Cổ học tinh hoa – Cuốn sách giá trị muôn đời

Cổ học tinh hoa của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân là một công trình biên khảo có giá trị vượt thời gian…


Đây là một cuốn sách rất thú vị, rất đáng đọc và bổ ích không thể thiếu trong tủ sách của các gia đình văn hóa…

 

Cổ học tinh hoa là một tuyển tập gồm các tiểu phẩm văn xuôi, ngắn gọn và súc tích tương tự như những mẫu chuyện ngụ ngôn…

Đọc Cổ học tinh hoa, ta sẽ thấy ở đây những câu chuyện ta đã gặp đây đó trong sách vở, phim truyện như “nếm mật nằm gai”, “mâu thuẫn”, “tri kỷ”, “chính danh”, “tái ông mất ngựa”… thậm chí kể cả những chuyện khả thủ của một kẻ đáng ghét trong mắt người Việt như Mã Viện.

 

Tuy là tích xưa chuyện cũ, nhưng sao ta luôn thấy nó rất gần gũi và luôn gặp lại trong cuộc sống hàng ngày hiện tại …

 

Khi viết Cổ học tinh hoa, cảm hứng giao thời của tác giả thể hiện khá đậm. Ta sẽ gặp đây đó trong bộ sách này những lời cảm thán về thế đạo nhân tâm, về thế thái nhân tình của tác giả như: “Thời buổi mạt tục”, “Thời đại phong hóa suy đồi này”,…

