm Đinh hợi (1287), quân Mông-cổ dưới quyền chỉ huy của Thoát Hoan, do hai đường thủy và bộ kéo vào xâm lược nước Đại Việt. Trần Quốc Tuấn lại ra lệnh cho quân đội rút lui chiến lược. Quân Mông-cổ lại chiếm được Chi-lăng, Khả-ly, Chí-linh, Vạn-kiếp, Tam-đái-giang (Việt-trì), Thăng-long… quân đội nhà Trần lại đóng rải rác ở nhiều nơi, nhân dân lại làm vườn không nhà trống. Trần Quốc Tuấn lại cho quân du kích ngày đêm quấy rối các vị trí của quân Mông-cổ. Quân Mông-cổ bị hãm vào cảnh thiếu lương thực. Ngày đêm chúng chỉ còn việc cố thủ các vị trí để chờ các đoàn thuyền lương do Trương Văn Hổ có trách nhiệm mang đến cho chúng. Nhưng đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ đã bị Trần Khánh Dư phá sạch ở Vân-đồn… Được tin đoàn thuyền lương bị phá, Thoát Hoan lại quyết định cho toàn bộ quân Mông-cổ theo hai đường thủy bộ rút lui về Trung-quốc. Trần Quốc Tuấn đã dự đoán nước cờ đó của Thoát Hoan, và ông đã cho quân đi bố trí phục kích tại các đường thủy, đường bộ mà quân Mông-cổ tất phải đi qua trên đường về nước. Tháng Ba năm Mậu tý (1288) trận phục kích quy mô nổi tiếng trong lịch sử đã diễn ra ở sông Bạch-đằng, kết quả 500 chiến thuyền Mông-cổ bị đánh đắm hoặc bị bắt, hơn ba vạn quân giặc bị giết, bị bắt, bị chết đuối, Ô-mã-nhi và Tích-lệ-cơ ngọc bị bắt sống…

Được tin toàn bộ quân Mông-cổ bị phá ở sông Bạch-đằng, Thoát Hoan sợ cuống quít, y vội ra lệnh cho toàn quân rút lui về nước. Trên đường chạy trốn, quân Mông-cổ lại bị quân đội của Trần Quốc Tuấn phục kích, và bị chết rất nhiều. Thoát Hoan phải do đường huyện Đan-kỷ (Lạng-sơn) chạy sang Lộc-châu rồi theo thung lũng sông Lục-ngạn, qua các địa điểm Biển-động, An-châu, Đình-lạp đê vượt biên giới chạy về Tư-minh (Trung-quốc).

Do có nhiều công lao đánh giặc cứu nước, Trần Quốc Tuấn được phong tước Hưng-đạo đại vương, vì vậy người ta thường gọi ông là Trần Hưng Đạo.

Tháng Tám năm Kỷ hợi (1300), Trần Quốc Tuấn bị bệnh nặng ở Vạn-kiếp, và đến ngày 15 tháng Tám thì ông từ trần tại nhà riêng.

Trước khi Quốc Tuấn sắp từ trần, vua Trần Anh-tôn có đến nhà riêng của ông ở Vạn-kiếp để hỏi ông về kế sách giữ nước. Nhân dịp này, Quốc Tuấn có trình bày với vua Anh-tôn về chiến lược đánh giặc giữ nước khi đất nước bị xâm lăng như chúng tôi đã nói ở phần “Giới thiệu”.

Chiến lược, chiến thuật của Trần Quốc Tuấn có thể tóm tắt như sau:

Nước Đại Việt nhỏ và yếu hơn nước Đại Nguyên của Mông-cổ, vì vậy phải “lấy đoản binh mà chống trường trận” tức phải lấy ít đánh nhiều, lấy yếu chống mạnh, khi quân giặc mới đến, thế chúng còn mạnh, thì ta rút lui để bảo toàn lực lượng, nhủ cho giặc vào sâu và dàn mỏng lực lượng ra nhiều nơi chờ khi nào có điều kiện thuận lợi mới phản công; khi ta rút lui, ta cũng phải chủ động khiến cho giặc “muốn đánh mà không đánh được”. Với chiến thuật vườn không nhà trống, với chiến tranh nhân dân, giặc không thể cướp được lương thực của nhân dân, và luôn luôn bị dân quân du kích đánh phá, quấy rối, cắt đường tiếp tế. Tinh thần quân giặc do đó tất phải giảm sút. Lúc ấy quân ta mới phản công, cắt hẳn đường liên lạc, tiếp tế của giặc, phục kích, tập kích giặc, dùng vận động chiến thần tốc đánh vào các căn cứ quan trọng của giặc, buộc giặc phải rút lui về nước, và trên đường giặc rút lui, ta phục kích tiêu điệt chúng.

Với chiến lược và chiến thuật trên, Trần Quốc Tuấn đã hai lần đánh bại quân Mông-cổ đã từng tung hoành, bách chiến bách thắng ở châu Á, châu Âu. Khi vạch cho vua Trần Anh-tôn kế sách giữ nước, Trần Quốc Tuấn lại nhấn mạnh rằng “phải khoan dùng sức dân để làm cái sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước, không còn gì hơn”.

Đọc sách: Binh thư yếu lược – Trần Quốc Tuấn 

http://www.vietnamvanhien.org/BinhThuYeuLuoc.pdf

Trả lời