LỜI NÓI ĐẦU

ó mới, nới cũ” thường tình vẫn thế. Tân học mỗi ngày một tiến, tất Cựu học phải lùi và có khi sợ rồi mai một đi mất. Nhưng, Tân học mà hay, tất là Tân học có một nền tảng vững chắc. Nền tảng ấy tức là tinh hoa của Cựu học. Cựu học nước nhà là một thứ học trải qua bao nhiêu đời, đã làm cho ông cha ta phù thực được cương thường, chấn chỉnh được phong hóa, bảo tồn được quốc thể, duy trì được thế đạo nhân tâm, thật không phải là một cái Học không có giá trị đáng khinh rẻ hay quên bỏ được. Vả chăng: “Tri kim, nhi bất tri cổ, vị chi manh cổ; tri cổ, nhi bất tri kim, vị tri lục trầm” ta đã biết truyện đời nay, ta lại cần phải học truyện đời xưa, ta ôn lại việc đời xưa mà ta rõ được việc đời nay, có như thế, thì cái Học của ta mới không đến nỗi khiếm khuyết. Vì, tuy chia làm cổ, kim, nhưng chẳng qua cũng chỉ là buổi sớm, buổi chiều trong một ngày của trời đất, kẻ học giả mà câu nệ chấp nhất, chỉ biết cổ không muốn biết kim, hay chỉ biết kim không muốn biết cổ, thì sao gọi là “bác cổ thông kim” được!
Cựu học của ta là gì? Cựu học của ta tức là Hán học nghĩa là một cái Học chung cho cả mấy dân tộc ở Á Đông đã chịu cái văn hóa của giống người Hán, tức là người Trung Hoa. Cựu học không phải là chỉ có Tứ Thư, Ngũ Kinh, xưa kia đa số quen dùng làm cái học cử nghiệp mà thôi. Ngoại giả, còn Bách gia chư tử thật là man mác rộng như bể, học thuyết đủ mọi mặt, lý tưởng rất sâu xa, muốn học cho tới nơi, phải mất bao nhiêu công phu, thời giờ mới được.
Nay, chúng tôi biên tập quyển sách nầy, không phải là muốn chuyên tâm nghiên cứu riêng một phái nào hay một nhà nào. Chúng tôi chỉ góp nhặt một đôi chút lý tưởng trong Cổ học gọi là để cho người đọc thiệp liệp qua được một ít tinh hoa của lối học cũ mà thôi. Nên chúng tôi mới lạm dụng bốn chữ “Cổ Học Tinh Hoa” làm nhan sách. Chúng tôi có ý chọn những bài ngắn mà nghĩa lý hàm súc dồi dào. Những bài ấy tuy là truyện từ đời xưa bên Tàu, nhưng ứng dụng vào đời nào và ở đâu cũng được. Vì truyện tuy cổ, nhưng cái chân lý thì bao giờ cũng là một, mà bao giờ cũng như mới. Nào hiếu đệ, nào trung tín, nào lễ nghĩa, nào liêm sĩ, đến cả những việc kỳ quái, sinh tử; bài nầy chính giọng huấn giáo, bài kia rõ thể ngụ ngôn, truyện nầy nghiêm trang khắc khổ, truyện kia khôi hài lý thú; đức Khổng nói “Nhân” hồn nhiên như hóa công; ông Mạnh bàn “Nghĩa” chơm chởm như núi đá, Tuân Tử nói “Lễ” thật là đường bệ, Mặc Tử nói “Ái” thật là rộng rãi, hình danh như Hàn phi tử thật là nghiêm nghị khiến người mất bụng làm xằng, ngôn luận như Án Tử thật là thâm thiết khiến người dễ đường tỉnh ngộ, đến nói đạo đức như Lão Tử, bàn khoáng đạt như Trang Tử thật lại biến hóa như rồng, phấp phới như mây… Các lý thuyết mỗi nhà một khác, có khi phản đối hẳn nhau, nhưng thực khiến cho người đọc vừa được vui, vừa phải đem tâm suy nghĩ.
Dịch những bài văn như thế, chúng tôi lấy làm rất khó. Chẳng những chữ Hán dịch ra chữ Nam, lắm câu không hết được nghĩa, nhiều bài, chính nguyên văn cũng mỗi nơi chép một khác không lấy gì làm xác định. Nên khi dịch, chúng tôi phải châm
chước cân nhắc từng bài, bài thì dịch thẳng nguyên văn, bài thì chỉ dịch lấy đại ý, hoặc có bài phải rút bớt, hay thêm ra, hay đúc lại, cốt cho nó xuông tiếng Nam mà không hại đến nghĩa bài thì thôi. Dịch Hán văn ra quốc văn, tất phải dùng nhiều chữ Hán. Song chữ nào bất đắc dĩ phải dùng, thì ở dưới chúng tôi đã có “giải nghĩa” rõ
79
ràng. Nghĩa ấy thường chỉ là nghĩa riêng trong bài, chớ không phải hết mọi nghĩa của từng chữ.
Những tên người, tên đất, muốn cho tinh tường, đáng lẽ phải có một cái biểu liệt đủ tên những tác giả cùng những người nói trong chuyện và một bức địa đồ Trung Hoa trải qua các thời đại. Nhưng việc ấy xin để nhường những nhà chuyên về Bắc sử sau nầy, đây chúng tôi chỉ chua qua để cho độc giả đủ biết cái đại cương mà thôi. Đọc một bài văn hay, mà tư tưởng đã thấm thía vào tâm não, thì tất không sao để yên ngòi bút mà không phê bình được. Đó cũng là một cái thông bệnh của những người hâm mộ văn chương hay có cái thú ngâm nga và đưa ngòi bút khuyên liền, khuyên kín vậy. Chúng tôi cũng không tránh khỏi cái bệnh ấy. Nên dưới mỗi bài chúng tôi cũng góp “Lời Bàn”, cốt là để giải rõ các đại ý trong bài hoặc lạm bình một, đôi câu ứng với cái thời buổi bây giờ.
Chúng tôi mạo muội biên dịch quyển sách nầy là quyển đầu, có ý bảo tồn tinh hoa của cổ học và mong các bạn thiếu niên ta nhớ đến nguồn gốc từ bao nhiêu nghìn năm về trước, rõ các điển tích thường dẫn trong văn chương nước nhà, thêm được ít tài liệu có khi làm văn phải dùng đến, rộng được ít tri thức tuy thuộc về Cổ học mà thật khác nào “như thóc gạo, như vải lụa”, thường cần đến hàng ngày. Nếu quyển sách này, giúp được một phần trong muôn phần ấy, thì chúng tôi lấy làm hoan hỷ lắm vậy.
Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm Ất Sửu (1925)
NGƯỜI LÀM SÁCH
Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc Từ An Trần Lê Nhân
Tiểu sử tác giả Cổ Học Tinh Hoa
Tác giả Cổ Học Tinh Hoa là Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Từ An Trần Lê Nhân. Về phần Từ An Trần Lê Nhân, vì không thấy có tài liệu nào nói đến ông, (!), nên không có tiểu sử của ông ở đây.
Tiểu sử Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc:
Nguyễn Văn Ngọc (1 tháng 3 năm 1890 – 26 tháng 4 năm 1942): hiệu là Ôn Như là nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam.
Tiểu sử
Ông sinh năm 1890, quê ở làng Hoạch Trạch (làng Vạc), xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Thuở nhỏ ông đã học cả Hán học lẫn Tây học. Năm 17 tuổi ông tốt nghiệp trường Thông ngôn, sau đó ông dạy ở trường tiểu học Bờ sông, Hà Nội. Ông còn dạy ở trường Bưởi, trường Sỹ hoạn (hậu bổ), trường Sư phạm… Sau đó, ông làm Thanh tra các trường sơ học và phụ trách Tu thư cục của Nha học chính. Ông còn làm Hội trưởng Hội ái hữu các nhà giáo, thành viên Khai Trí Tiến Đức, Cổ Kim Thư xã. Năm 1934, Nguyễn Văn Ngọc được bổ nhiệm đốc học tỉnh Hà Đông, ông tham gia thành lập Hội Phật giáo Bắc Việt và góp sức xây dựng chùa Quán Sứ thành Hội quán trung ương. Hơn 30 năm làm giáo học, ông đã sưu tầm, biên soạn nhiều sách giáo khoa, sách nghiên cứu văn học có giá trị. Ông đặc biệt say mê nền văn hoá dân gian, đã giành cả cuộc đời để sưu tầm, khai thác và phổ biến nền văn học dân gian. Ông mở hiệu sách là Vĩnh Hưng Long thư quán tại 51 Hàng Đường, Hà Nội, chủ yếu là để bán sách của ông viết ra.
Ông còn là một trong những người có công trong việc bảo tồn sân khấu dân gian. Ông cùng người anh cả là nhà trí thức yêu nước Nguyễn Trọng Oánh và ông Đỗ Thập đã lập nên sân khấu Sán nhiên đài, là rạp hát chèo đầu tiên trên sân khấu hộp ở Hà Nội.
Nguyễn Văn Ngọc mất ngày 26 tháng 4 năm 1942. Vì những đóng góp to lớn cho nền văn hóa dân gian, tên của ông được đặt cho hai con đường ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Con gái ông là bà Nguyễn Thị Hy, sinh năm Quý Sửu (1913). Bà từng làm con dâu học giả Phạm Quỳnh, sau này kết hôn với nhà cách mạng Trần Huy Liệu.
Tác phẩm
Nguyễn Văn Ngọc có lòng say mê đặc biệt với văn hóa, văn học phương Đông, nhất là văn hóa, văn học dân tộc. Ông cho ra đời nhiều cuốn sách bằng tiếng Hán, tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ. Ông tham gia biên soạn các sách giáo khoa như Phổ thông độc bản, Phổ thông độc bản lớp đồng ấu, Luân lý giáo khoa thư, Giáo khoa văn học An Nam, Đông Tây ngụ ngôn. Về khảo cứu, Nguyễn Văn Ngọc có Cổ học tinh hoa,
Nam thi hợp tuyển, Đào nương ca, Truyện cổ nước Nam, Ngụ ngôn, Tục ngữ phong dao…
Bộ sách Cổ học tinh hoa (1925, biên soạn cùng Trần Lê Nhân) trình bày những kiến thức vừa cụ thể vừa có chiều sâu văn hóa và Hán học. Bộ sách Đông Tây ngụ ngôn
71
(1927) gồm 2 quyển, chủ yếu là thơ lục bátvà thơ song thất lục bát, do Nguyễn Văn Ngọc phóng tác dựa trên những ý tưởng của ngụ ngôn dân gian Đông – Tây, ngoài ra cũng có một số bài do ông sáng tác. Về sách thiếu nhi, ông còn có bộ Nhi đồng lạc viên (1928).
Một công trình lớn của Nguyễn Văn Ngọc là Truyện cổ nước Nam (1934), sưu tầm và phóng tác theo những truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn dân gian và truyện cười dân gian. Bộ sách gồm 4 tập, trong đó 2 quyển kể về con người, và 2 quyển kể về các loài chim muông. Truyện cổ nước Nam được nhà văn kể theo cốt truyện mà ông sưu tầm được với quan điểm nhân văn trong sáng, được nhiều tầng lớp độc giả yêu thích.
Bộ sách Tục ngữ phong dao là một công trình lớn tiên phong trong việc bảo tồn văn học dân gian Việt Nam. Trong cuốn sách này tập hợp tới 6.500 câu tục ngữ và hơn 850 bài ca dao do Nguyễn Văn Ngọc sưu tầm trong dân gian và trong những pho sách cổ được in trong sách này với sự đánh giá, phân loại khoa học. Bộ sách đã được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng để viết về tục ngữ ca dao Việt Nam. Trong công trình biên khảo hợp tuyển thơ cổ Việt Nam mang tên Nam thi hợp tuyển, ngoài việc giảng nghĩa những chữ và điển tích ở từng bài thơ, ghi thêm những dị bản, ông còn viết nhiều lời bình giá về tác phẩm và tác giả, được nhiều nhà khảo cứu phê bình học hỏi. Ngoài ra, ông còn có hai cuốn sách nổi tiếng nữa là Đào nương ca và Câu đối, nghiên cứu về câu đối và hát nói.
CHƯƠNG 2; DẪN NHẬP
ổ Học Tinh Hoa là một trích tuyển các mẩu chuyện rất lý thú trong các sách nổi tiếng của Trung Hoa xưa xuyên suốt từ trên 2000 năm nay! Tuy xuất bản đã 86 năm, nhiều quan niệm và triết lý trong Cổ Học Tinh Hoa vẫn còn hấp dẩn chúng ta ngày nay!
Tôi thuộc thế hệ thứ 1, nói theo ngôn ngữ bây giờ. Trường tôi học khi tôi còn trẻ có 1 giờ luân lý mỗi tuần. Trong giờ luân lý đó các thầy dạy cho chúng tôi cách… học làm người! Chúng tôi được chỉ dạy từ những chuyện nhỏ nhặt như cách thức cầm chén đủa, cách thức dùng thức ăn trong các bửa tiệc v.v… cho đến những chuyện lớn lao về đạo lý làm người!
Bao nhiêu chuyện về đạo lý làm người, theo ý tôi, các thầy đều dựa vào các sách như Cổ Học Tinh Hoa, Luân Lý Giáo Khoa Thư, Quốc Văn Giáo Khoa Thư v.v… Khi đó sách vở không dồi dào như bây giờ và các thầy khi giảng về đạo lý làm người cũng thường không nói rõ chuyện hôm nay thầy kể là ở trong sách nào! Với cách học như thế nên về sau, lúc đang là sinh viên đại học khi thấy bảng quảng cáo tuồng cải lương “Tây Thi, gái nước Việt” tôi cứ tưởng người đẹp Tây Thi là người Việt Nam mình! Mãi về sau này tôi mới rõ Tây Thi là 1 trong tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa trong quá khứ và cái nước Việt nói trong bảng quảng cáo là nước Việt ở tận bên Tàu!
Hồi gần đây có dịp đọc trọn bộ 244 tiểu phẩm trong Cổ Học Tinh Hoa, tôi thấy có nhiều truyện đối vối tôi thực là mới mẻ (vì lúc nhỏ đâu có cơ hội đọc hay nghe kể hết mọi chuyện trong đó) và tạo rất nhiều thích thú cho mình! Bèn có ý nghĩ post lên đây để bạn đọc thuộc thế hệ thứ 1 như tôi có dịp được đọc trọn bộ 244 tiểu phẩm trong Cổ Học Tinh Hoa. Đọc để tìm lại những xúc động của thuở học trò khi học đạo lý làm người. Đọc để ôn cố mà tri tân? Và đọc… cho vui!
Đới với thế hệ thứ 2, nếu các cháu tò mò đọc hết Cổ Học Tinh Hoa, các cháu sẽ có những khái niệm căn bản về những gì thế hệ cha ông của các cháu đã được giáo dục về đạo lý làm người như thế nào!
Đới với các bạn đọc chủ trương “thoát Á”, “bài Á” trong diễn đàn này, nếu các bạn đọc kỹ hết Cổ Học Tinh Hoa, có thể lập trường của các bạn có thể thay đổi chăng? Với các đọc giả thích “chơi” sách, các bạn có thể copy Cổ Học Tinh Hoa về computer của mình để có được 1 bản Cổ Học Tinh Hoa với nhiều thông tin nhất từ trước cho đến nay!
Nội dung sẽ được post
Trọn bộ 243 tiểu phẩm và 3 bài “Tiểu tự”, “Danh ngôn danh lý” và “Bạt” trong Cổ Học
Tinh Hoa theo tài liệu tham khảo (1) sẽ được post.
Tiểu phẩm “244. Mã Viện” không có trong sách Cổ Học Tinh Hoa theo tài liệu tham khảo (1); bài này sẽ được post dựa theo tài liệu tham khảo (3).
1
Nội dung các truyện, hay bài viết, và nội dung các LỜI BÀN sẽ theo đúng từng dấu chấm, dấu phẩy trong bản in của Cổ Học Tinh Hoa theo tài liệu tham khảo (1).
Nội dung trong các GIẢI NGHĨA thì có khác biệt.
Sau đây là 1 số ví dụ về các chú thích trong phần GIẢI NGHĨA:
1). Tử Hoa Tử: một nhà học thuyết giỏi nước Ngụy đời vua Chiêu Hi.
2). Nghiêu: vua đời Đường; vua Nghiêu. (Xin xem thêm Nghiêu ở Phụ Lục C).
3). Khổng Tử: xin xem Khổng Tử ở Phụ Lục C.
4). Sử Ký: còn được gọi bằng tên “Sách của ông Thái sử” là cuốn sử của Tư Mã Thiên được viết từ năm 109 TCN đến 91 TCN, ghi lại lịch sử Trung Quốc từ thời Hoàng Đế thần thoại cho tới thời ông sống. (Chú thích này được trích từ Phụ Lục D; xin xem thêm Tư Mã Thiên ở Phụ Lục C).
5). Thiên phương bách kế: mưu này, chước khác xoay đủ trăm nghìn cấp. (2)
Chú thích trong phần GIẢI NGHĨA được trích từ các nguồn Cổ Học Tinh Hoa theo tài liệu tham khảo (1), Cổ Học Tinh Hoa theo tài liệu tham khảo (2), Phụ Lục C và Phụ Lục D.
Ví dụ 1: sau chú thích không có (2) hay các chữ… Phụ Lục C, Phụ Lục D có nghĩa là chú thích “Tử Hoa Tử: một nhà học thuyết giỏi nước Ngụy đời vua Chiêu Hi.” được trích từ Cổ Học Tinh Hoa theo tài liệu tham khảo (1).
Ví dụ 2: trong chú thích “Nghiêu: vua đời Đường; vua Nghiêu. (Xin xem thêm Nghiêu ở Phụ Lục C).”, phần “Nghiêu: vua đời Đường; vua Nghiêu” được trích từ Cổ Học Tinh Hoa theo tài liệu tham khảo (1). Phần trong ngoặc đơn là phần lưu ý bạn đọc xem thêm bài đọc Nghiêu trong Phụ Lục C.
Ví dụ 3: chú thích “Khổng Tử: xin xem Khổng Tử ở Phụ Lục C” cho thấy Cổ Học Tinh Hoa theo tài liệu tham khảo (1) không có chú thích về “Khổng Tử”, nên xin bạn đọc xem Khổng Tử ở Phụ Lục C.
Ví dụ 4: chú thích về “Sử Ký” không có trong Cổ Học Tinh Hoa theo tài liệu tham khảo (1), nên chú thích này được trích từ Phụ Lục D và xin bạn đọc xem thêm Tư Mã Thiên ở Phụ Lục C.
Ví dụ 5: chú thích “Thiên phương bách kế: mưu này, chước khác xoay đủ trăm nghìn cấp. (2)” không có trong Cổ Học Tinh Hoa theo tài liệu tham khảo (1); con số (2) cho biết chú thích này được trích từ Cổ Học Tinh Hoa theo tài liệu tham khảo (2).
Với chủ trương các chú thích phải đi liền với các bài viết nên nhiều chú thích được lập đi lập lại nhiều lần; điều này khác với trong sách in, các chú thích trùng lặp chỉ được in một hay hai lần.
Nội dung các Phụ Lục
Ngoài nội dung các tiểu phẩm, nội dung các LỜI BÀN và nội dung các GIẢI NGHĨA, các Phụ Lục A, B, C và D cũng sẽ được post. Sau đây là nội dung các phụ lục:
Phụ Lục A: Vị trí các nước được nói đến trong Cổ Học Tinh Hoa so với bản đồ Trung Hoa hiện nay.
Phụ Lục B: Niên biểu các triều đại cai trị Trung Hoa từ trước cho đến nay. Phụ Lục C: Các danh nhân Trung Hoa được nói đến trong Cổ Học Tinh Hoa.
Phụ Lục D: Các tác phẩm Trung Hoa được trích dẩn trong Cổ Học Tinh Hoa.
Các Phụ Lục A, B, C và D được biên soạn nhằm mục đích giúp cho việc tìm hiểu Cổ Học Tinh Hoa được sâu sát hơn.
2
Trong các sách in trên giấy, thường các Phụ Lục được in sau cùng. Ở đây vì “in” trên không gian ảo internet nên các Phụ Lục sẽ được post trước.
Ý tưởng làm các phụ lục nêu trên không có gì là mới mẻ. Tám mươi sáu năm trước đây, năm 1925, khi cho in Cổ Học Tinh Hoa, trong lời nói đầu “Tiểu tự” hai cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Từ An Trần Lê Nhân đã có nói rõ ý tưởng này:
“Những tên người, tên đất, muốn cho tinh tường, đáng lẽ phải có một cái biểu liệt đủ tên những tác giả cùng những người nói trong chuyện và một bức địa đồ Trung Hoa trải qua các thời đại. Nhưng việc ấy xin để nhường những nhà chuyên về Bắc sử sau nầy, đây chúng tôi chỉ chua qua để cho độc giả đủ biết cái đại cương mà thôi.”
Biết mình tài mọn sức kém chỉ là một độc giả tài tử, không phải là “nhà chuyên về Bắc sử” như hai cụ mong muốn, nhưng nhờ dựa lưng vào 1 câu thơ của cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều:
“Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tàì”
nên tôi mới bạo dạn góp sức. Dù không đủ Tài nhưng cũng xin đóng góp chút ít bằng cái Tâm!

BAN TRUYỀN THÔNG
TRẦN MINH CƯỜNG – Sưu tầm

Trả lời